Thứ Sáu, 29/04/2022 15:56

Nhìn lại tháng Tư "chứng đỏ"

Tháng Tư giông bão khép lại với phiên xanh. Kỳ nghỉ lễ này là thời điểm thích hợp để thư giãn và nhìn lại những câu chuyện đã xảy ra, để xem có những kinh nghiệm nào có thể rút ra được cho thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm khá mạnh trong tháng Tư, VN-Index rơi 8.4%. Trước khi hồi phục vào 3 phiên cuối tháng Tư, chứng khoán Việt đã rơi vào thị trường con gấu khi mất 20%, điều này khiến nhà đầu tư vô cùng lo lắng và buồn bã. Với nhiều cổ phiếu, mức giảm giá thậm chí còn ở mức cao hơn, 40-50%. Với các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, họ cũng đã trải qua nhiều tháng Tư như vậy, vài năm lại có một lần (kiểu như 2008, 2011, 2014 hay 2018).

Với nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư F0, hai năm vừa qua gần như không có một đợt nào điều chỉnh đủ dài, và tâm lý bán là thua mua là thắng có vẻ là tâm lý chủ đạo. Cho nên, tháng Tư màu đỏ khép lại cũng là lúc để nhìn lại những câu chuyện đã xảy ra trong thời gian qua, để xem có những kinh nghiệm nào có thể rút ra được cho thời gian tới.

Đầu tiên, nhìn về mặt vĩ mô thì kinh tế thế giới có vẻ đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Sau câu chuyện lạm phát cao chưa có hồi kết, thì những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế lại trở nên rõ ràng hơn. Fed muốn thắt chặt chính sách kinh tế nhanh hơn (tăng lãi suất 50bps, giảm quy mô bảng cân đối tài sản) nhưng rõ ràng là điều này là không đủ để kiểm soát được lạm phát, do chỉ có tác động về phía cầu. Việc GDP của Mỹ giảm trong quý 1 có thể là bất ngờ, và có lẽ sẽ bất ngờ hơn nếu đó không chỉ là do các yếu tố mang tính kỹ thuật, mà là sự bắt đầu của một xu hướng. Câu chuyện về đình lạm (stagflation) không chỉ còn mang tính lý thuyết, mà đã có những dấu hiệu trên thực tế.

Trở lại với các vấn đề kinh tế trong nước, do Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế từ cuối năm 2021, muộn hơn các quốc gia khác, nên giai đoạn này chúng ta vẫn có sự hồi phục tích cực xét trên hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, từ tăng trưởng GDP đến xuất khẩu, FDI đều cải thiện rõ rệt so với quý 4/2021. Lạm phát cũng được duy trì ở mức thấp, 4 tháng đầu năm mới dừng ở mức trung bình 2.1% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mục tiêu 4%. Kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung vẫn ở chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, diễn biến khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn là việc Chính phủ có các biện pháp quyết liệt đối với các hành vi thao túng chứng khoán và có những bước đi nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản, đặc biệt đối với những sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,…

Nhìn chung những tác động tích cực của việc làm trong sạch hóa thị trường sẽ là ở trong trung và dài hạn, và là những bước chuẩn bị để thị trường chứng khoán có thể bước sang các giai đoạn phát triển mới, không chỉ về lượng, mà còn về chất, để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn minh bạch, công khai cao hơn… vốn là một đòi hỏi cấp thiết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Với các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, họ cũng đã trải qua nhiều tháng Tư như vậy, vài năm lại có một lần (kiểu như 2008, 2011, 2014 hay 2018). Đồ họa: Tuấn Trần

Đối với thị trường cổ phiếu, tác động tiêu cực trong ngắn hạn là khó tránh khỏi khi các nhà đầu tư trở nên cẩn trọng hơn, chú trọng vấn đề bảo toàn vốn và không muốn chấp nhận quá nhiều rủi ro (từ risk-on chuyển sang risk-off, chuyển từ việc đầu tư các tài sản có mức độ rủi ro cao, sang đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro thấp). Điều này cũng sẽ làm hạn chế việc phát triển của thị trường vốn. Thanh khoản thị trường cổ phiếu giảm đáng kể, một phần cũng do yếu tố đầu cơ giảm bớt.

Song hành cùng các yếu tố mang tính vĩ mô, thị trường tháng Tư có nhiều điểm nóng mang tính kỹ thuật.

Đầu tiên, có lẽ là hoạt động tự doanh. Cũng tình cờ là tháng Tư là tháng công bố báo cáo tài chính quý 1, và đây là dịp để các nhà đầu tư có thể xem xét hoạt động tư doanh của các công ty chứng khoán (về danh mục, mua gì, bán gì) và luôn dẫn đến rất nhiều thuyết âm mưu. Tuy nhiên có thể thấy việc đơn thuần nhìn báo cáo tài chính để đưa ra các nhận xét chính xác là khó, và trên thực tế thì rất dễ gây ra hiểu lầm. Hoạt động tự doanh không chỉ bao gồm hoạt động giao dịch chứng khoán thuần túy để mang lại lợi nhuận, mà đối với các công ty chứng khoán lớn, lại bao gồm cả các hoạt động liên quan đến cung cấp dịch vụ cho khách hàng hoặc cung cấp thanh khoản cho thị trường.

Thứ hai là nhà đầu tư nước ngoài. Trong những năm 2020-2021, nhóm nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng, cũng như giai đoạn đầu 2022, nhưng đến nay họ đã bắt đầu quay lại mua ròng, đặc biệt trong các phiên giảm điểm mạnh. Tuy có mức mua ròng trong thời gian gần đây nhưng tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đối với thị trường Việt Nam hiện nay ở mức thấp nên tính dẫn dắt cũng giảm nhiều và tác động không lớn (trong giai đoạn 2015-2019, tỷ trọng giao dịch của NĐTNN chiếm 15-20% giá trị giao dịch). 

Thứ ba, đó là bí ẩn về những buổi chiều tháng Tư. Khá nhiều phiên giao dịch mà buổi sáng đìu hiu nhưng đến chiều thì đà giảm lại diễn ra mạnh. Đỉnh điểm của việc giảm điểm phiên ATC trong tháng 4 đến từ phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh ngày 21/4/2022, khi một lượng lớn lệnh bán được đặt vào những giây cuối cùng của giờ giao dịch và đẩy thị trường vào mức giảm điểm đầy bất ngờ do các nhà đầu tư còn lại không còn đủ thời gian để cân lệnh. Tất nhiên là, giao dịch vào phiên ATC để lấy giá đóng cửa là việc mà nhiều nhà đầu tư tổ chức hay thực hiện do các yêu cầu khác nhau trong quy định về giao dịch của họ, nhưng việc đặt lệnh vào đúng những giây cuối cùng sẽ tạo ra những ảnh hưởng không hay, làm mất đi nhiều ý nghĩa của việc tìm ra mức giá đóng cửa hợp lý.

Thứ tư, cũng là bổ sung cho ý trên. Vậy có phải các sản phẩm phái sinh như chứng quyền có bảo đảm (covered warrants) hay hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 là nguyên nhân của việc đẩy thị trường giảm điểm mạnh hơn mức bình thường. Thực chất, các sản phẩm phái sinh này thường sẽ giúp giảm các biến động mạnh của thị trường. Ví dụ như khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh hơn so với phái sinh, thì sẽ có hoạt động giao dịch chênh lệch giá (arbitrage), đơn giản là việc mua mạnh ở thị trường cơ sở và bán hợp đồng tương lai, và việc này bên cạnh thu được lợi nhuận từ việc chênh lệch giá giữa hai thị trường, nó cũng giúp làm chặn phần nào đà giảm điểm trên thị trường cơ sở.

Chỉ số VN-Index cũng kết thúc tháng Tư với vài phiên tăng điểm nhẹ, bớt đi mức giảm mạnh của thị trường và cũng đóng cửa ở mức quanh 1,360 điểm và rời xa mốc 1,200 hay thậm chí là 1,100 như nhiều người lo ngại. Có thể mọi thứ sẽ xấu đi trước khi tốt lên, nhưng dù gì thì trong vài ngày tới các nhà đầu tư cũng có một kỳ nghỉ dài và cũng là lúc chúng ta có một thời gian sống chậm lại, bình tĩnh đánh giá tình hình và quay trở lại với một tâm thế tốt hơn với các cơ hội đầu tư mới.

Yến Chi

FILI

Các tin tức khác

>   VPB: Thông báo thành lập PGD Đồng Văn (29/04/2022)

>   FDC: Thông báo ngày ĐKCC để thực hiện quyền tham dự ĐHCĐ bất thường năm 2022 (29/04/2022)

>   HOT: Báo cáo biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát (29/04/2022)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 29/04: Dòng tiền vẫn còn thận trọng (29/04/2022)

>   HJC: Báo cáo đánh giá QLKD của HĐQT năm 2021 (29/04/2022)

>   HJC: Báo cáo của BKS năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 (29/04/2022)

>   VIB: Giải trình biến động LNST quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước (29/04/2022)

>   EIB: Giải trình biến động LNST quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước (29/04/2022)

>   SFI: Thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Nguyễn Than Tuyền (29/04/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 29/04: Kết phiên lạc quan trước kỳ nghỉ lễ (29/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật