Bài cập nhật
ĐHĐCĐ Saigonbank: Đang trình Ngân hàng Nhà nước chia cổ tức 7%
Sáng ngày 28/04/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 chủ yếu bàn về kế hoạch kinh doanh trong năm 2022.
Thảo luận:
Khách sạn Sài Gòn Hạ Long không có lời dù ở thành phố du lịch, có nên tiếp tục đầu tư không?
Ngân hàng đã đầu tư ban đầu là 18.3 tỷ đồng, thu lãi bình quân 6-8%/năm, từ năm 2017 đến 2019, Ngân hàng đã được chia cổ tức 14 tỷ đồng, và hơn 1 triệu cp thưởng. Từ năm 2020-2021 Ngân hàng không được chia cổ tức vì khách sạn có lãi do tình hình chung của ngành du lịch. Sau đại hội, lãnh đạo Saigonbank sẽ tham gia đại hội của khách sạn Sài Gòn Hạ Long và sẽ chuyển tải ý kiến đến Ban lãnh đạo Sài Gòn Hạ Long, nghiêm túc chỉ đạo ban Tổng Giám đốc tính toán phương án phù hợp trên cơ sở bảo toàn phát triển vốn của Ngân hàng.
Ban lãnh đạo Saiogonbank cũng cam kết không hề có bất kỳ ngày nghỉ nào tại khách sạn Sài Gòn Hạ Long.
Kế hoạch 2022 có doanh số đối ngoại ở mức 290 triệu đồng, chỉ tăng nhẹ 1 triệu đồng so với thực hiện năm 2021, kế hoạch có quá thận trọng không?
Trong bối cảnh dịch COVID-19, khi ban lãnh đạo Ngân hàng xây dựng kế hoạch này thì cũng trong bối cảnh xuất nhập khẩu đang ngưng trệ, container bị ách tắc, đặc biệt cạnh tranh về phí xuất nhập khẩu rất quyết liệt giữa các ngân hàng. Theo đó, với biện pháp miễn giảm phí, tăng cường chất lượng phục vụ, Saigonbank sẽ cố gắng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 190 tỷ đồng đã trích dự phòng chưa?
Đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, mục tiêu lợi nhuận trước thuế này đã tăng 23% so với năm 2021.
Tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ, huy động ở mức bình thường, Ngân hàng có kế hoạch đầu tư mang tính chiến lược dài hạn lớn gì để Ngân hàng có bước ngoặt thay đổi lớn?
Ban lãnh đạo rất trân trọng, hiểu nguồn vốn của quý cổ đông và khách hàng gửi gắm nên rất thận trọng đánh giá đối tác chiến lược, xây dựng bộ chỉ tiêu để lựa chọn nhưng trong bối cảnh hiện nay thì việc lựa chọn bị hạn chế.
Vì sao 4 năm không chia cổ tức?
3 năm gần đây, mặc dù doanh thu tăng trưởng, nhưng Saigonbank phải trích lập dự phòng 150-200 tỷ đồng để thực hiện xử lý nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đảm bảo tăng nguồn lực tài chính, an toàn cho đồng vốn.
Mong quý cổ đông đánh giá công bằng xác đáng cho Ngân hàng vì NHNN không cho phép chia cổ tức bằng tiền mặt. Ngân hàng đã chuẩn bị phương án, có văn bản cho phép của Ngân hàng Nhà nước thì Ngân hàng sẽ lập tức trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện Ngân hàng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 7% nhưng vì chưa có văn bản chấp thuận nên Ngân hàng chưa công bố cụ thể.
Xuất hiện nhiều hiện tượng lừa đảo qua ngân hàng, biện pháp giúp khách hàng không bị thiệt hại?
Thường xuyên cập nhật trên trang web, nhắn tin thông báo cho khách hàng về hiện tượng lừa đảo, mong khách hàng ngay lập tức báo về chi nhánh, hội sở của Saigonbank gần nhất để đảm bảo cho khàng không bị thiệt hai.
Thái độ phục vụ của Saigonbank nên học tập các ngân hàng khác?
Rà soát lại ứng xử của nhân viên, có kế hoạch trong năm 2022 tổ chức liên tục các lớp ứng xử cho các nhân viên làm công tác dịch vụ.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Saigonbank được tổ chức sáng ngày 28/04/2022
|
Saigonbank đặt mục tiêu đến cuối năm 2022, tổng tài sản đạt 26,000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay tăng lần lượt 8% và 10%, đạt 22,130 tỷ đồng và 18,710 tỷ đồng. Nợ xấu (nhóm 3-5) sẽ vẫn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Kết quả kinh doanh các năm và kế hoạch lãi trước thuế 2022 của SGB. Đvt: Tỷ đồng
|
Theo đó, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với kết quả năm 2021.
Saigonbank cho biết chỉ tiêu năm 2022 được đề ra trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Ngân hàng cũng đề ra 8 giải pháp lớn để thực hiện mục tiêu năm 2022: (1) Tăng trưởng quy mô hoạt động, phát triển an toàn bền vững; (2) chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; (3) kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường xử lý thu hồi các khoản nợ tồn đọng; (4) nâng cao hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro; (5) chú trọng phát triển nhân lực; (6) triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; (7) thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh và ứng phó tác động từ COVID-19; (8) tăng cường quảng bá, nhận diện thương hiệu Saigonbank.
Ngân hàng không có kế hoạch tăng vốn cũng như chia cổ tức năm 2022. Trong năm 2021, Saigonbank có kế hoạch chia cổ tức 5% cho cổ đông bằng tiền mặt. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bị hoãn lại, với lý do tăng cường khả năng chống chịu trước đại dịch.
Lợi nhuận trước thuế quý 1 tăng 68%
Trong quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của Saigonbank nhìn chung tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng 48%, đạt hơn 212 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ dịch vụ (+12%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+137%), lãi từ hoạt động khác (+190%)…
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gấp 3.2 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 177 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý này Saigonbank dành ra 78 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ được hoàn nhập gần 4 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 99 tỷ đồng, tăng 68%.
Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cho cả năm 2022 dự kiến trình ĐHĐCĐ, Saigonbank đã thực hiện được 52% kế hoạch chỉ sau quý đầu năm.
Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản của Saigonbank giảm 5% so với đầu năm, chỉ còn 23,434 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng nhẹ 1% (16,662 tỷ đồng)…
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng lại giảm nhẹ 1% so với đầu năm, còn 18,008 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 31/03/2022 của Saigonbank tăng đến 22% so với đầu năm, ghi nhận hơn 398 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp hơn 3 lần với 130 tỷ đồng. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay từ mức 1.97% đầu năm lên 2.39%.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Khang Di
FILI
|