Chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc đứt gãy vì các lệnh phong tỏa
Chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất và hậu cần của hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có nhiều nhà cung cấp hàng đầu của Apple.
Theo tính toán của Nikkei Asian Review, hơn 50% trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple có nhà máy ở Thượng Hải hoặc các vùng lân cận. Khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa nhằm chống dịch. Những hạn chế đi lại cũng làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, hơn 30 nhà cung cấp của Apple có cơ sở ở Thượng Hải - tâm chấn của làn sóng Covid-19 mới tại Trung Quốc. Hơn 70 công ty sở hữu các nhà máy sản xuất ở Giang Tô. Phần lớn trong số đó nằm tại Côn Sơn và Tô Châu - 2 thành phố gần Thượng Hải.
Các nhà cung cấp này sản xuất từ iPhone, iPad cho đến những linh kiện như màn hình, bảng mạch in, các bộ phận về nhiệt, pin và linh kiện âm thanh.
Hơn 50% trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple có cơ sở ở Thượng Hải hoặc các vùng lân cận. Khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những quy định chống dịch nghiêm ngặt. Ảnh: Reuters.
|
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Hơn nữa, các nhà cung cấp này không chỉ làm việc với Apple, mà còn cung cấp cho nhiều gã khổng lồ công nghệ nội địa và toàn cầu như Google, Microsoft, Intel, Huawei, Xiaomi và Oppo.
Giới doanh nhân trong và ngoài nước cảnh báo rằng việc phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của nước này, đồng thời giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp ôtô và công nghệ.
Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo dữ liệu của Nomura Holdings, các thành phố chiếm tới 40% GDP, tương đương 7.200 tỷ USD, của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Hôm 18/4, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc khẳng định đất nước sẽ nỗ lực ổn định sự phát triển của các ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng. Ông cũng yêu cầu chính quyền địa phương không gây cản trở những hoạt động hậu cần quan trọng.
Gián đoạn không chỉ xảy ra ở một công ty, hay một ngành công nghiệp, mà là một sự cố có thể dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ tịch Paul Peng tại AU Optronics
|
Các chính quyền địa phương ở Thượng Hải và Tô Châu cũng đã đưa hàng trăm nhà cung cấp thiết bị điện tử, ôtô và y tế quan trọng vào một danh sách được gọi là "danh sách trắng". Những công ty này có thể dần nối lại một số hoạt động sản xuất và hậu cần.
Tuy nhiên, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Nhiều nhà cung cấp có nhà máy tại Thượng Hải lo ngại rằng sẽ mất nhiều tháng để các hoạt động sản xuất được trở về mức bình thường.
"Chúng tôi cho rằng ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều sự cố mất điện hồi năm ngoái. Bởi nó liên quan đến một loạt chuỗi cung ứng", Chủ tịch Paul Peng tại AU Optronics - một nhà sản xuất màn hình lớn - chia sẻ.
"Gián đoạn không chỉ xảy ra ở một công ty, hay một ngành công nghiệp, mà là một sự cố có thể dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu", ông nói thêm.
AUO - nhà cung cấp của HP, Dell, Asus và Tesla - có các cơ sở sản xuất ở Côn Sơn và Tô Châu. Ông Peng thừa nhận rằng có thể cần ít nhất một quý nữa để hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
"Một số vật liệu cơ bản như thùng carton đang thiếu trầm trọng. Các nguyên liệu và linh kiện bị giao chậm vì tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải", ông than vãn.
Không thể phục hồi nhanh chóng
Ngay cả khi đã được đưa vào "danh sách trắng", tháng này, Delta Electronics vẫn có thể chứng kiến sản lượng giảm 20% trong trường hợp xấu nhất.
"Tình hình tháng 5 và tháng 6 có thể được cải thiện để bù đắp những tác động tiêu cực vào tháng 4. Nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào tiến độ nối lại sản xuất của các nhà cung cấp trên toàn khu vực Tô Châu", CEO Cheng Ping bình luận.
Theo nguồn của tin của Nikkei Asian Review, một nhà cung cấp linh kiện điện tử của Apple đã phải cho tạm dừng hoạt động các nhà máy ở Tô Châu. Nguyên nhân là những gián đoạn hậu cần nghiêm trọng tại Tô Châu và Thượng Hải.
Trong khi đó, hoạt động tại các cảng và sân bay của Thượng Hải cũng bị hạn chế nhằm kiểm soát làn sóng dịch bệnh. Điều này tạo ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Ảnh: Reuters.
|
"Các hoạt động hậu cần ở đồng bằng sông Dương Tử (bao gồm Thượng Hải, Tô Châu, Côn Sơn, Thái Thương và Vô Tích) nhìn chung đã bị đình trệ. Ngay cả khi có giấy phép di chuyển, cũng rất khó để kiếm xe tải chở hàng", quản lý tại một công ty hậu cần giấu tên nói với Nikkei.
Theo ông Ivan Lam - nhà phân tích tại Counterpoint Research, các lệnh phong tỏa không chỉ ảnh hưởng tới nguồn cung, mà còn tác động đến nhu cầu.
"Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid, bởi tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi vẫn còn thấp", ông Lam nhận định.
"Chúng tôi nhận thấy chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ khi Thâm Quyến bị phong tỏa hồi đầu năm. Chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh giảm kỳ vọng đối với thị trường điện thoại thông minh trong năm nay", vị chuyên gia nói thêm.
Thảo Phương
ZING
|