Thứ Ba, 15/03/2022 09:54

Doanh nghiệp vận tải "khó thở" khi xăng dầu liên tục tăng giá

Giá dầu thế giới tăng cao kéo giá xăng dầu trong nước tăng “phi mã”, và trở thành lực cản lớn đối với quá trình vận hành hồi phục kinh tế. Tác động tiêu cực ấy thể hiện rất rõ tại Hải Phòng - trung tâm logistic lớn nhất của miền Bắc...

Doanh nghiệp vận tải

Nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng gặp khó khi giá xăng dầu tăng cao

Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực vận tải logistics, giá xăng dầu tăng cao liên tục trong thời gian qua đã gây thiệt hại nặng đến doanh thu.

Ông Phạm Xuân Việt - chủ một doanh nghiệp vận tải container tại Hải Phòng - cho biết, theo thông lệ, từ đầu năm 2022 đã ký hợp đồng với khách hàng quen là không thay đổi giá cước trong cả năm.

HỢP ĐỒNG KÝ THEO NĂM, GIÁ XĂNG DẦU TĂNG THEO NGÀY

Do đó, khi xăng dầu tăng giá, “chỉ trừ những khách hàng vãng lai hoặc khách hàng lẻ, thì chúng tôi mới có thể tăng giá được, nhưng cũng phải báo trước cho khách hàng, không phải muốn tăng là tăng” – ông Việt cho biết.

Khi giá dầu tăng “dựng đứng”, doanh nghiệp vận tải trở tay không kịp. “Doanh nghiệp đang rất khó khăn, xe vẫn phải lăn bánh nhưng doanh thu thì chỉ từ hòa vốn đến lỗ. Hiện tại, chỉ có cách tạm thời dừng hoạt động, hoặc nhận đơn vận chuyển của khách hàng mới, khách hàng vãng lai với giá mới. Còn với khách hàng cũ thì xin ý kiến hỗ trợ từ họ để giảm phần nào chi phí, hạn chế lỗ" – chủ công ty vận tải hàng hóa đường bộ lo ngại.

Trong hoạt động vận tải logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, vào khoảng 35% - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng. Cùng với đó mỗi đầu xe còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT

Xác nhận thực tế này, đại diện một doanh nghiệp chuyên xe container tại Hải Phòng cho biết, nếu giá xăng dầu cao như hiện tại, doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước để bù chi phí.

Tuy nhiên, “cũng không thể tăng quá cao được, không thể “đua” với kiểu tăng như hiện tại của giá xăng dầu được vì còn phải giữ chân khách hàng, cho nên khả năng là chúng tôi cũng chỉ hoạt động cầm chừng” – doanh nghiệp này bổ sung.

Theo nhiều doanh nghiệp, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện đang đẩy phần thiệt về doanh nghiệp. Lý do hợp đồng vận tải thường ký theo tháng, quý, thậm chí theo năm. Nhưng giá xăng dầu điều chỉnh ngày càng ngắn, từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.

Điều này làm doanh nghiệp vận tải mất chủ động về cân đối chi phí kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đường bộ có lượng tiêu thụ xăng dầu càng lớn thì càng lỗ nặng.

GIÁ XĂNG DẦU TĂNG, GÂY ÁP LỰC LÊN QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI KINH TẾ

Theo ông Trương Ngọc Tú - Giám đốc Công ty Vận tải biển Bình Minh - hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa công ty vận tải biển (hàng rời) với khách hàng chuyên tuyến thường được ký theo quý (3 hoặc 6 tháng một lần).

Do đó, khi giá dầu tăng cao đột biến tới 30%, trong khi cước vẫn giữ giá cũ theo thỏa thuận đã ký trong hợp đồng vận chuyển, gây áp lực lỗ lên các doanh nghiệp vận tải biển.

“Nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao như hiện tại, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động nếu không tăng được giá cước. Vậy nên, cước vận tải biển sẽ phải tăng” - ông Tú cho biết.

Trong mảng vận tải container biển, giá cước đã duy trì ở mức cao một thời gian. Do đó, dù giá xăng dầu tăng cao, tạm thời các hãng vận tải biển container chưa tăng giá cước. Thậm chí, một số hãng còn giảm nhẹ để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, sớm muộn các hãng tàu container cũng sẽ tăng giá cước theo xu hướng chung của toàn ngành logistics – một doanh nghiệp đại lý hãng tàu tại Hải Phòng cho biết.

“Doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi, nên cuối cùng hàng hóa cũng sẽ tăng giá. Và người tiêu dùng mới chính là người phải thiệt hại nhất khi giá xăng dầu tăng. Nói cách khác, người tiêu dùng vừa chịu tác động trực tiếp khi giá xăng dầu tăng. Lại vừa chịu tác động gián tiếp do cước vận tải tăng phản ánh vào giá hàng hóa tăng theo. Người tiêu dùng chịu tác động tới 2 lần do giá nhiên liệu tăng” – ông Tú nhận định.

Nếu giá nhiên liệu cứ duy trì cao như ở mức hiện tại, sẽ khiến hoạt động của các doanh nghiệp logistics Việt Nam nói chung, tại Hải Phòng nói riêng, rơi vào tình trạng cầm chừng. Và cản trở tốc độ hồi phục, tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn hơn là ở chỗ, giá xăng dầu tăng cao kéo dài sẽ kiến tạo mặt bằng giá cước vận tải mới ở mức cao, và kéo dài tương ứng.

Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ kéo dài và tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội được định vị ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội theo cách ấy.  

Trương Quốc Cường

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Hôm nay mở cửa du lịch: Hàng không sẵn sàng, nhưng vẫn phải chờ (15/03/2022)

>   TP.HCM có hoãn việc thu phí hạ tầng cảng biển lần 3? (14/03/2022)

>   Sài Gòn loay hoay: Cần 800 nghìn tỷ nhưng chỉ có 142 nghìn tỷ (14/03/2022)

>   Cước vận tải tăng 10% - 30% (14/03/2022)

>   Kit xét nghiệm của Việt Á giờ ở đâu? (14/03/2022)

>   Doanh nghiệp vận tải đua nhau tăng giá (14/03/2022)

>   Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị bắt (11/03/2022)

>   Sức ép giá 'đè' lên dự án đầu tư công (11/03/2022)

>   Doanh nghiệp không thể tiếp tục 'gồng mình' giữ giá, hàng hóa thiết lập mặt bằng giá cả mới? (11/03/2022)

>   Vụ án Tổng Cty Công nghiệp Sài Gòn: Bắt tạm giam ông Hoàng Minh Trí (11/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật