Tổng Giám đốc EVF đã mua 15 triệu cp trước ngày chốt quyền trả cổ tức
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance, HOSE: EVF), đã hoàn tất mua 15 triệu cp EVF trong thời gian 24/02-01/03/2022.
Sau giao dịch, Tổng Giám đốc EVF nâng sở hữu từ 12,190 cp (tỷ lệ 0.004%) lên hơn 15.01 triệu cp, chiếm 4.927% vốn của Công ty.
Diễn biến giá cổ phiếu EVF từ đầu năm 2022 đến phiên 02/03/2022 |
|
Trong thời gian ông Hải thực hiện giao dịch, cổ phiếu EVF biến động trong vùng giá 17,300-17,800 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá trung bình 17,550 đồng/cp, có thể ông Hải đã chi hơn 268 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Đáng chú ý, động thái mua vào cổ phiếu của Tổng Giám đốc EVF diễn ra trước ngày Công ty chốt quyền trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông.
Cụ thể, ngày 04/03 tới đây, EVF sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 03/03/2022.
Theo đó, EVF sẽ thực hiện chi trả cổ tức theo tỷ lệ 6.5%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được nhận 6.5 cp mới.
Với gần 305 triệu cp đang lưu hành, Công ty dự kiến phát hành hơn 19.8 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông. Qua đó, tăng vốn điều lệ từ 3,047 tỷ đồng lên mức hơn 3,245 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của EVF |
|
Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2021, EVF lãi ròng hơn 330 tỷ đồng, tăng 45% so năm trước, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 10%; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi hơn 93 tỷ đồng, gấp 5.3 lần; lợi nhuận từ hoạt động khác hơn 242 tỷ đồng,gấp 2.6 lần và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần (8 tỷ đồng) - gấp 4.29 lần.
Năm 2021, EVF đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020. So với kế hoạch, EVF đã vượt 28% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của EVF ghi nhận gần 32,387 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 40%, đạt gần 16,850 tỷ đồng.
Về nguồn vốn huy động, tiền gửi của khách hàng giảm 33% so với đầu năm, còn gần 4,538 tỷ đồng. Đáng chú ý, phát hành giấy tờ có giá gấp 12.12 lần đầu năm, lên mức 6,060 tỷ đồng.
Xét về chất lượng nợ vay, nợ xấu của EVF tại thời điểm cuối quý 4/2021 tăng 47% so với đầu năm, lên mức gần 437 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lần lượt gấp 4 lần và 13.8 lần đầu năm, Trái lại, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 57%. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2.46% lên 2.59%.
Khang Di
FILI
|