Giá vàng trong nước xô đổ mọi kỷ lục, lên mức 74 triệu đồng/lượng
Tranh thủ biến động thị trường vàng thế giới, các doanh nghiệp vàng trong nước tiếp tục đẩy giá vàng lên cao nhất trong lịch sử. Giá vàng miếng trong nước đã chạm mốc 74 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cẩn trọng khi đầu tư vào vàng tại thời điểm này.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 8/3, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở Hà Nội và TPHCM ở mức 71,7 - 73,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1.100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với cuối phiên giao dịch trước đó.
Trên thị trường Hà Nội, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết vàng miếng ở mức 71,5 - 73,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch trước đó. Riêng tại khu vực Đà Nẵng, giá vàng miếng của Doji lên tới 74 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Công ty Phú Quý cũng tăng giá bán vàng lên mức 71,7 – 73,6 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 1,35 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch trước đó.
Giá vàng xô đổ mọi kỷ lục, lên mức 74 triệu đồng/lượng. Ảnh minh hoạ
|
Sáng ngày 8/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.988,4 USD/ounce, giảm 2 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo giá hiện hành, giá vàng thế giới khoảng 55,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng mạnh trong những ngày qua là việc nguy cơ thiếu nguồn cung trong nước khiến doanh nghiệp đẩy giá vàng lên cao. Hiện nay, doanh nghiệp vàng trong nước chủ yếu nhập khẩu vàng nguyên liệu. Vì vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm. Mức chênh lệch ngày càng được nới rộng xuất phát từ việc nguồn cung chế tác vàng nữ trang hạn chế.
Từ năm 2012 đến nay theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước không cấm nhập vàng nguyên liệu nhưng Ngân hàng Nhà nước quản lý, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu vàng nữ trang tại Việt Nam trên ngày càng tăng trong khi lượng nhập khẩu chưa tăng tương xứng.
Ngoài ra, dưới tác động của dịch bệnh và nguy cơ lạm phát tăng cao, người dân hạn chế bán vàng cũng góp phần khiến nguồn cung thiếu hụt.
Một trong những lí do khiến giá vàng liên tiếp tăng mạnh có thể do doanh nghiệp phòng thủ, giảm rủi ro khi thị trường biến động mạnh.
Trên thị trường vàng thế giới, Nga là một trong những nhà sản xuất vàng chủ chốt có xu hướng siết chặt thị trường, cũng tiềm ẩn nguy cơ khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng, tương đương 21% tổng kho dự trữ vào cuối tháng 1/2021.
Theo chuyên gia phân tích tài chính Rajan Dhall, viết trên Kitco News ngày 7/3, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ tiếp tục mua vàng từ thị trường nội địa. Đây là một trong các nỗ lực nhằm thực hiện các biện pháp giúp ổn định tài chính trong trong nước bối cảnh các quốc gia phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Việc gom vàng cũng được triển khai khi đồng Ruble và chứng khoán Nga lao dốc trong những phiên vừa qua.
Trên thị trường tiền tệ, ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.171 đồng/USD, tăng 11 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD niêm yết ở mức 22.670 – 22.980 đồng/USD.
Trên thị trường điện tử Bitcoin tiếp tục giảm. Sáng 8/3 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin ở mức 38.331 USD, giảm 0,5 % giá trong 24h qua.
Quỳnh Nga
Tiền phong
|