Giao thông TP HCM cần được gỡ khó: Khẩn trương với nhiều đầu việc
Nhiều đầu việc cần khẩn trương thực hiện được các chuyên gia chỉ ra để gỡ khó cho giao thông TP HCM ở hiện tại và tương lai.
Nhận định những khó khăn khiến nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, chỉ ra 3 nguyên nhân chính là cơ chế chính sách, nguồn vốn và mặt bằng.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP HCM, nhiều khả năng dự án cầu đường Bình Triệu 2 sẽ chuyển sang hình thức đầu tư công. Ảnh: THU HỒNG
|
Chỉ rõ điểm nghẽn, kiến nghị sát sườn
Theo đó, những dự án đang triển khai nhưng phải dừng lại chờ mặt bằng được ông Phan Công Bằng nêu tên gồm dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (TP Thủ Ðức), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình), 4 tuyến đường khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Ðức).
Riêng 2 dự án cầu đường Bình Tiên, cầu đường Bình Triệu 2 chậm tiến độ là do vướng cơ chế chính sách và nguồn vốn. Cụ thể, ở dự án cầu đường Bình Tiên, theo Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 thì không còn hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), do đó UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư rà soát lại. Với cầu đường Bình Triệu 2, hiện đã dừng do quy định không được thực hiện dự án BOT trên các tuyến đường hiện hữu. "Nhiều khả năng dự án này sẽ chuyển sang hình thức đầu tư công nhưng đến thời điểm này, ngân sách thành phố chưa cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 cho dự án nên mọi thứ cứ thế kéo dài..." - Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố cho hay.
Ðể huy động nguồn vốn cho các dự án trọng điểm đang bị nghẽn nêu trên, ông Phan Công Bằng cho biết TP HCM trông chờ nguồn vốn cân đối từ vốn trung ương, vốn địa phương cũng như nới trần trung hạn và tăng nguồn từ các nguồn thu khác. Theo ông, việc này đã được sở kiến nghị thành phố để thành phố kiến nghị trung ương. "Gỡ được nút thắt này thì các dự án mới có tiền đề để bứt phá nhằm sớm về đích" - ông Phan Công Bằng nhấn mạnh.
Về giải pháp mang tính căn cơ để hoàn thiện hạ tầng giao thông TP HCM, theo ông Phan Công Bằng, trước mắt, Sở GTVT TP HCM tập trung hoàn tất thủ tục xây dựng các dự án trọng điểm được Chính phủ quan tâm. Cụ thể, dự án Vành đai 2, Vành đai 3, đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, mở rộng Quốc lộ 50 đoạn qua TP HCM.
Trong đó, tuyến Vành đai 3 đang được hoàn thiện thủ tục báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 này, nếu Quốc hội thông qua, TP HCM sẽ lập dự án đầu tư với 8 dự án gồm 4 dự án giải phóng mặt bằng và 4 dự án xây lắp của 4 địa phương, nguồn vốn gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương. TP HCM quyết tâm với dự án này, phấn đấu hoàn thành thông xe cuối năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.
Các chuyên gia cho rằng TP HCM cần khai thác quỹ đất 2 bên đường Vành đai 3 để tạo nguồn vốn phát triển các dự án hạ tầng giao thông. Trong ảnh: Ðoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn thuộc đường Vành đai 3 được tỉnh Bình Dương đưa vào khai thác năm 2015. Ảnh: QUỐC ANH
|
Phải đột phá trong khai thác quỹ đất
Ðồng tình với việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm mang tính chiến lược, liên kết vùng, trong đó có đường Vành đai 3, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất thành phố nên tập trung làm đường Vành đai 3 bài bản. Theo ông, đây là dự án điểm và khi thành công sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách. Từ Vành đai 3 sẽ nhân rộng để triển khai các dự án khác.
Cách làm được TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn chỉ rõ là trong bối cảnh hạn chế nguồn vốn phát triển các dự án hạ tầng giao thông thì việc tận dụng quỹ đất 2 bên đường để tạo nguồn vốn là cách làm hiệu quả và nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Theo ông, vướng mắc hiện nay trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng là sau khi có dự án thì giá trị đất đai tăng lên rất nhiều trong khi người dân được đền bù trước đó với giá rất thấp. Vì vậy, nên đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân theo giá thị trường để thuận lợi triển khai dự án. "Cứ ép người dân nhận đền bù theo giá nhà nước thì sẽ nhùng nhằng không đi, xảy ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài rồi dự án kéo dài, đội vốn. Chi bằng bồi thường giá tốt thì người dân sẵn sàng đi và có đất sạch sớm để làm dự án" - ông Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
Ông Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm nếu thiếu tiền có thể phát hành trái phiếu hoặc ứng vốn của nhà đầu tư để chi kinh phí giải phóng mặt bằng, sau khi thành phố thu hồi đất làm dự án giao thông sẽ bán lại cho nhà đầu tư với giá ưu đãi. Ngoài ra, thành phố cần có cơ chế cho nhà đầu tư tham gia góp vốn để giải phóng mặt bằng, khi bán đấu giá thì sẽ trả lại tiền gốc và lãi cho nhà đầu tư. "Ðây là câu chuyện thương lượng giữa thành phố và các nhà đầu tư. Không có ngân sách thì lấy tư nhân sau này trả lại" - TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Ðồng quan điểm, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng phải khai thác được quỹ đất 2 bên đường để lấy nguồn lực đầu tư cho chính con đường mới đó. Việc này phải có chính sách rõ ràng để người dân được hưởng lợi và hợp tác với nhà nước thực hiện dự án giao thông. Ngoài ra, theo TS Võ Kim Cương, cần tiếp tục huy động nguồn vốn xã hội để phát triển hạ tầng thông qua dự án hợp tác công tư và nguồn vốn từ trong dân. "Nguồn lực trong dân thể hiện ở việc mua vàng, mua đất trữ. Thay vì để người dân đi mua vàng, mua đất nền trữ thì thành phố cần có chính sách huy động trực tiếp nguồn lực này để phát triển hạ tầng thì rất tốt" - ông Võ Kim Cương nói.
Bên cạnh đó, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM nhận định vấn đề phân cấp đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chưa rõ nên cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng các dự án mới. "Cấp trung ương đầu tư dự án nào; cấp tỉnh, thành phố đầu tư dự án nào; quận huyện dự án nào; nhà đầu tư khu đô thị mới thì đầu tư dự án nào... cần làm rõ" - TS Võ Kim Cương nói.
Liên hệ với Vành đai 3, ông Võ Kim Cương nói việc trung ương và địa phương cùng bỏ kinh phí là hợp lý vì đây là dự án liên kết vùng. Mô hình hợp tác trung ương - địa phương này cần được quy định rõ và "luật hóa" để áp dụng chứ không phải "kiến nghị" hay "xin - cho" mỗi khi muốn đầu tư xây dựng dự án tương tự. "Trường hợp huy động nguồn vốn từ đất đai và các nguồn khác thì kinh phí nhà nước bỏ ra sẽ giảm đáng kể" - ông Võ Kim Cương nói.
Một ý kiến tâm huyết nữa, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định tính tự chủ về nguồn vốn cực kỳ quan trọng và ông tin Vành đai 3, Vành đai 4 và các dự án còn lại, kể cả đường cao tốc, nếu có cơ chế huy động vốn thì từ nay đến 2030 sẽ hình thành được mạng lưới giao thông cho toàn vùng. "Giải quyết được bài toán giao thông là điểm quan trọng để vùng này cất cánh và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia" - TS Trần Du Lịch nhận định.
Nhiều dự án dừng nhiều năm sắp tái khởi động
Chia sẻ về hướng tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông trọng điểm, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết từ năm 2020, đơn vị này đã trực tiếp đi cùng cán bộ địa phương gặp gỡ vận động, thuyết phục người dân.
"Ðể tăng tốc, chúng tôi có hẳn 1 group Zalo giữa ban, địa phương, các sở, ngành liên quan cập nhật, báo cáo tiến độ tháo gỡ các vướng mắc mỗi tuần. Nhờ sự cộng lực từ nhiều phía, một số dự án đã dừng nhiều năm được cam kết bàn giao mặt bằng để tái khởi động như dự án cầu Long Kiểng, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý... Ngoài ra, có khoảng 35 công trình, hạng mục có thêm mặt bằng để thi công trong năm 2022" - ông Lương Minh Phúc cho biết.
|
Quỹ làm đường, tại sao không?
TS Trần Du Lịch cho rằng nhìn vào số tiền để phát triển các dự án giao thông ở TP HCM và các tỉnh lân cận mà "thấy ngán". Nhưng tại sao không nghĩ hội đồng vùng TP HCM (4-5 tỉnh, thành) sẽ thành lập quỹ hoặc một tổ chức phát hành trái phiếu để làm đường và thu hồi vốn trả nợ.
"Nếu có cơ chế như vậy thì không cần xin tiền Chính phủ. Tôi tin rằng những con đường với quỹ đất đô thị hóa này thì trái phiếu hoàn toàn có thể trả vốn đầu tư dự án. Các tỉnh xin được cơ chế này và giao TP HCM đứng ra điều phối phát hành trái phiếu phát triển hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lúc đó cũng giảm áp lực phân bố ngân sách từ trung ương" - ông Trần Du Lịch nói.
|
QUỐC ANH THU HỒNG
Người lao động
|