Giá vàng ngày 9.4.2022: Mua vàng nhẫn cũng lỗ tiền triệu
Giá vàng ngày 9.4 tiếp tục tăng trong nước lẫn thế giới khiến chênh lệch giá vẫn duy trì ở mức cao trên 15,4 triệu đồng/lượng.
Sáng 9.4, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào là 68,6 triệu đồng/lượng và bán ra 69,4 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua. Điều này đẩy chênh lệch giữa giá mua và bán lên 800.000 đồng/lượng thay vì 650.000 đồng/lượng như hôm qua. Còn vàng nhẫn SJC 99,99 loại 1-2 chỉ được mua vào 55,15 triệu đồng/lượng và bán ra 56,05 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng so với hôm qua. Vàng nhẫn không tăng cao như vàng miếng SJC trong thời gian qua nhưng nếu so với một tháng trước khi vàng trong nước lập đỉnh cao ở kỷ lục 74 triệu đồng/lượng, người mua vàng miếng đến nay lỗ gần 6 triệu đồng mỗi lượng thì người mua vàng nhẫn cũng bị lỗ khoảng 1,1 triệu đồng.
|
Mua vàng nhẫn vẫn bị thua lỗ sau một tháng. Độc Lập
|
Giá vàng thế giới đầu ngày tăng thêm 13 USD so với hôm qua, lên 1.947,2 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD ngân hàng hiện nay mỗi lượng vàng thế giới gần 54 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Vàng miếng SJC trong nước tiếp tục cao hơn thế giới 15,4 triệu đồng/lượng.
Kim loại quý đã "nhảy nhót" liên tục trong phiên cuối tuần khi chỉ số USD-Index chạm mức cao nhất kể từ tháng 5.2020 sau khi được củng cố bởi biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho thấy “nhiều” nhà hoạch định chính sách đã chuẩn bị nâng lãi suất với mức tăng 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp sắp tới để kiềm chế lạm phát. Song song đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm đỉnh 3 năm. Một bên đó vẫn là những rủi ro địa chính trị do cuộc khủng hoảng quân sự ở Ukraine và lạm phát gia tăng hỗ trợ kim loại quý… Vì vậy theo chuyên gia phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades , cho đến khi một trong những yếu tố này có được ưu thế rõ ràng hơn yếu tố kia, giá vàng có khả năng sẽ duy trì trong phạm vi hiện tại.
Theo Bloomberg, cả nhà sản xuất và ngân hàng tại Nga đều đang thăm dò, mở rộng thị trường tiêu thụ vàng ở châu Á và Trung Đông. Bởi Nga là nhà khai thác vàng lớn thứ hai thế giới khoảng 340 tấn vàng mỗi năm, tương đương giá trị khoảng 20 tỉ USD nhưng đã bị hạn chế việc tiêu thụ sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của nước này. Dù ngân hàng trung ương Nga cho biết sẽ bắt đầu thu mua vàng trở lại sau hai năm tạm dừng, nhưng họ sẽ không mua vào nhiều như trước đây. Bà Suki Cooper, một nhà phân tích tại Standard Chartered, nhận định thị trường vàng đang thặng dư. Nếu nhu cầu của Nga tăng lên trong khi sản lượng khai thác của nước này không đến được với thị trường quốc tế và nguồn cung dư thừa bị các quỹ ETF thâu tóm, thì thị trường vàng có thể gần về mức cân bằng hơn, lần đầu tiên kể từ năm 2015...
An Yến
Thanh niên
|