Từ bỏ mảng xây lắp, PTC thắng đậm từ chứng khoán, cổ phiếu tăng gấp 7 lần trong 4 tháng
Bằng cách nào mà một doanh nghiệp không hề có doanh thu thuần (hoặc rất ít) lại có lãi ròng tới 50-60 tỷ đồng trong 3 năm vừa qua? Đây là câu chuyện chưa kể về CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC, HOSE: PTC) - một doanh nghiệp vốn trầy trật ở mảng xây lắp trong nhiều năm đột nhiên chuyển mình thành tay chơi lớn trên sàn chứng khoán.
Tuy mang tên Đầu tư và Xây dựng Bưu điện, PTIC hiện không còn dấu hiệu nào của một doanh nghiệp xây dựng. Thay vào đó, bạn có thể hình dung tới mô hình kinh doanh của một quỹ đầu tư nhiều hơn.
PTIC có lúc sở hữu danh mục đầu tư chứng khoán lên đến hơn 200 tỷ đồng, cao nhất là 358 tỷ đồng (quý 2/2019). Đây là danh mục khá lớn với một doanh nghiệp từng có vốn hóa dưới ngưỡng 150-170 tỷ đồng cách đây 4 tháng - trước giai đoạn cổ phiếu bắt đầu vụt tăng chóng mặt.
“Thay da đổi thịt” nhờ cuộc phiêu lưu trên thị trường chứng khoán
Thành lập cách đây 25 năm, PTIC tiền thân là Công ty Xây dựng nhà Bưu Điện, trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), với ngành nghề kinh doanh chính là xây lắp các công trình trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Cuối năm 2004, Công ty cổ phần hóa và lên sàn HNX vào năm 2006, rồi chuyển sang sàn HOSE vào năm 2008.
Những năm đầu sau khi cổ phần hóa, Công ty kinh doanh ổn định với lãi ròng 23-24 tỷ đồng/năm nhờ sự hỗ trợ từ tập đoàn VNPT. Tuy nhiên, sự ổn định đó bỗng chốc tiêu tan khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu gieo rắc nỗi ám ảnh cho kinh tế toàn cầu.
Kể từ đó, việc làm ăn của doanh nghiệp xây lắp này cũng ba chìm bảy nổi với hàng loạt khó khăn như giãn tiến độ, chậm thanh toán từ chủ đầu tư cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường. Công ty nếu có lãi thì chỉ là lãi “còm”, nhưng nếu lỗ thì lại là lỗ lớn. Giá cổ phiếu cũng lao dốc không phanh từ 44,000 đồng/cp (giá cp đã điều chỉnh) xuống vùng giá 2,000-3,000 đồng/cp.
Trước những khó khăn của “đứa con côi cút” PTIC, VNPT lại quyết định “dứt áo ra đi” với tuyên bố thoái toàn bộ 3 triệu cp vào cuối năm 2014. Hoạt động kinh doanh của PTIC càng lún sâu vào hố đen ảm đạm.
Trầy trật và thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp đã thôi thúc PTIC tiến tới con đường tái cấu trúc vào năm 2018 và đầu tư tài chính là mảng được chọn để phát triển sau này. “Do hoạt động xây lắp những năm gần đây gặp nhiều khó khăn với rủi ro cao, HĐQT và ban lãnh đạo đã định hướng chuyển dần trọng tâm hoạt động của doanh nghiệp sang đầu tư tài chính ngắn hạn trong quá trình tìm kiếm các khoản đầu tư dài hạn” (trích từ giải trình mới nhất về hoạt động kinh doanh chính của PTIC được công bố vào ngày 18/02/2022).
Trên thực tế, quyết định tái cấu trúc có thể là kết quả của cuộc phiêu lưu của PTIC trên thị trường chứng khoán trong nhiều năm trước đó. Tay ngang bước vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mảng xây lắp ngày càng đi xuống, Công ty vẫn có kết quả khả quan: Lãi từ đánh chứng đạt mức 21 tỷ đồng trong năm 2016 và 44 tỷ đồng trong năm 2017 - cao hơn nhiều so với lãi ròng của giai đoạn làm xây lắp.
(Giá trị được lấy dựa trên vốn gốc của danh mục đầu tư vào đầu kỳ).
|
Hậu tái cấu trúc, PTIC dành toàn lực cho cuộc phiêu lưu trên thị trường chứng khoán và đầu tư góp vốn, kéo theo đó là doanh thu từ mảng xây lắp giảm mạnh xuống con số 0.
Đến nay, sự xoay trục sang đầu tư tài chính đã mang lại quả ngọt cho Công ty, ít nhất cho đến thời điểm này. Trong giai đoạn 2019-2021, lãi ròng ghi nhận ở mức 57-62 tỷ đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với giai đoạn hoạt động trong mảng xây lắp, với đầu tư tài chính là nguồn thu chủ lực. Gần đây, PTIC đang dần tiết giảm bớt đầu tư chứng khoán và chuyển sang góp vốn vào công ty liên kết nhiều hơn.
Cổ phiếu tăng nóng, lãnh đạo tháo chạy
Tuy kinh doanh khởi sắc,nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTIC không được giới đầu tư chú ý tới trong một khoảng thời gian rất dài.
Mãi cho tới gần đây, khi cơn sốt đầu cơ chứng khoán bùng nổ, các thành phần tham gia thị trường (nhiều trong số đó là các nhà đầu tư F0) mới bắt đầu chú ý tới PTIC. Đằng sau đó có thể là niềm yêu thích dành cho các doanh nghiệp từ bỏ ngành nghề cốt lõi để đi rót tiền vào cổ phiếu của các doanh nghiệp khác hay các doanh nghiệp đầu tư tài chính (như MHC, IPA…).
Từ tháng 11/2021, dòng tiền cuồn cuộn từ những nhà đầu tư mới bắt đầu chảy vào và đẩy cổ phiếu PTIC tăng lên gần 83,000 đồng/cp, tức cao hơn 7 lần chỉ trong 4 tháng. Nhìn xa hơn, cổ phiếu PTIC này đã tăng gấp 12 lần so với thời điểm tuyên bố tái cấu trúc trong năm 2018 (khoảng 6,000-6,500 đồng/cp).
Những bước tiến phi mã của cổ phiếu PTIC có lẽ đã vượt xa kỳ vọng của các lãnh đạo tại PTIC, đến nỗi họ bán luôn lượng cổ phần chi phối Công ty.
Trong tháng 12/2021-1/2022, vợ chồng bà Phạm Thị Thu Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty - đã bán ra 12.6 triệu cp, tương đương 70% vốn sở hữu. Điều này có nghĩa, quyền quyết định về số phận của PTIC đã được chuyển giao sang những người khác và định hướng có thể thay đổi trong thời gian tới. Đến nay, chủ mới của PTIC vẫn chưa lộ diện.
Thay áo mới, dồn lực vào mảng đầu tư điện gió
Sau những chuyển biến đáng chú ý trong bộ máy thượng tầng, PTIC đã có bước đầu tiên đánh dấu sự thay đổi lớn tại Công ty.
Mới đây, Công ty thông qua quyết định đổi tên thành “CTCP Đầu tư ICapital”. Đây có thể là động thái giúp nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về mảng kinh doanh chính của Công ty và cũng là câu trả lời cho việc mảng chính không có doanh thu từ các cơ quan chức năng. Đồng thời, Tổng Giám đốc Nguyễn Công Khởi - một người xuất thân từ ngành kỹ thuật – đã xin từ nhiệm từ ngày 23/02 với lý do “không còn phù hợp định hướng đầu tư tài chính của Công ty”. Thay cho vị trí của ông Khởi là ông Nguyễn Thành Công.
Trong năm 2022, để chuẩn bị cho các cơ hội đầu tư, PTIC lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ từ 180 tỷ đồng lên 501 tỷ đồng, thông qua chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 80% và chào bán gần 18 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp theo tỷ lệ 1:1.
Nguồn vốn bổ sung từ việc phát hành cổ phiếu sẽ được rót vào ngành điện gió, vốn đang là mảng đầu tư chủ lực của PTIC. Cụ thể, Công ty dự định mua thêm 36% cổ phần tại CTCP Điện gió Hướng Linh 8 nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%, đồng thời tiếp tục đầu tư tài chính có chọn lọc. Trước đó, PTIC cũng nâng sở hữu tại CTCP Điện gió Hướng Linh 7 từ 20% lên 32.81%. Năm nay, PTIC đặt mục tiêu doanh thu 127.5 tỷ đồng, lãi trước thuế 96.5 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức năm 2022 từ 15-20% trên vốn điều lệ bình quân mới.
Một doanh nghiệp vừa tái cấu trúc đã mang lại kết quả khởi sắc có vẻ là một món hàng thu hút được nhiều sự chú ý của giới đầu tư. Nhưng liệu rằng những kết quả khởi sắc đó đã đủ để giải thích cho những bước chạy phi mã gấp 7 lần của giá cổ phiếu?
Vũ Hạo
FILI
|