Luật pháp đã không nghiêm
Sự kiện ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC, bị cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc thao túng giá chứng khoán gây bất ngờ cho không ít người trong giới đầu tư chứng khoán, bởi đây là trường hợp hiếm hoi bị khởi tố hình sự về tội danh này trong suốt hơn 20 năm qua, dù hành động thao túng giá cổ phiếu, kể cả giao dịch nội gián, ở thị trường chứng khoán Việt Nam là không hiếm.
Ông Quyết bị cáo buộc chỉ đạo sử dụng 20 tài khoản khác nhau để mua, bán khối lượng lớn cổ phiếu FLC nhằm đẩy giá cổ phiếu này lên, rồi sau đó bán chui hơn 74,8 triệu cổ phiếu FLC do chính ông sở hữu để trục lợi.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bị tạm giam, đã có không ít ý kiến cho rằng “đây là tín hiệu tốt, góp phần làm trong sạch và minh bạch hơn, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư”; “là động thái răn đe rất mạnh” đối với các đội lái có ý định thao túng giá cổ phiếu. Điều đó cho thấy hành vi thao túng giá cổ phiếu kiểu này là khá quen thuộc và phổ biến tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hẳn những người có một chút thâm niên trong đầu tư chứng khoán ở Việt Nam không ai mà không biết đến hai từ “đội lái”. Đây là những nhóm người chuyên đặt lệnh mua, bán với khối lượng lớn, tạo cung cầu giả để “đánh lên” hoặc “đánh xuống” giá một cổ phiếu nào đó nhằm trục lợi – tương tự như hành vi đã đẩy ông Trịnh Văn Quyết vào rắc rối pháp lý. Điều đáng ngạc nhiên là hoạt động của các đội lái này khá dễ nhận ra, thậm chí một số nhà báo chuyên viết về chứng khoán còn nêu được một số cái tên người chỉ huy các đội lái, nhưng suốt hàng chục năm đã không có trường hợp nào bị khởi tố và điều tra.
Tình trạng này cũng diễn ra với hành vi giao dịch nội gián. Việc ông Trịnh Văn Quyết gặp “nguy hiểm” đã xuất hiện trên thị trường trước cả khi thông tin khởi tố ông được công bố chính thức là một trong những ví dụ điển hình cho thấy việc quản lý, kiểm soát những thông tin nhạy cảm, có tác động mạnh lên thị trường của nhiều công ty niêm yết là lỏng lẻo. Đây cũng là hiện tượng phổ biến nhưng dường như ít được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm, điều tra và xử lý cho đến nơi đến chốn.
Pháp luật của Việt Nam có những quy định nghiêm khắc đối với các hành vi thao túng thị trường chứng khoán và giao dịch nội gián, trong đó ngưỡng về mức thu lợi bất chính, hoặc mức gây thiệt hại cho người khác để có thể xử lý hình sự là khá thấp. Nhưng suốt thời gian dài “cây gậy” luật pháp này đã không được sử dụng đúng với mức độ mà lẽ ra cần phải áp dụng để làm trong sạch thị trường. Những quyết định xử phạt hành chính được đưa ra với các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thậm chí cả với những vụ lớn, chỉ như “gãi ngứa” so với số lợi bất chính mà người vi phạm thu được nên đã không có sức răn đe. Đây là lỗi của những cơ quan có trách nhiệm và có thể đó cũng là nguyên nhân khiến mới đây nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán… bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định kỷ luật.
Việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán là tín hiệu tích cực, có thể sẽ có sức răn đe với các đội lái, những người lâu nay vẫn làm giàu nhờ thông tin nội gián. Tuy nhiên, với rất nhiều nhà đầu tư đã mất tiền của vào tay các tội phạm chứng khoán, quyết định khởi tố này có thể đã là quá muộn.
TBKTSG
|