Xung đột Nga - Ukraine đẩy giá cả thế giới leo thang
Giá hàng hóa trên thế giới leo thang mạnh, tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang lao đao, đè nặng lên sức mạnh chi tiêu và triển vọng tăng trưởng.
Tại Mỹ, giá xăng hôm 7/3 tiếp tục tăng vọt lên sát mức kỷ lục. CNN nhận định với tốc độ tăng giá chóng mặt, ngưỡng kỷ lục có thể sớm bị phá vỡ trong một hoặc hai ngày tới.
Theo khảo sát được AAA thực hiện trên 140.000 trạm xăng trên khắp nước Mỹ, giá trung bình của 1 gallon xăng (1 gallon tương đương 3,79 lít) là 4,07 USD, tăng 0,06 USD so với mức trung bình của ngày trước đó.
Cuối tuần trước, giá xăng tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm. Giá xăng đang trên đà phá vỡ kỷ lục được thiết lập hồi tháng 7/2008.
Giá xăng tại Mỹ đang trên đà phá vỡ kỷ lục được thiết lập hồi tháng 7/2008. Ảnh: Reuters.
|
Giá xăng tăng chóng mặt
Kể từ ngày Nga bắt đầu triển khai các hành động quân sự ở Ukraine vào hôm 24/2, giá xăng trung bình tại Mỹ đã tăng 0,52 USD/galloon, tương đương 15%. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ khi cơn bão Katrina đổ bộ vào Vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ, giáng đòn lên ngành công nghiệp lọc dầu của nước này vào năm 2005.
Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Phần lớn sản lượng dầu nước này được xuất khẩu sang châu Âu và châu Á. Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, dầu của Nga chỉ chiếm 2% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ trong tháng 12/2021.
Tuy nhiên, dầu được định giá trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Do đó, giá dầu tăng cao có thể tác động đến mọi ngóc ngách trên thế giới.
Dù các nước phương Tây cố tình tránh nhắm mục tiêu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, những quốc gia này vẫn giáng các đòn trừng phạt chưa từng có.
Phương Tây giáng các đòn trừng phạt chưa từng có lên nền kinh tế Nga. Cùng với đó là nguy cơ Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Ảnh: Reuters.
|
Những đòn giáng này khiến các khách hàng mua dầu, chẳng hạn những nhà máy lọc dầu, cảnh giác. Khi nhiều doanh nghiệp từ chối làm ăn với Nga, giá của các mặt hàng như tàu chở dầu cũng tăng vọt.
Reuters đưa tin do lo ngại các rủi ro tiềm ẩn, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã né tránh những giao dịch liên quan đến dầu mỏ và khí đốt Nga.
"Sự hoảng loạn đã xuất hiện trên thị trường", nhà phân tích thị trường Louise Dickson của Rystad Energy nhận định.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Nhưng theo ông Tom Kloza tại Oil Price Information Service, lệnh cấm của Mỹ có thể có tác động không quá lớn. Nguyên nhân là số lượng dầu của Nga xuất khẩu sang Mỹ không cao.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, tính riêng trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng sản phẩm dầu thô và tinh chế từ Nga mỗi tháng.
Áp lực lạm phát
Nhưng nếu châu Âu ngừng nhập khẩu dầu của Nga, hoặc chính Nga ngừng bán nhằm tạo thêm áp lực cho các nước phương Tây, điều này sẽ gây ra tác động lớn hơn cho giá dầu thế giới. Tuy nhiên, CNN nhận định những trường hợp trên khá khó xảy ra.
"Chúng tôi cho rằng xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm xuống còn 1 triệu thùng/ngày do tác động gián tiếp của những lệnh trừng phạt và các động thái của doanh nghiệp như ngừng làm ăn với Nga", Giám đốc điều hành Rystad Energy Jarand Rystad bình luận.
"Tôi cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng và có khả năng vượt quá 130 USD/thùng", vị chuyên gia dự báo.
Giá xăng đang tăng nhanh chóng trên khắp nước Mỹ. Giá xăng trung bình ở bang Missouri hiện thấp nhất cả nước, nhưng vẫn tăng 9% chỉ trong vòng một tuần. Giá xăng ở bang California cao nhất với 5,34 USD/gallon.
Chúng tôi cho rằng xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm xuống còn 1 triệu thùng/ngày do tác động gián tiếp của những lệnh trừng phạt và các động thái của doanh nghiệp như ngừng làm ăn với Nga.
Giám đốc điều hành Rystad Energy Jarand Rystad
|
Xung đột Nga-Ukraine cũng thúc đẩy giá của các mặt hàng khác leo thang, tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang lao đao, khiến nhiều công ty xuất khẩu châu Âu hứng chịu chi phí tăng cao.
Bất ổn cũng ảnh hưởng tới chi tiêu của hộ gia đình bởi triển vọng tăng trưởng ảm đạm và giá cả leo thang. Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn như Ai Cập đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Nguyên nhân là giá tăng cao, nguồn cung dầu hướng dương và lúa mì từ Nga bị hạn chế.
Các nhà kinh tế thậm chí còn cảnh báo về nguy cơ đình lạm, tức tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát leo thang. Giới quan sát từng cho rằng tại những cuộc họp ấn định tỷ giá vào tuần tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nhanh chóng loại bỏ các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa.
Nhưng giờ, các nhà đầu tư cho rằng hai cơ quan này sẽ trở nên thận trọng hơn bởi những rủi ro kinh tế mới.
Trong cuộc họp sắp tới tại Frankfurt, các quan chức ECB có thể sẽ hành động thận trọng, ngay cả khi lạm phát đã tăng lên 5,8% vào tháng 2, gần gấp 3 lần mục tiêu 2% của cơ quan này.
Các nhà đầu tư cho rằng ECB sẽ nâng lãi suất cơ bản 0,1 điểm phần trăm vào tháng 12, thay vì mức tăng 0,5 điểm phần trăm như dự báo cách đây một tháng.
Thảo Phương
ZING
|