Sacombank đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện và trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong nhiệm kỳ 2022-2026
Ngày 22/4/2022, Sacombank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021 và bầu ra Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới 2022 - 2026.
Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026
|
Tại Đại hội, cổ đông cũng thông qua báo cáo kết quả hoạt động; phương án phân phối lợi nhuận năm 2021; kế hoạch kinh doanh; kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu; nội dung liên quan đến công tác điều hành, quản trị cũng như các hoạt động đầu tư năm 2022.
Ngoài tổ chức trực tiếp, Ngân hàng vẫn duy trì hình thức trực tuyến thông qua website https://daihoicodong.sacombank.com và Fanpage Sacombank (https://www.facebook.com/SacombankHome) để tạo điều kiện cho cổ đông trên toàn quốc chủ động trong việc tham gia, theo dõi Đại hội, gửi ý kiến và bỏ phiếu bầu cử, biểu quyết.
Đại hội thống nhất số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2026 là 7 thành viên gồm: ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, ông Phạm Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phan Đình Tuệ - Thành viên Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Xuân Vũ – Thành viên Hội đồng quản trị, ông Vương Công Đức - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập, bà Phạm Thị Thu Hằng - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Đồng thời, Đại hội cũng bầu ra 4 thành viên chuyên trách Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 – 2026 gồm: ông Trần Minh Triết – Trưởng Ban Kiểm soát, ông Nguyễn Văn Thành – Thành viên Ban Kiểm soát, bà Hà Quỳnh Anh – Thành viên Ban Kiểm soát và ông Lâm Văn Kiệt – Thành viên Ban Kiểm soát.
Kết thúc năm 2021, Sacombank đạt 12,660 tỷ đồng lợi nhuận, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án tái cơ cấu, lợi nhuận trước thuế đạt 4,400 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch; tổng tài sản đạt trên 521,000 tỷ đồng, tăng gần 6%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 8.9%; vốn điều lệ 18,852 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động hơn 464,500 tỷ đồng, trong đó gần 97% đến từ các tổ chức kinh tế và dân cư; tổng dư nợ tín dụng hơn 388,200 tỷ đồng, tăng trưởng 14%; số lượng khách hàng chạm mốc 10 triệu (tăng mạnh ở nhóm khách hàng số); tỷ lệ nợ xấu kéo giảm còn 1.47%; các chỉ số an toàn đảm bảo tuân thủ quy định. Sacombank cũng đã thu hồi gần 14,100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó gần 11,800 tỷ đồng là thuộc Đề án, vượt mục tiêu đại hội đồng cổ đông đề ra; hiện Sacombank vẫn tiếp tục thu theo tiến độ và sẽ thu hồi hơn 8,000 tỷ đồng.
Năm 2021 cũng là năm đánh dấu 5 năm Sacombank thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, lũy kế 5 năm từ 2017 đến 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được hơn 58,300 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể đến 2025. Nhờ đó, quy mô lãi khoanh giảm 73.7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29.3% xuống còn 8%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6.81% xuống 1.47 % so với thời điểm 31/12/2016.
Trong bối cảnh kinh tế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, Sacombank cũng đặt kỳ vọng cao trong 5 năm tiếp theo (2022 – 2026) với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu cùng với chuyển đổi số hoá toàn diện thông qua nhiều giải pháp công nghệ trên mọi hoạt động chính. Bắt đầu từ năm bản lề 2022, Sacombank đặt kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng còn lại và sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu trước thời hạn; bên cạnh đó, các chỉ số tài chính dự kiến tăng trưởng từ 10 – 20%, tổng tài sản tăng lên 573,500 tỷ đồng, tổng huy động vốn 512,700 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 435,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5,280 tỷ đồng (tăng 20%), kiểm soát nợ xấu dưới 2%.
Kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận trước dự phòng Đề án của Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 1,589 tỷ đồng; tổng tài sản 552,551 tỷ đồng, tổng huy động 496,372 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 413,314. tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1.24%.
FILI
|