Thứ Sáu, 04/03/2022 08:46

TP.HCM dự thu gần 27.000 tỷ đồng từ đấu giá quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3

Trong tổng số 2.414 ha đất dọc tuyến Vành đai 3 – TP.HCM, có 514 ha đất nông nghiệp do nhà nước quản lý. Nếu đấu giá quỹ đất này thành công, TP.HCM dự kiến thu về 26.985 tỷ đồng, để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng đường Vành đai 3...

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản khẩn số 622/UBND-DA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi là Văn bản 622) về bổ sung, giải trình làm rõ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM.

GẦN 75.780 TỶ ĐỒNG CHO GIAI ĐOẠN 1

Theo Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP.HCM Lê Hòa Bình, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3, vừa được Uỷ ban nhân dân TP.HCM cập nhật, tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 75.777 tỷ đồng, giảm gần 400 tỷ đồng so với báo cáo trước đó do giảm chi phí xây dựng và thiết bị. Trong đó, chí phí giải phóng mặt bằng dự án ước tính hơn 41.589 tỷ đồng; phần xây lắp, thiết bị chiếm hơn 25.945 tỷ đồng; còn lại chi phí quản lý dự án, dự phòng...

Dự án đường Vành đai 3 là dự án đầu tư công từ ngân sách địa phương và trung ương. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án dựa theo nguyên tắc: Tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư, và ngân sách địa phương tham gia là 50% ở các địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Riêng Long An, dự kiến nguồn vốn trung ương hỗ trợ 75%, địa phương góp 25%.

Cụ thể ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 38.740  tỷ đồng cho các địa phương. Trong đó, trung ương hỗ trợ TP.HCM khoảng 24.000 tỷ đồng, Đồng Nai gần 2.000 tỷ đồng (địa phương góp 1.934 tỷ đồng), Bình Dương khoảng 9.639 tỷ đồng (địa phương 9.600 tỷ đồng), Long An hơn 3.100 tỷ đồng (địa phương 1.050 tỷ đồng).

Đối với TP.HCM, nếu việc đấu giá quỹ đất này diễn ra thành công và tốt đẹp thì địa phương đã có tiền để đầu tư cho Vành đai 3 mà không dùng đến ngân sách. Đồng Nai sẽ dôi dư nguồn tiền, trong khi Bình Dương và Long An đang tiếp tục rà soát nguồn quỹ đất.

TP.HCM VÀ ĐỒNG NAI “KHÔNG TỐN TIỀN” LÀM VÀNH ĐAI 3

Văn bản 622 cho biết, qua kết quả rà soát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM có thể đấu giá quyền sử dụng đất gắn với việc tính toán nguồn thu ngân sách từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường trên các địa phương.

Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 89 km, đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Cụ thể, văn bản cho biết: Trên địa bàn TP.HCM có khoảng 2.413,4 ha, trong đó khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. Dự kiến, đối với phạm vi đất nông nghiệp này có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng. Đối với các quỹ đất còn lại, tiếp tục rà soát, xác định cụ thể, chính xác diện tích, vị trí, đề xuất điều chỉnh quy hoạch và các nội dung khác có liên quan, bảo đảm tính khả thi để tạo nguồn vốn.

Như vậy, phần vốn ngân sách địa phương mà TP.HCM phải bỏ ra cho dự án tương ứng 50% là khoảng 24.000 tỷ đồng, nếu việc dự thu hoàn vốn 27.000 tỷ đồng từ đấu giá quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3 đối với 514 ha đât nông nghiệp thuộc quản lý nhà nước thành phố, TP.HCM đã “có sẵn” tiền để làm Vành đai 3.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai cũng dự kiến khai thác đấu giá quỹ đất dọc tuyến với tổng diện tích khoảng 214 ha thu về khoảng 4.332 tỷ đồng. Với vốn hỗ trợ 50% từ trung ương, tức khoảng 2.000 tỷ đồng và địa phương cũng góp tương ứng 2.000 tỷ đồng, thì tỉnh Đồng Nai sẽ có dôi dư nguồn tiền để làm đường Vành đai 3.

Hai tỉnh Bình Dương và Long An như đã nói, đang tiếp tục rà soát, cập nhật các quỹ đất có thể khai thác. Ngoài ra, Văn bản 622 cũng nói thêm, trong bước tiếp theo, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát. Các nguồn quỹ đất nêu trên sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp và tổ chức đấu giá để tạo nguồn thu ngân sách.

Cuối tháng 01 vừa qua, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, TP.HCM đặt mốc khởi công dự án vào quý IV/2023. Từ 2022 - 2023 giai đoạn chuẩn bị, thực hiện đầu tư; quý 4/2023 khởi công dự án; năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến; trong năm 2026 hoàn thiện tuyến đường.

Ước tính có khoảng 3.860 trường hợp cần giải phóng mặt bằng để làm tuyến đường, trong đó khoảng 1.470 hộ phải bố trí tái định cư. Các địa phương đã chuẩn bị địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí cho người dân. Riêng tỉnh Bình Dương, người dân đồng thuận chính sách hỗ trợ để họ tự lo nơi ở mới.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 được phê duyệt theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3. Dự án có tổng chiều dài 89 km, đi qua địa bàn các tỉnh: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Xuân Thái

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính tiếp tục lấy ý kiến về đánh thuế với nhà ở (03/03/2022)

>   Giao dịch bất động sản: Phải qua ngân hàng! (03/03/2022)

>   Diện mạo mới Thủ Thiêm có còn mơ về “phố Đông”? (01/03/2022)

>   Từ 1/3: Mua bán chung cư phải theo quy định mới, nhiều nhà đất được miễn lệ phí trước bạ (28/02/2022)

>   Nhiều giao dịch bất động sản ở Bà Rịa-Vũng khai thấp hơn giá thực tế (26/02/2022)

>   Doanh nghiệp gây loạn giá đất Thủ Thiêm do có ngân hàng hà hơi, tiếp sức? (24/02/2022)

>   Người định giá đất khóc ròng vì rơi vào 'bẫy thị trường' (24/02/2022)

>   Đấu giá đất ở Thủ Thiêm sai ở đâu và sửa như thế nào? (23/02/2022)

>   Đấu giá đất hay đấu thầu chọn nhà đầu tư? (23/02/2022)

>   Vì sao TPHCM gặp khó khi xác định giá đất (22/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật