Thứ Sáu, 22/04/2022 08:01

ĐHĐCĐ VNF: Lý do hãng Etihad Airways không duy trì hợp đồng với Vector?

Hai vấn đề cổ đông quan tâm nhất tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra ngày 21/04 của CTCP Vinafreight (HNX: VNF) là tại sao đơn vị muốn nâng sở hữu tại Cảng Mipec lên 51% và lý do nào hãng hàng không Etihad Airways không duy trì hợp đồng với Công ty con Vector?

ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra chiều ngày 21/04/2022

Dự báo về tình hình thị trường chung trong năm 2022, ông Nguyễn Huy Diệu - Tổng Giám đốc VNF chia sẻ: “Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường, kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn tiềm ẩn những khó khăn và thách thức. Bên cạnh đó, tầm hoạt động và ảnh hưởng ngày càng lớn của các doanh nghiệp logistics nước ngoài sẽ thu nhỏ lại thị phần của các doanh nghiệp trong nước".

Lý do hãng Etihad Airways không duy trì hợp đồng với Vector?

Theo VNF, trong năm 2021, tuy dịch bệnh bùng phát nhưng do giá cước hàng không tăng cao và sản lượng của hãng hàng không Etihad Airway (do Công ty con Vector làm GSA (Tổng đại lý khai thác hàng hóa)) lớn dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty tăng đột biến. Tuy nhiên, trong năm 2022, hãng Etihad Airways không còn duy trì hợp đồng với Vector.

Với những tác động đó, doanh nghiệp logistics này lên kế hoạch doanh thu đạt 1,850 tỷ đồng (giảm 62%), lỗ 40 tỷ đồng từ công ty liên kết và lãi trước thuế 10 tỷ đồng (giảm 92% so với năm trước). Đây cũng là kế hoạch lợi nhuận trước thuế thấp nhất trong một thập niên trở lại đây của VNF.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Bích Lân - Chủ tịch HĐQT VNF, kế hoạch lợi nhuận 2022 thấp là do tình hình một số công ty liên kết đang trong thời kỳ lỗ dự kiến theo kế hoạch năm 2022. Thực tế, VNF cùng các công ty liên kết cũng có những nỗ lực rất lớn và dự kiến sẽ giảm dần lỗ để tăng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của công ty.

Tình hình kinh doanh của VNF qua các năm và kế hoạch năm 2022.
Đvt: Tỷ đồng

Nói rõ hơn về việc hãng hàng không Etihad Airway không còn duy trì hợp đồng, ông Nguyễn Ngọc Nhiên - TGĐ Công ty TNHH Dịch vụ Hàng không Véc Tơ Quốc tế (Công ty con của VNF) cho hay: “Chúng ta ký hợp đồng với hãng hàng không này từ năm 2010, đến nay đã được 12 năm. Trước đây khi hãng này ký với Công ty là tổng đại lý, nghĩa là đại lý ủy quyền chỉ có mình đại diện ở Việt Nam bán sản phẩm của hãng đơn vị dược và được hưởng hoa hồng dựa trên doanh số bán. Tuy nhiên, từ năm 2022, Etihad Airway thay đổi chính sách, trực tiếp tuyển người vào bán, đổi mô hình từ đại lý độc quyền sang tự làm, mình chỉ cung cấp các dịch vụ phát hành vận đơn, giám sát, sắp xếp ngoài kho bãi và họ chỉ trả phí cố định theo đầu đơn.

Khi hãng đưa ra chính sách như vậy thì yêu cầu phải đấu thầu. Ngoài ra, mong muốn của hãng là chọn đối tác khác vì đối tác đó có mạng lưới toàn cầu, họ đang làm ở các nước khác, Ethiad Airway sẽ có một mức giá thấp hơn chúng ta rất nhiều và VNF phải chịu lỗ. Khi VNF trúng thầu làm tiếp sẽ không có doanh thu, chúng ta chỉ làm đại lý thuần túy.

