Đề nghị cởi trói về nhà ở xã hội
Khi triển khai dự án Nhà ở xã hội (NƠXH) chủ đầu tư và người mua nhà nhận được nhiều ưu đãi về tiền sử dụng đất, vốn vay lãi suất thấp… Thế nhưng chủ đầu tư, người mua chịu nhiều ràng buộc như 5 năm mới được phép chuyển nhượng, chủ đầu tư bị khống chế lợi nhuận.
Theo quy định về triển khai NƠXH, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi nhiều dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà NƠXH đã bàn giao nhưng đến nay vẫn chưa được miễn. Dự án NƠXH An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) do Cty TNHH Xây dựng La Thành làm chủ đầu tư có 930 căn hộ và đã được bàn giao cho người dân về ở nhưng có vướng mắc về tiền sử dụng đất thì chưa được miễn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho rằng: “Khi làm NƠXH, theo quy định, chúng tôi được bán thương mại 20% số căn nhưng phải đóng thuế trên toàn bộ dự án. Như vậy, việc ưu đãi chỉ có trên lý thuyết. Thực tế chúng tôi không được ưu đãi điểm này, do đó các quy định hiện nay không khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng NƠXH”.
Chủ đầu tư NƠXH tại Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mặc dù theo quy định, chủ đầu tư được vay ưu đãi vốn để triển khai dự án nhưng từ khi kết thúc triển khai gói 30.000 tỷ đồng, đến nay chưa có dự án NƠXH nào chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi. Vì vậy, chủ đầu tư phải vay lãi suất thương mại. Điều này gây thiệt hại cho chính người mua khi giá bán được cộng lãi suất vay thương mại của chủ đầu tư.
Một lãnh đạo Cty Handico 5 (chủ đầu tư NƠXH Đại Kim, Hà Nội) cũng chia sẻ, việc khống chế lợi nhuận 10% với doanh nghiệp triển khai các dự án NƠXH đang tạo áp lực cho doanh nghiệp, bởi phải mất vài năm mới có thể hoàn thành một dự án. Chưa kể các rủi ro khác có thể xảy ra khi thi công dự án như trượt giá nhân công, nguyên vật liệu, thêm chi phí lãi vay vốn đầu tư…
DN triển khai NƠXH và người mua đều đang gặp nhiều vướng mắc
|
“Làm một dự án kéo dài 4 - 5 năm. Nếu khống chế lợi nhuận 10% thì mỗi năm lãi trung bình chỉ 2%/dự án. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn bị đọng vốn khi xây căn hộ cho thuê nên không có nguồn lực triển khai dự án khác”, vị này nói.
Ngoài ra, với người mua NƠXH, dù được giá rẻ nhưng hồ sơ thủ tục phức tạp và bị khống chế bởi điều kiện thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Điều này gây khó cho người mua. Anh Minh Long, công nhân ngành than tại Quảng Ninh cho biết: “Dù tôi đáp ứng được hết các tiêu chí mua nhà nhưng chỉ riêng với tiêu chí thu nhập thì dù có nhu cầu thật thì tôi cũng khó tiếp cận được”.
Cởi trói thế nào?
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH ở khu vực đô thị. Sắp tới sẽ có 278 dự án được triển khai, trong đó hoàn thành xây dựng 121 dự án NƠXH dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô khoảng 54 nghìn căn hộ và khoảng 100 dự án nhà ở cho công nhân với khoảng 134 nghìn căn hộ. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra về phát triển NƠXH, đặc biệt là NƠXH cho công nhân.
Trước nhu cầu này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Hiệp hội vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM nêu hàng loạt vướng mắc, khó khăn của 57 doanh nghiệp đang triển khai đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.
Các vướng mắc tại 64 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là về giải phóng mặt bằng, dự án vướng sai phạm trong đầu tư xây dựng nên chưa hoàn tất thủ tục giao đất, các sở ngành chậm xác định giá bán nhà ở xã hội nên chưa cấp được sổ cho người mua nhà…
Theo HoREA, hầu hết vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được thành phố gỡ vướng. Một lãnh đạo của Bộ Xây dựng cũng thừa nhận: NƠXH triển khai nhiều năm nhưng nhiều ưu đãi trong quy định vẫn còn vướng như: Lãi suất ưu đãi, thuế, tiền sử dụng đất và quy định đối với người mua.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện tại, lệch pha cung cầu nhà ở phần lớn do nguồn cung nhà ở giá cao, trong khi thiếu nhà ở giá rẻ. Ông Khởi đề xuất, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp. “Để tránh tình trạng này, phải tăng nguồn cung nhà ở giá thấp, tức là giá phải hấp dẫn để đa số người lao động có khó khăn về nhà ở có thể tiếp cận được với tiêu chí ưu đãi của Nhà nước và các chi phí không bị tính vào giá…”, ông Khởi nói.
Ngọc Mai
Tiền phong
|