Thứ Hai, 07/03/2022 12:49

Xung đột Nga-Ukraine đẩy chỉ số chứng khoán châu Á vào thị trường con gấu

Một vài chỉ số chứng khoán châu Á đã rơi vào thị trường con gấu khi nhà đầu tư lo ngại về tác động kinh tế từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc Chính phủ Trung Quốc gây áp lực ngày càng nặng nề lên lĩnh vực công nghệ.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương có lúc giảm 2.8% trong ngày 07/03. So với đỉnh tháng 2/2021, chỉ số này đã giảm hơn 20%, tức bước chân vào thị trường con gấu. Trong đó, lĩnh vực công nghệ và hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất.

Làn sóng bán tháo trong ngày 07/03 xuất phát từ nỗi lo về cú sốc lạm phát trên toàn cầu, khi giá dầu Brent vượt mốc 130 USD/thùng vì khả năng phương Tây cấm nhập dầu từ Nga. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt xuống mức thấp nhất trong gần 6 tháng, trong khi chỉ số theo dõi cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất hơn 3% và nằm trong nhóm có thành tích tệ nhất trong khu vực.

Đà tăng của giá dầu tác động tiêu cực tới một số quốc gia nhập khẩu nhiều dầu ở châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan. Chứng khoán Ấn Độ nằm trong nhóm giảm mạnh nhất kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt trong tháng trước.

“Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục chi phối tâm lý thị trường và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hai bên đã có giải pháp”, Jun Rong Yeap, Chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte, cho hay. “Giá dầu cao có thể đe dọa tới biên lợi nhuận của các công ty và triển vọng chi tiêu tiêu dùng ngay khi Fed đối mặt với áp lực lạm phát ngày càng cao”.

Chỉ số Hang Sang Tech – theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông – sụt hơn 5%. Kỳ vọng lạm phát và lãi suất cao hơn làm giảm giá trị của các khoản lợi nhuận tương lai của các doanh nghiệp, gây ảnh hưởng mạnh tới các cổ phiếu tăng trưởng có định giá cao.

“Thật khó mà lạc quan”, Mamoru Shimode, Trưởng bộ phận chiến lược tại Resona Asset Management, cho hay. “Biến động đang quá dữ dội ở tất cả thị trường. Nếu thị trường dầu không ổn định trở lại, thì các thị trường khác sẽ tiếp tục biến động mạnh”.

Ở diễn biến khác, Bắc Kinh ngày 04/03 đặt mục tiêu GDP năm 2022 ở quanh mức 5.5%. Đây là mức cao so với ước tính của các chuyên gia kinh tế. Dù vậy, chứng khoán Trung Quốc vẫn không thoát được đà bán tháo trong ngày 07/03, với chỉ số CSI 300 lao dốc 2.4%.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương hiện giảm gần 10% từ đầu năm 2022, trong khi S&P 500 sụt 9% và STOXX Europe 600 rớt gần 14%.

“Cú sốc về phía cầu – chủ yếu là vì không thể xuất hàng tới Nga – sẽ chỉ diễn ra ở châu Âu và không đủ lớn để hủy hoại nền kinh tế toàn cầu”, Masayuki Kichikawa, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cho hay. “Thế giới có thể xoay sở mức giá dầu 120 USD/thùng. Nhưng nếu chúng tăng lên 150-160 USD/thùng thì kinh tế sẽ suy thoái và nhà đầu tư buộc phải thay đổi các kịch bản cơ sở (đà hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn)”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Warren Buffett gom mạnh cổ phiếu dầu khí giữa xung đột Nga-Ukraine (06/03/2022)

>   Làn sóng bán tháo ập đến chứng khoán châu Âu, FTSE MIB lao dốc hơn 6% (05/03/2022)

>   Dow Jones giảm 4 tuần liên tiếp (05/03/2022)

>   Dow Jones quay đầu giảm gần 100 điểm, Nasdaq Composite mất 1.5% (04/03/2022)

>   MSCI và FTSE loại Nga ra khỏi các rổ chỉ số mới nổi (03/03/2022)

>   Nga có thể chi 10 tỷ USD để giải cứu thị trường chứng khoán (03/03/2022)

>   Nhóm cổ phiếu Nga trên sàn London rơi tự do 98% trong 2 tuần (03/03/2022)

>   Dow Jones phục hồi gần 600 điểm (03/03/2022)

>   Chứng khoán Mỹ và châu Âu hồi phục, Dow Jones tăng gần 400 điểm (02/03/2022)

>   Cổ phiếu của ngân hàng Nga Sberbank sụp 95% trên sàn London (02/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật