Thứ Năm, 24/03/2022 14:58

Nghi ngờ gian dối, Tổng cục Thuế siết hoàn thuế VAT với xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn Việt Nam giao dịch với doanh nghiệp “ma”, bỏ trốn, mất tích tại Trung Quốc, khiến cơ quan thuế nghi ngờ hành vi trục lợi trong hoàn thuế VAT, gây thất thoát ngân sách...

Tổng cục Thuế vừa phản hồi về kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam gửi đến Thủ tướng Chính phủ do gặp vướng mắc liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Trong đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị dừng thực hiện công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế.

CƠ QUAN THUẾ NGHI NGỜ DOANH NGHIỆP "MA" BỎ TRỐN 

Theo Tổng cục Thuế, vừa qua, cơ quan thuế nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế VAT của một số một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng.

“Một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng, chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế”, Tổng cục Thuế nêu rõ dấu hiệu.

"Thông tin trả lời xác minh từ các cơ quan thuế nước ngoài qua cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuế phát hiện có một số doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn tại Trung Quốc không còn tồn tại hoặc bỏ trốn mất tích từ lâu", Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Để công tác quản lý hoàn thuế VAT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế ban hành công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07/3/2022 chỉ đạo nội bộ cơ quan thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế.

Trong đó, yêu cầu các cục thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ.

Trong đó, xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn. Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế VAT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển qua công an điều tra, khởi tố.  

Đối với các hồ sơ hoàn thuế có kết quả trả lời xác minh của cơ quan thuế nước ngoài như đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam... thì cục thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý.

Khi có kết luận của cơ quan công an và các cơ quan có liên quan thì cục thuế xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tập trung rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu như hồ sơ hải quan, thanh toán qua ngân hàng, xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài,... hoặc qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan thì cục thuế cung cấp thông tin vi phạm của người nộp thuế cho cơ quan hải quan kiểm tra và giám sát hải quan theo quy định, đồng thời đề nghị cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan hải quan nước ngoài xác minh, điều tra làm rõ thực tế doanh nghiệp có xuất khẩu hay không,...

NGÀNH SẮN PHÁ SẢN VÌ CÔNG VĂN TỔNG CỤC THUẾ?

Trước đó, trong đơn "kêu cứu" lên Thủ tướng, 42 thành viên Hiệp hội Sắn Việt Nam lo ngại, ngành sắn đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn và có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn ngành khi Tổng cục Thuế có công văn số 632.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng: "Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương xác minh khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế VAT của doanh nghiệp xuất khẩu sắn".

Trong khi pháp luật hiện hành về truy thu tiền thuế VAT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn; đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.

Hiệp hội Sắn Việt Nam lo lắng, nếu công văn số 63 thực thi thì các doanh nghiệp ngành sắn sẽ bị phá sản nếu vướng mắc hoàn thuế VAT không được tháo gỡ kịp thời có thể dẫn tới sự sụp đổ chuỗi sản xuất "cây trồng tỷ đô", mặc dù các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.

Đơn "kêu cứu" Thủ tướng có chữ ký của 42 thành viên Hiệp hội Sắn Việt Nam.

"Công văn số 632 sẽ ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người lao động ngành sắn và hàng trăm đơn vị sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng sắn, gây mất ổn định kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương". 
(Trích công văn của Hiệp hội Sắn Việt Nam)

Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, việc xác minh tư cách pháp lý của người mua hàng của nước nhập khẩu là ngoài khả năng của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, luật pháp Việt Nam cũng không quy định bắt buộc xác minh khách hàng trước khi ký hợp đồng.

Hơn thế nữa, Nhà nước cũng không có kênh thông tin để doanh nghiệp có thể tra soát tính chất pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài.

Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam không thể xác minh doanh nghiệp nước ngoài đó còn tồn tại hay không và tính chất hoạt động, tồn tại ra sao ở nước sở tại vào thời điểm đàm phán ký hợp đồng.

NGHIÊM TRỊ HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TIỀN HOÀN THUẾ VAT

Trước đó, ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Tổng cục Thuế khẳng định nội dung chỉ đạo tại công văn 632 là nhất quán với nội dung trao đổi, chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam về điều kiện, thủ tục để được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.

Đây cũng là văn bản chỉ đạo nghiệp vụ trong nội ngành thuế nhằm tăng cường công tác quản lý chống gian lận hoàn thuế, là biện pháp nghiệp vụ phòng chống hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách nhà nước và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước.

"Việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành để xác minh các điều kiện, thủ tục trong việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế là một trong các biện pháp nghiệp vụ của ngành thuế để thực hiện quản lý thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra hoàn thuế nói riêng đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định", Tổng cục Thuế lý giải.

Qua xác minh thông tin các trường hợp vi phạm, cơ quan thuế chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng cho biết thêm, chính sách thuế hiện hành có những quy định ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Luật thuế Giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định để được hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu thì doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện hoàn thuế gồm: hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…", Tổng cục Thuế nêu rõ.

Trong đó, quy định đối tượng không chịu thuế VAT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản… chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.  

Để khuyến khích các thương nhân, cư dân biên giới đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, giao thương, giảm thiểu thủ tục hành chính, Chính phủ có Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018, theo đó, các đơn vị có thể xác lập hợp đồng bằng văn bản, trường hợp không xác lập hợp đồng bằng văn bản thì lập bảng kê hàng hóa nhằm tạo điều kiện thúc đẩy giao thương biên giới.

Tuy nhiên, để được hoàn thuế giá trị gia tăng, Nghị định 14 cũng quy định phải thực hiện theo pháp luật thuế giá trị gia tăng.

Thực hiện quy định của Nhà nước, đa số các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn,… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Một số vụ việc điển hình được cơ quan Công an phối hợp xử lý như: Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức…

Cơ quan thuế các cấp thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Nhiều giải pháp để quản lý được chỉ đạo và thực hiện kịp thời. Đồng thời, phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan xác minh, đấu tranh với các hành vi vi phạm, gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng.

Ánh Tuyết

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Lương tối thiểu, lương đủ sống và sự liêm chính (24/03/2022)

>   Ngoài thuế môi trường, đề xuất xem xét giảm thuế nhập khẩu với xăng (23/03/2022)

>   Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống (23/03/2022)

>   Làm sao phủ kín eTax đối với 60 triệu cá nhân có mã số thuế? (21/03/2022)

>   Mong hệ thống thuế thu nhập hiện đại, tiến bộ và công bằng hơn (21/03/2022)

>   Lúng túng giảm thuế VAT: Ưu đãi thành ngược đãi (19/03/2022)

>   Kiến nghị "mạnh tay" giảm hàng loạt thuế, phí, lệ phí, không để giá cước vận tải cao bất thường (19/03/2022)

>   Xem xét đề xuất giảm thuế môi trường để hạ giá xăng dầu vào tuần tới (18/03/2022)

>   Chính sách thuế không chỉ để thu cho ngân sách (17/03/2022)

>   Doanh nghiệp mua bán cát, đá, sỏi, thép và bột đá rối bời với ma trận giảm thuế VAT 2% (16/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật