Masan: Lãi ròng quý 1 gần 1,600 tỷ đồng, WinCommerce mở mới 109 điểm bán
CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2022 với những con số tăng trưởng ấn tượng. Lợi nhuận sau thuế tăng 452.5% so cùng kỳ, đạt 1,895 tỷ đồng trong quý 1/2022; lợi nhuận ròng tăng 753.5%, đạt 1,596 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của MSN đạt 18,189 tỷ đồng, giảm nhẹ 8.9% so với mức 19.977 tỷ đồng của quý 1/2021 do tác động của việc ngừng hợp nhất thức ăn chăn nuôi. Loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi dựa trên cơ sở LFL1, doanh thu thuần tăng trưởng 11.9% so với cùng kỳ nhờ vào tốc độ tăng trưởng hai chữ số tại MCH và MHT cũng như doanh thu tăng nhẹ tại WCM.
EBITDA quý 1/2022 tăng trưởng 16.3%, đạt 3,655 tỷ đồng nhờ việc biên EBITDA tăng từ 15.7% cùng kỳ lên 20.1%. Việc cải thiện này chủ yếu nhờ EBITDA của The CrownX đã tăng được 31.5% so cùng kỳ. Trên cơ sở LFL (like for like), EBITDA hợp nhất tăng 28.9% trong quý 1/2022 so với cùng kỳ.
The CrownX (TCX) đạt doanh thu thuần 13,450 tỷ đồng, tăng trưởng 7.3% so với cùng kỳ nhờ vào nỗ lực tăng trưởng doanh thu của MCH và việc gia tăng số lượng cửa hàng tại WinCommerce (WCM).
Quý 1/2022, WCM mở mới 109 điểm bán cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ của hệ thống bán lẻ này. Kết quả, doanh thu WCM tăng 0.8% so với cùng kỳ và tăng 5.7% so với quý 4/2021. Với kế hoạch mở mới 300 cửa hàng trong quý 2/2022 và kỳ vọng phát triển doanh thu tại các điểm bán hiện hữu, WCM dự kiến doanh thu trong quý 2/2022 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến đà tăng trưởng cao về cuối năm 2022.
Cửa hàng WinMart+ tích hợp nhiều thương hiệu như Phano, Techcombank, Phúc Long
|
Với Masan Consumer Holdings (MCH), doanh thu thuần đạt 6,448 tỷ đồng, tăng trưởng 17.4% so với cùng kỳ với hầu hết các ngành hàng đều đạt tăng trưởng hai chữ số. MCH dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu trong quý 2/2022 đạt 30% nhờ vào việc cho mắt các sản phẩm mới cũng như gia tăng quy mô doanh thu của các sản phẩm hiện hữu.
Kết quả hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của MSN tăng trưởng 452.5%, đạt 1,895 tỷ đồng trong quý 1/2022. Lợi nhuận ròng tăng 753.5%, đạt 1,596 tỷ đồng so với 187 tỷ đồng trong quý 1/2021.
Trên bảng bảng cân đối kế toán, tiền và tương đương tiền đạt 12,936 tỷ đồng vào cuối quý 1/2022, thấp hơn so với cuối năm 2021 do việc gia tăng cổ phần tại The CrownX và Phúc Long Heritage cũng như các chi phí đầu tư tài sản cố định. Tổng nợ hợp nhất đạt 58,436 tỷ đồng, tăng 258 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Nợ ròng đang đạt 45,500 tỷ đồng tăng so với mức 35,540 tỷ đồng vào cuối năm 2021 do lượng tiền mặt giảm.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 năm 2022 của MSN
Đvt: Tỷ đồng
|
MSN vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sáng ngày 28/04. Năm nay doanh thu thuần hợp nhất ước tính sẽ từ 90 ngàn tỷ đồng đến 100 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 22%-36% so với mức 74.2 ngàn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021. Trong năm tài chính 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và MHT) đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022. Lợi nhuận sau thuế ước tính sẽ trong khoảng 6.9 ngàn-8.5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 82%-124% so với mức 3.8 ngàn tỷ đồng trong năm 2021 (sau khi loại trừ các khoản thu nhập một lần và đóng góp từ mảng thức ăn chăn nuôi trong năm 2021).
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Triết lý ‘đặt người tiêu dùng làm trọng tâm’ đã dẫn dắt Masan chuyển đổi vượt bậc thành nền tảng Tiêu dùng - Công nghệ như ngày hôm nay. ‘Niềm tin về Người tiêu dùng’ sẽ không bao giờ thay đổi và luôn là kim chỉ nam để Masan sáng tạo và tiên phong các xu hướng tiêu dùng mới. Trong đó, ‘Trí tuệ Nhân tạo’ là động lực thúc đẩy chuyển đổi, giúp Masan tạo ra các sản phẩm và dịch vụ độc đáo phục vụ cho từng cá nhân với chi phí tối ưu nhất. Ngày hôm nay, chúng tôi đã có trong tay một nền tảng ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Máy học (ML) hàng đầu, có thể mang lại những giá trị to lớn cho đời sống tiêu dùng mỗi và mọi ngày. Chúng tôi tin rằng công nghệ AI và ML chính là con đường duy nhất để đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng một cách chính xác qua cả nền tảng offline cũng như online.”
Duy Na
FILI
|