Một vấn đề nữa là phí trả sẽ rất thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động nhân sự, văn phòng… Đó là lý do năm 2022 chúng ta hết hợp đồng và không duy trì nữa”.

Tại sao muốn thâu tóm Cảng Mipec?

Hiện nay, VNF đang đầu tư vào CTCP Cảng Mipec với tỷ lệ sở hữu là 20%. Đại hội đã thông qua việc cho phép nhóm cổ đông bao gồm VNF và người có liên quan nhận chuyển nhượng cổ phiếu của Cảng Mipec dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu trên 51% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của CTCP Cảng Mipec mà không phải chào mua công khai.

Về tiềm năng của Cảng Mipec, Chủ tịch Nguyễn Bích Lân chia sẻ: “Cảng này là một trong những cảng mới mà VNF cùng các công ty trong nhà đầu tư vào. Thực chất, cảng này có tiềm năng rất lớn bởi vị thế nằm ngay gần cửa biển. Trong định hướng phát triển lâu dài của TP Hải Phòng, toàn bộ các cảng biển đang nằm sâu trong Thành phố phải di dời.

Với tiềm năng hiện nay, Cảng Mipec sẽ phát triển về trung và dài hạn, là đầu mối khi chính quyền TP thực hiện di dời các cảng, VNF sẽ đón nhận những khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, các công ty trong nhà chúng ta có các đối tác đều có hãng tàu… Với tiềm năng như vậy, việc gia tăng sở hữu tại Cảng Mipec lên 51% sẽ đảm bảo quyền kiểm soát và thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh, chiến lược về khai thác cảng đồng bộ từ trên xuống dưới cũng như đảm bảo được sự tin tưởng đối với các đối tác hãng tàu, đối tác trong hệ sinh thái của Công ty và đảm bảo được cơ sở vật chất. Thực chất, công ty không có cơ sở vật chất, thuần túy là sử dụng chất xám của người lao động. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy hướng về lâu về dài nếu không có cơ sở vật chất thì không thể phát triển được, không thể đảm bảo được nguồn doanh thu ổn định bởi vì nếu nếu chỉ thuần túy làm đại lý sẽ rất bị động”.

Trả cổ tức 2021 tỷ lệ 25%

VNF dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 25%, trong đó, 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Với phương án tiền mặt, VNF dự kiến sẽ chi gần 13 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Với phương án cổ phiếu, VNF dự kiến phát hành hơn 5 triệu cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1 (cổ đông sở hữu 1 cp được nhận thêm 1 cp mới). Nguồn vốn phát hành trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021.

Thời gian thực hiện sau khi ĐHĐCĐ biểu quyết và UBCKNN chấp thuận, dự kiến trong năm 2022.

Công ty cũng dự kiến phát hành 791,601 cp ESOP với giá 16,000 đồng/cp (thấp hơn 36% so với thị giá).

Ngoài ra, cổ đông cũng đã thông qua tờ trình miễn chào mua công khai. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty mẹ của VNF - CTCP Transimex (HOSE: TMS) và bên chuyển nhượng là ông Nguyễn Công Hiếu.

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   NTF: Báo cáo thường niên 2021 (21/04/2022)

>   TBD: Báo cáo thường niên 2021 (21/04/2022)

>   SD3: Báo cáo thường niên 2021 (21/04/2022)

>   TV6: Báo cáo thường niên 2021 (21/04/2022)

>   PXL: Báo cáo thường niên 2021 (21/04/2022)

>   DVP: BCTC quý 1 năm 2022 (21/04/2022)

>   CII: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2022 (21/04/2022)

>   CII: BCTC quý 1 năm 2022 (21/04/2022)

>   ASP: BCTC quý 1 năm 2022 (21/04/2022)

>   TVS: BCTC Tóm tắt Hợp nhất năm 2021 (21/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật