Bài cập nhật
ĐHĐCĐ VietBank: Kế hoạch lãi trước thuế trên ngàn tỷ, tăng vốn lên 5,780 tỷ đồng
Sáng ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 bằng hình thức trực tuyến, nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Thảo luận:
Bao giờ cổ phiếu VietBank mới được niêm yết trên HOSE?
Ông Dương Nhất Nguyên: Thời gian qua, dịch bệnh kéo dài và biến động trên thị trường chứng khoán thì việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chính thức trong giai đoạn này sẽ có điều kiện hạn chế và gây bất lợi cho cổ đông. Nếu tờ trình thông qua, HĐQT sẽ lên kế hoạch cụ thể và có công bố thông tin chính thức đến cổ đông sau.
Tăng trưởng tín dụng kế hoạch 2022 là 9% tương đối thấp, làm thế nào tăng thu nhập cho Ngân hàng?
Bà Ngô Trần Đoan Trinh – Phó TGĐ: Trong năm 2022, đầu năm NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 9%, căn cứ vào kế hoạch kinh doanh và danh mục khách hàng đang thẩm định cho vay, VietBank sẽ sử dụng hết và trình NHNN cấp tín dụng năm 2022 là 15%.
Để hoàn thành kế hoạch, VietBank cũng sẽ tái cơ cấu danh mục tín dụng, tập trung cho vay khách hàng nhỏ lẻ có margin cao. Kiểm soát khoản vay có margin thấp để tăng cường bán chéo sản phẩm. Việc tăng vốn điều lệ trong năm 2022 là để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Kế hoạch phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2022?
Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó TGĐ: Sẽ chú trọng vào 3 mục tiêu. Rút kinh nghiệm giãn cách xã hội trong năm 2021, đội ngũ nguồn nhân lực phải cách ly tập trung và nhiễm Covid-19. Nên ưu tiên nhất trong năm 2022 là duy trì hoạt động ổn định liên tục trên toàn hệ thống.
Rà soát các trung tâm kinh doanh để tối ưu hóa. Ngân hàng cũng đã nghiên cứu mở mới 5 trung tâm kinh doanh và 15 phòng giao dịch khi có sự đồng ý của NHNN.
Mục tiêu đến năm 2025 tổng tài sản sẽ vượt 300,000 tỷ đồng
VietBank đặt mục tiêu 2025 trong top 15 ngân hàng có tổng tài sản cao nhất, vậy chiến lược cụ thể là gì?
Ông Dương Nhất Nguyên: VietBank là ngân hàng trẻ trong hệ thống TMCP, thành lập năm 2007 qua thời gian cũng đã đạt một số thành tựu. Trong các năm qua, VietBank cũng đã tự tái cơ cấu, triển khai thành công Basel II từ nguồn lực ngân hàng.
Giai đoạn 2018-2019 cũng đã đầu tư hệ thống lõi core banking. Trong 2020-2021 cũng đã huy động thêm các cố vấn cấp cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Tôi tin VietBank sẽ tiếp tục phát triển trên hành trình tiếp theo, tiếp tục triển khai và ứng dụng hệ thống core banking từ ngân hàng truyền thống sang điện tử và số hóa. Mục tiêu đến năm 2025 tổng tài sản sẽ vượt 300,000 tỷ đồng và cụ thể năm 2022 là trên mức 133,000 tỷ đồng.
Song song đó, ngoài việc số hóa hoạt động, Ngân hàng vẫn tiếp tục xin NHNN phát triển mạng lưới ở những tỉnh thành chưa có chi nhánh để mở rộng độ phủ trong các năm tiếp theo.
Về kế hoạch tăng vốn, Ngân hàng cũng đã đưa ra lộ trình niêm yết chính thức để thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược, và một trong những nguồn đóng góp trong các năm tiếp theo là từ cổ đông hiện hữu. Do đó, tôi tin rằng VietBank hoàn toàn có thể đạt được định hướng trong 4 năm còn lại.
Việc tăng vốn trong năm 2022 có hiệu quả không?
Ông Đỗ Khoa Hiệp - Phó TGĐ: Lợi nhuận hàng năm của ngân hàng thể hiện chỉ số năm tài chính đó, trong khi vốn điều lệ là cơ sở để ngân hàng đảm bảo an toàn hoạt động cho nhiều năm về sau.
Trong kế hoạch, 2022 đặt kế hoạch đảm bảo an toàn vốn 9.7%, do đó việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo an toàn vốn. Thêm nữa, nhằm triển khai đề án tái cấu trúc cần nâng cao năng lực tài chính. Vietbank đang có vốn thấp nên việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để tái cơ cấu, phát triển kinh doanh.
Việc tạo mạng lưới phát triển, đầu tư nhận diện thương hiệu, đổi mới công nghệ thông tin là cần thiết trước mắt. Về lâu dài sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh, cải thiện tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu.
Mục tiêu trong năm 2022 tỷ lệ ROE tăng đến 31% so với năm 2021 và về dài hạn hướng đến 2025 đạt ROE 20%. Do đó, việc tăng vốn điều lệ hiện tại ngoài phục vụ cho chỉ tiêu lợi nhuận 1,090 tỷ đồng trong năm 2022 còn tạ cơ sở cho tương lại của Ngân hàng.
Cở sở nào đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 71%?
Năm 2021, VietBank đặt kế hoạch 1,100 tỷ đồng nhưng không đạt kế hoạch, kế hoạch 2022 tăng 71% so với kết quả 2021, dựa trên cơ sở nào?
Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hữu Trung: Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất nặng đến kinh doanh của khách hàng và cả ngân hàng, song song đó VietBank cũng giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN. Phần lớn VietBank đã giảm lãi suất gần 200 tỷ đồng cho khách hàng, đồng hành với khó khăn khách hàng.
Dự kiến lợi nhuận cho năm 2022, với tình hình hoạt động mới, Ban điều hành sẽ cố gắng giải quyết các nợ cấu cấu, lãi ngoại bảng và thu hồi nợ xấu.
Sự thật, điểm quan trọng trong cho vay của VietBank là 98% khoản vay của Ngân hàng đều có tài sản đảm bảo tốt, do đó khả năng thất thoát nợ xấu hầu như không có.
Quý 1 dự kiến thu hồi 80 tỷ đồng nợ xấu, thực tế đã thu hồi được 122 tỷ đồng.
Đối với định hướng 2022, VietBank đang cơ cấu lại hoạt động bằng cách triển khai quy trình số hóa nhằm giảm thiểu chi phí hoạt động, nhắm vào phân khúc khách hàng có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, Ban điều hành đã chỉ đạo bán chéo sản phẩm để tăng lợi nhuận.
Với những lý do trên, Ban điều hành tin tưởng sẽ đạt được lợi nhuận trên 1,000 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Vietbank được tổ chức sáng ngày 26/04/2022.
|
Kế hoạch lãi trước thuế 2022 tăng 71.4% so với năm 2021
Đầu Đại hội, ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Quyền Tổng Giám đốc cho biết trong năm 2022, VietBank sẽ tập trung kiểm soát nợ quá hạn dưới 3.5% tổng dư nợ theo quy định. Ngân hàng sẽ tập trung tăng trưởng huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư, vốn huy động không kỳ hạn, phát hành giấy tờ có giá. Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng bán lẻ, giảm sử dụng vốn vào các ngành nghề nhiều rủi ro…
Ngân hàng dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản sẽ tăng 28.7% so với đầu năm, đạt 133,000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay tăng 15%, đạt 65,200 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 37.1%, đạt 102,000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 71.4% so với năm 2021, đạt 1,090 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng
|
Tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại
Ngân hàng giữ lại lợi nhuận không chia năm 2021 là gần 431 tỷ đồng. VietBank cho biết mục tiêu đến năm 2025 đạt quy mô tổng tài sản 300,000 tỷ đồng, ngoài lợi nhuận giữ lại để tăng vốn tự có, Ngân hàng cần tăng ròng vốn tự có hàng năm 2000-2,400 tỷ đồng.
Đồng thời, để đảm bảo hệ số CAR trên 9% năm 2022, VietBank phải tăng vốn tối thiểu 1,000 tỷ đồng và mục tiêu tổng tài sản đến năm 2025 đạt 300,000 tỷ đồng; huy động vốn cấp 2 không đạt hoặc hết hạn mức cho phép thì vốn cấp 1 phải tăng thêm để bù đắp (tăng vốn cấp 1 từ lợi nhuận giữ lại và cổ đông góp mới). Do đó, từ năm 2022 đến năm 2025 VietBank cần tăng vốn điều lệ góp mới (không bao gồm lợi nhuận giữ lại), tối thiểu 1,000 tỷ đồng/năm.
Nguồn: Vietbank
|
VietBank dự kiến phát hành 100.3 triệu cp cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ năm 2022, tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ mua thêm 21 cp phát hành thêm). Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 3 đến quý 4/2022. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VietBank sẽ tăng từ mức 4,777 tỷ đồng lên 5,780 tỷ đồng.
Toàn bộ số vốn tăng thêm từ phát hành cổ phiếu năm 2022 là 1,003 tỷ đồng được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn toàn trong hoạt động sinh lời cho hoạt động kinh doanh VietBank.
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng
|
Không thực hiện mua cổ phiếu quỹ
Bà Lê Thị Tuyết Chinh - Chánh VP HĐQT cho biết ngày 26/04/2021, ĐHĐCĐ thường niên 2021 đã thông qua việc trích sử dụng quỹ khen thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2018, 2019 để mua cổ phiếu quỹ khi thị trường diễn biến thuận lợi và sử dụng một phần/toàn bộ nguồn cổ phiếu quỹ trên để thưởng cho người lao động.
Văn phòng HĐQT và các bên liên quan đã chuẩn bị xong các hồ sơ để tiến hành mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu VietBank trên thị trường không thuận lợi, duy trì cao hơn mức giá dự kiến mua, không đảm bảo phương án mua đủ số lượng 5.5 triệu cp quỹ với số dư quỹ khen thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2018, 2019.
Bên cạnh đó, yêu cầu cần phải đảm bảo hệ số CAR trên 9% và tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 ở mức 15.5%, HĐQT và ban điều hành VietBank quyết định chưa thực hiện mua cổ phiếu quỹ để ưu tiên duy trì hệ số CAR, đáp ứng tăng trưởng tín dụng.
Theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, các công ty đại chúng được thực hiện mua cổ phiếu khi “Có quyết định của ĐHĐCĐ thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, phương án mua lại, trong đó nêu rõ số lượng, thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá mua lại; có đủ nguồn để mua lại cổ phiếu từ các nguồn sau: Thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sỡ hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định trên thì VietBank không được dùng quỹ khen thưởng để mua cổ phiếu quỹ. Bên cạnh đó, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm vốn điều lệ trong khi kế hoạch của VietBank năm 2022 là sẽ tăng vốn điều lệ thêm 1,000 tỷ đồng.
Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ không thực hiện mua cổ phiếu quỹ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2021. Đồng thời, giao cho HĐQT quyết định việc sử dụng số dư quỹ khen thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2018, 2019 theo quy định.
Tiếp tục muốn niêm yết trên HOSE
Ông Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch HĐQT VietBank chia sẻ, căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2018-2019, 2020 và phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của VietBank giai đoạn 2016-2020, VietBank đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, năm 2021 với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 làm cho thị trường chứng khoán biến động rất mạnh. Ban lãnh đạo đánh giá việc niêm yết cổ phiếu VBB trên thị trường chứng khoán trong năm 2021 sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Do đó, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2021 đối với cổ phiếu của VietBank vẫn chưa thể thực hiện.
HĐQT trình ĐHĐCĐ thực hiện việc niêm yết cổ phiếu VietBank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.
Tăng thù lao HĐQT và BKS
Cũng tại ĐHĐCĐ sáng nay, HĐQT VietBank sẽ trình thông qua mức thù lao của HĐQT và BKS trong năm 2022 dự kiến là 20 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế thu nhập cá nhân), tăng so với mức 15 tỷ đồng của năm 2021.
Toàn bộ thuế thu nhập cá nhân của các thành viên HĐQT, BKS theo quy định sẽ do VietBank chi trả. Ngân sách trên của HĐQT, BKS bao gồm: Công tác phí, vé máy bay, chi phí hội nghị, lễ tân, khánh tiết, chi bưu phí về điện thoại, chi phí tiếp khách, chi phí quà tặng, đối tác, lễ tân...
Trong năm qua, VietBank có nhiều biến động về nhận sự cấp cao. HĐQT VietBank quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Lê Huy Dũng từ ngày 16/10/2021 theo nguyện vọng cá nhân để nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của HĐQT.
Trước đó, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2021 cuối tháng 4/2021, HĐQT VietBank đã thống nhất bầu ông Dương Nhất Nguyên - Thành viên HĐQT giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 thay ông Bùi Xuân Khu - nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Cát Lam
FILI
|