Năm vô tiền khoáng hậu của ngành thép
Với giá thép và sản lượng tiêu thụ tăng đột biến trong năm 2021, không khó hiểu khi phần lớn doanh nghiệp ngành này chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc.
Gượng dậy sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp trở lại sản xuất, các nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi với những gói kích thích. Trong giai đoạn này, nhu cầu tiêu thụ thép tăng trưởng mạnh, trong khi nguồn cung thép trên thế giới vẫn thiếu hụt.
Đối với ngành tôn mạ, giá thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu chính để làm ra tôn mạ, ống thép - liên tục tăng nóng trong năm 2021, có lúc lên tới 1,000 USD/tấn tại Việt Nam trước khi hạ nhiệt. Ở nước ngoài, giá HRC thậm chí có lúc vượt 1,900 USD và vượt 1,300 USD tại châu Âu vì nhu cầu tăng mạnh và thiếu hụt cung trầm trọng.
Nhờ linh động đẩy mạnh xuất khẩu cho các thị trường có giá bán cao như Mỹ và châu Âu, các ông lớn ngành tôn như Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG), Thép Nam Kim (HOSE: NKG) và Tôn Đông Á đều báo lãi kỷ lục. Trong năm 2021, HSG báo lãi ròng 4,315 tỷ đồng, NKG lãi 2,225 tỷ đồng và Tôn Đông Á lãi 1,200 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 180%, 654% và 319% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ở mảng thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với thị phần tăng lên mức 32.6% trong năm 2021. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng sản xuất thép HRC với sản lượng lên tới 2.6 triệu tấn, đóng góp 28% tổng sản lượng năm 2021.
Gần 34,500 tỷ đồng là khoản lãi ròng kỷ lục mà “Vua thép” Việt Nam mang về cho cổ đông trong năm 2021, tức tăng 156% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng chứng kiến lãi ròng tăng trưởng vượt bậc. Hãng thép Pomina ghi lãi ròng cao gấp 13 lần so với cùng kỳ trong khi Thép Tiến Lên mang về khoản lãi gấp gần 6 lần năm trước.
Dù đón gió thuận chiều, hai doanh nghiệp VIS và KKC vẫn ghi nhận kết quả đáng quên. VIS báo lỗ 132 tỷ đồng, trong khi KKC chỉ lãi 6 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2020.
Năm 2022 sẽ không còn bùng nổ?
Nhìn về năm 2022, CTCK VNDirect dự báo nhu cầu thép vẫn ở mức cao khi các nước lần lượt tung ra các gói đầu tư công.
Đối với thị trường nước ngoài, các chuyên viên phân tích tại VNDirect tin rằng nhu cầu thép thế giới vẫn ở mức cao cho tới hết nửa đầu năm 2022 khi hàng loạt quốc gia đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Vào cuối năm 2021, Mỹ đã thông qua gói đầu tư 1,200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trong khi chính phủ Ấn Độ cũng khởi động kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1,350 tỷ USD vào đầu tháng 8/2021.
Ở thị trường nội địa, VNDirect cho rằng việc đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 10-15% vào năm 2022, còn sản lượng tiêu thụ tôn mạ được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ 5%.
Tuy vậy, 2022 có thể không còn bùng nổ như năm 2021. VNDirect cho rằng, biên lợi nhuận gộp của ngành thép sẽ giảm so với mức cao của năm 2021 vì giá thép thế giới đã qua đỉnh chu kỳ và được kỳ vọng giảm dần trong năm 2022-2023. Fitch Solutions dự báo giá thép toàn cầu sẽ giảm từ mức trung bình 950 USD/tấn của năm 2021 xuống 750 USD/tấn trong năm 2022 và 535 USD/tấn trong giai đoạn 2023-2025. Theo diễn biến giá thép thế giới, VNDirect dự báo giá thép xây dựng của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 14,500-13,600 đồng/kg vào năm 2022-2023, giảm lần lượt 10%-5% so với cùng kỳ.
Vũ Hạo
FILI
|