Thứ Hai, 21/03/2022 14:44

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và Lào

Theo phóng viên tại Vientiane, ngày 21/3 tại thủ đô Vientiane, Lào đã diễn ra Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Lào nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện các án đầu tư quy mô lớn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và xúc tiến một số dự án hợp tác đầu tư mới, mang tính chiến lược trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Tọa đàm đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp hai nước, trong đó có nhiều tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam và Lào dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Khamjane Vongphosy.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sự kiện nhằm quán triệt và thực hiện kết luận của hai Tổng Bí thư Việt Nam và Lào tại cuộc gặp mặt Bộ Chính trị hai nước năm 2022, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/1/2022 về tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, trong đó trọng tâm là thúc đẩy hợp tác có hiệu quả về kinh tế và kết nối hai nền kinh tế nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022).

Đây cũng là hoạt động để thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Lào giao tại Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa hai nước và tại cuộc Gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Lào với doanh nghiệp hai nước, diễn ra tại Hà Nội ngày 10/1/2022, trong đó nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, phát triển các chuỗi cung ứng…

Tại cuộc tọa đàm, các doanh nghiệp hai nước đã nêu bật những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đầu tư tại mỗi nước, đồng thời đề xuất hàng loạt các kiến nghị và giải pháp đề nghị lãnh đạo và các bộ ngành và chính quyền địa phương hai nước giải quyết và hỗ trợ.

Ghi nhận các đề xuất và kiến nghị của doanh nghiệp hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp lớn của hai nước đã trao đổi, thảo luận, đề xuất ký kết hoặc trao các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, đầu tư một số dự án quy mô lớn, có tính chiến lược trong hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Cuộc Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Lào nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện các án đầu tư quy mô lớn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và xúc tiến một số dự án hợp tác đầu tư mới, mang tính chiến lược.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, cần phải thực hiện 5 nhóm giải pháp gồm:

Bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, minh bạch; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án tại Lào.

Hai bên cần có cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm có tính chiến lược đòn bẩy trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; đẩy mạnh việc tiếp cận, huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển cùng tham gia vào các dự án hợp tác lớn, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước.

Phía Lào cần tập trung xử lý kiến nghị về tồn tại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của một số dự án đầu tư quy mô lớn; đồng thời, xem xét, giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp đối với một số dự án trên cơ sở khách quan, hợp tình, hợp lý, không để vướng mắc kéo dài, làm mất mất cơ hội đầu tư.

Hai nước cùng nhau hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định RCEP, WTO…, kết hợp có hiệu quả với việc Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với ưu đãi cao, hàng hóa của Lào và Việt Nam tiếp cận thị trường nêu trên; đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng từ các đối tác này.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chấp hành pháp luật của hai nước; đồng thời luôn nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội với Lào và giữ gìn hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tại Lào-Camuchia.

Trong khuôn khổ của cuộc tọa đàm, hai bên chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận quan trọng như: thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến Đường sắt Vientiane-Vũng Áng giữa Tập đoàn FLC và Công ty Petroleum Trading Lao Public; thỏa thuận về việc hợp tác đầu tư phát triển Dự án năng lượng dọc biên giới Việt-Lào để sản xuất điện và truyền tải bán điện về Việt Nam giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Phongsubthavy./.

Phạm Kiên-Bá Thành

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Lào dự kiến khởi công tuyến đường sắt Vientiane-Vũng Áng vào tháng 11 (17/03/2022)

>   Luật đầu tư mới của Campuchia có gì để thu hút nhà đầu tư nước ngoài? (21/02/2022)

>   Ấn Độ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm xuất xứ Việt Nam (11/02/2022)

>   Lĩnh vực bất động sản Campuchia hồi phục cùng với nền kinh tế (12/01/2022)

>   Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào tăng hơn 30% (10/01/2022)

>   Hơn 90% hàng Campuchia xuất sang Trung Quốc được miễn thuế từ năm 2022 (06/01/2022)

>   Thuốc điều trị COVID-19 chính thức được kinh doanh thương mại tại Lào (03/01/2022)

>   Thúc đẩy các dự án hạ tầng chiến lược kết nối Việt Nam - Lào (07/12/2021)

>   Thủ đô Phnom Penh tiếp tục cấm các hoạt động kinh doanh nguy cơ cao (30/11/2021)

>   Kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (28/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật