Thứ Năm, 07/04/2022 08:52

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ ACB: Tỷ lệ CASA cuối quý 1 đạt 27%

Sáng ngày 07/04/2022, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Thảo luận:

Danh mục tín dụng của ACB?

Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc: Danh mục của ACB khá là đặc thù, mảng cá nhân chiếm 63%, SME chiếm 31% trong tổng bán lẻ. Mảng bán lẻ chiếm 94% tổng cho vay, đây là tỷ trọng cao trong ngành. Riêng bất động sản, tỷ lệ cho vay ở mức thấp, chiếm 4.9%. Mảng khách hàng cá nhân của ACB có 1/3 là hỗ trợ khách hàng vay đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

Tổng giám đốc đánh giá thế nào về quản trị rủi ro?

Ông Từ Tiến Phát: Từng ngân hàng sẽ có khẩu vị rủi ro khác nhau. Riêng với ACB, khẩu vị rủi ro phải đảm bảo tuân thủ cho toàn hàng, do đó sẽ không có ý kiến của một cá nhân nào, vì phải đảm bảo cho khẩu vị chung của cả ngân hàng.

Năm sau có lộ trình chia tiền mặt và cổ phiếu, liệu chia cổ tức tiền mặt thì các năm sau nữa thế nào?

Ông Từ Tiến Phát: Khi chia cổ tức có thể bằng tiền hoặc cổ phiếu, việc đưa ra định hướng chia cổ tức bằng tiền còn phụ thuộc vào cơ quan quản lý cho phép. Định hướng năm sau còn tùy vào hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, nhu cầu tăng vốn, đảm bảo hoạt động an toàn vốn cho Ngân hàng và còn phải được sự cho phép của NHNN.

Tình hình kinh doanh của Chứng khoán ACBS?

Ông Từ Tiến Phát: Năm 2021, ACBS tăng trưởng lợi nhuận gấp 3 lần trong năm 2021, lợi nhuận là 655 tỷ đồng. Đóng góp từ môi giới chứng khoán tăng 3.7 lần, tự doanh tăng 2.6 lần.

ACBS còn có lợi thế phát hành chứng quyền, đây là sản phẩm khá cạnh tranh. Năm qua cũng đã được tăng vốn lên 3,000 tỷ đồng. Kỳ vọng năm nay ACBS sẽ tiếp tục cải thiện về lợi nhuận.

NIM 2021 của ACB và định hướng của 2022?

Ông Từ Tiến Phát: NIM 2021 tăng trưởng tốt, cải thiện tăng 0.4% so với cuối năm 2020, ở mức 3.9%. Đây là nỗ lực cải thiện của ACB, lãi suất cho vay bình quân trong năm 2021 giảm mạnh, đây là hoạt động hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, ACB đã cải thiện tỷ lệ CASA, thu hút được nguồn vốn giá rẻ, do đó đã giúp NIM cải thiện tốt. Dự kiến, 2022 ACB sẽ giữ ổn định mức sinh lời này, tuy nhiên vẫn hỗ trợ khách hàng cải thiện kinh doanh.

Tỷ lệ CASA trong năm 2022?

Ông Từ Tiến Phát: Tỷ lệ CASA đến nay là 27%. Ngân hàng đã đầu tư để tăng trưởng CASA trong nhiều năm qua, triển khai nhiều sản phẩm miễn phí, hoàn tiền đến 2%. ACB cũng đẩy mạnh phát triển ngân hàng số. Trong tháng 4 này sẽ ra thêm sản phẩm mới về ngân hàng số để thu hút khách hàng. Ngân hàng kỳ vọng sẽ thu hút thêm khách hàng mới, từ đó thúc đẩy CASA.

Đồng thời, ACB cũng đã tích hợp hệ sinh thái số từ fintech, kỳ vọng CASA của ACB sẽ tăng trưởng cao hơn mức 27%, lên khoảng 28-29% tới cuối năm nay.

Những năm trước ACB đầu tư nhiều về CNTT, việc triển khai ngân hàng số đến đâu, sắp tới phát triển thế nào? Hướng phát triển nào khác để tạo lợi thế cạnh tranh?

Ông Từ Tiến Phát: Ngân hàng số là mảng trọng tâm của ACB. Xây dựng ngân hàng số dựa vào 4 trụ cột chính. Xây dựng thương hiệu, đội ngũ ngân hàng số, mô hình vận hành chuyên biệt (khép kín quy trình onboard khách hàng), tích hợp hệ sinh thái số bên ngoài.

Mỗi năm ACB có đầu tư lớn về CNTT, ngân hàng số khoảng 1,000 tỷ đồng. Do đó, vị thế về ngân hàng số của ACB sẽ có tăng trưởng vượt bậc thời gian tới.

Triển vọng hoàn nhập trích lập dự phòng, vì dư nợ về Covid-19 đã trích lập 100%?

Ông Từ Tiến Phát: ACB đã trích lập 2,300 tỷ đồng theo Thông tư 14, ACB đã trích đủ 100% theo quy định. Đầu năm 2022, tình hình khách hàng cơ cấu đã cải thiện tốt từ 17,000 tỷ đồng cơ cấu trong 2021, đến quý 1 chỉ còn 15,000 tỷ và tiếp tục giảm nhiều, từ đó hy vọng mức hoàn nhập dự phòng cũng như hoàn nhập về lãi sẽ tốt hơn trong năm nay.

Kế hoạch trích lập dự phòng trong năm 2022?

Ông Từ Tiến Phát: Quý 1 tình hình nợ xấu cải thiện về còn 0.74%. Năm qua tình hình dịch bệnh căng thẳng nhưng quý 1 đã cải thiện tốt, ACB tự tin sẽ kiểm soát nợ xấu dưới 1%. Dự phóng cũng không xấu hơn mức trích lập dự phòng tăng thêm.

Lợi nhuận hợp nhất quý 1 đạt khoảng 4,200 tỷ đồng

Con số sơ lược kết quả kinh doanh quý 1/2022?

Ông Từ Tiến Phát: Tổng tài sản đạt khoảng 525,000 tỷ đồng; tín dụng tăng 5.2% so với đầu năm, đạt khoảng 374,000 tỷ đồng; huy động tăng 1.6%, đạt khoảng 386,000 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA cải thiện từ mức 25% cuối năm 2021 lên 27% tại thời điểm cuối quý 1/2022. Lợi nhuận hợp nhất quý 1 khoảng 4,200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi 1,300 tỷ đồng, tăng 37%, trong đó có sự đóng góp của mảng Bancassurance với mức 390 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cải thiện hơn đạt 0.74% tại thời điểm cuối quý 1, tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 200%.

Trường hợp thị trường thuận lợi, ACB có kịch bản lạc quan hơn không?

Chủ tịch Trần Hùng Huy: Với kết quả quý 1, ACB tin tưởng hoàn thành tốt chỉ tiêu năm nay. Ngoài tăng trưởng tín dụng đưa ra 10% như công bố, thì Ngân hàng cũng đưa ra mức phấn đấu 16%. Thêm nữa, CASA liên tục được cải thiện, phí dịch vụ, thẻ... đều có sự tăng trưởng trên 50%, do đó hoạt động ngân hàng lõi sẽ có sự tăng trưởng khá cao trong năm nay.

Vừa qua, ACB có trích lập dự phòng theo Thông tư 14 khoảng 2,300 tỷ đồng, thoái lãi gần 600 tỷ đồng. Nếu tình hình kinh tế khả quan, ACB kỳ vọng đây sẽ là khoản thu nhập bất thường trong năm nay.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của ACB được tổ chức sáng ngày 07/04/2022.

Tổng Giám đốc Từ Tiến phát chia sẻ trực tiếp tại Đại hội: “ACB đang thực thi chiến lược 2019-2034. Giai đoạn 2022-2024 là giai đoạn then chốt trong việc thực thi chiến lược của ACB.

ACB sẽ thực hiện dựa vào những trụ cột sau. Thứ nhất, ACB sẽ phát triển nhanh số lượng khách hàng dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng. Trọng tâm thứ 2 là phát triển ngân hàng số dựa vào 3 trụ cột (ngân hàng số; chuyển đổi toàn bộ quy trình nghiệp vụ cũng như quy trình phục vụ khách hàng sang chuyển đổi số; phân tích và sử dụng dữ liệu và chuyển từ phân phối truyền thống sang phân phối tự động). Vừa qua, ACB cũng đang chuyển dịch những kênh phân phối truyền thống đến những địa điểm mới, khu dân cư mới, khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng khá giả, đặc biệt là khách hàng FDI ở các khu công nghiệp.

ACB sẽ tiếp tục duy trì chính sách thu hút, giữ chân nhân tài từ bên ngoài, cũng như phát triển nhân tài từ bên trong. Và cuối cùng là áp dụng quy chuẩn quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế. Tôi cam kết với quý vị cổ đông, trong thời gian tới làm sao để ACB có được những thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới”.

Mục tiêu lãi tăng 25%

Theo đánh giá của HĐQT ACB, hoạt động năm 2022 mặc dù khó khăn hơn nhưng vẫn có cơ hội xuất phát từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý 2/2022 và do đó đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn. Việc quản trị và điều hành để vừa tiết giảm hợp lý chi phí vốn, vừa bảo đảm thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là một vấn đề mà các ngân hàng sẽ đối diện thường trực trong năm 2022.

Năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558,187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 421,897 tỷ đồng, cũng tăng 11%. Dư nợ cho vay đạt 398,299 tỷ đồng, tăng 10% và sẽ được điều chỉnh tăng đến mức cao hơn khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng đến 25%, kỳ vọng đạt 15,018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Tăng vốn điều lệ lên 33,774 tỷ đồng

ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cp để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cp hiện tại sẽ được nhận thêm 25 cp mới). người sở hữu quuyền nhận cổ phiếu sẽ không được phép chuyển nhượng quyền này.

Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia theo BCTC kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021.

Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27,019 tỷ đồng lên 33,774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý 3/2022.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Ngân hàng cho rằng việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với ACB nhằm tăng thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng còn có thêm nguồn vốn để xây dựng văn phòng làm việc, cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở kênh phân phối; đầu tư vào các dự án thực hiện chiến lược 2019-2024.

Nếu như tăng vốn thành công, Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ACB với tỷ lệ sở hữu 6.92%.

Nguồn: ACB

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, ACB dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2022 là 0.6% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn theo BCTC hợp nhất được kiểm toán năm 2022.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình được thông qua.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán BOS vẫn chưa nhận được lệnh bắt Phó Tổng Giám đốc (06/04/2022)

>   BBC: Bổ sung giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế năm 2021 kiểm toán so với năm 2020 (06/04/2022)

>   CTS: Nghị quyết HĐQT về việc ký kết hợp đồng hạn mức tín dụng (06/04/2022)

>   TDH: Thông báo thay đổi thời gian, địa điểm họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 (06/04/2022)

>   CST: Giải trình liên quan đến báo cáo tài chính (06/04/2022)

>   CST: Báo cáo thường niên 2021 (06/04/2022)

>   HTM: Báo cáo tài chính năm 2021 (Công ty mẹ) (06/04/2022)

>   HTM: Báo cáo tài chính năm 2021 (06/04/2022)

>   PWS: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (06/04/2022)

>   VDS: Điều lệ công ty (06/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật