Doanh nghiệp nỗ lực trở lại "đường đua": Kỳ vọng lãi suất cho vay ổn định
Theo các chuyên gia, chỉ khi mặt bằng lãi suất ổn định thì gói hỗ trợ mới phát huy được hiệu quả tốt nhất.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhằm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Vẫn gặp khó về vốn
Ngày 17-3, hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN trong ngành hàng không.
Theo hãng hàng không này, Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch quốc tế, Bộ Y tế đã công bố chính sách, quy định cho khách quốc tế khi nhập cảnh và lưu trú… theo hướng tạo điều kiện tốt nhất để các địa phương và DN đón du khách, phục hồi du lịch. Thế nhưng, khó khăn đối với ngành hàng không vẫn chưa sớm kết thúc khi chi phí nhiên liệu tăng; sức ép lạm phát; kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Vì vậy, Vietravel Airlines kiến nghị cần thêm giải pháp gỡ khó cho DN, trong đó có giải pháp về tín dụng.
Các doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay ổn định để sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh Ảnh: LAM GIANG
|
Cụ thể, Vietravel Airlines đề xuất đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho DN hàng không (không phân biệt hãng nhà nước hay tư nhân). "Dòng tiền của ngành hàng không vẫn đang bị cạn kiệt sau thời gian dài "ngủ đông". Nếu không có sự hỗ trợ, giải cứu của nhà nước, các DN chắc chắn sẽ khó xoay xở để trả nợ ngắn hạn, trả nợ nhà cung cấp, trả lương cho người lao động... Vietravel Airlines kiến nghị Chính phủ có gói hỗ trợ tín dụng cho hãng hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm" - đại diện Vietravel Airlines cho biết.
Nhiều DN du lịch dù đang tràn trề hy vọng về sự hồi phục của ngành nhưng khó khăn lớn của họ thời điểm này là rất khó tiếp cận vốn tín dụng khi không còn tài sản thế chấp, hoạt động kinh doanh chỉ mới khôi phục, chưa có dòng tiền nhiều. Vì vậy, nếu có chính sách kết nối NH và DN để có thể tiếp cận vốn tín dụng hoặc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, tối đa 40.000 tỉ đồng sẽ giúp DN có vốn lưu động để hoạt động trở lại.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định đang có 3 dạng DN hoạt động trên thị trường. Một là, DN còn "khỏe", chỉ cần mở cửa trở lại là làm ăn được, sống được. Hai là, DN còn "khỏe", còn khách hàng và cơ hội phục hồi nhưng vốn ít, cần được hỗ trợ, tiếp sức để sớm hồi phục. Ba là, những DN mất thị trường, mất vốn, vẫn đang nợ, muốn khôi phục cần sự hỗ trợ về đòn bẩy tài chính của nhà nước.
"Với hai nhóm DN đầu tiên, chỉ cần chúng ta triển khai các gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ, Quốc hội hiệu quả sẽ giúp họ nhanh chóng trở lại. Riêng nhóm DN thứ ba rất khó khăn, cần giải pháp đột phá như chương trình kết nối NH và DN mà TP HCM đã tiên phong, triển khai hiệu quả những năm qua. Phải làm sao giúp DN được vay nợ, nuôi nợ để đòi nợ, giúp họ sống được rồi mới trả được nợ. Nhưng giải pháp này cần sự vào cuộc của nhà nước, bởi các NH thương mại sẽ không dám mạnh dạn cấp vốn cho DN đang rất khó khăn" - TS Trần Du Lịch nhìn nhận.
Phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất sẽ góp phần giúp lãi suất cho vay tiếp tục ổn định.
"Lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích lên nhưng tôi cho rằng đó không phải là xu hướng mà tùy vào thanh khoản của từng NH thương mại, cộng thêm yếu tố về lạm phát. Quan điểm của NHNN là điều hành mặt bằng lãi suất ổn định và phấn đấu giảm thêm, khi đó gói hỗ trợ lãi suất cho DN 2% mới hiệu quả. Nếu lãi suất cho vay tăng, việc hỗ trợ lãi suất 2% sẽ không còn nhiều ý nghĩa. NHNN cần sớm hướng dẫn cụ thể cho các DN quy định nhằm tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất này, giảm bớt áp lực tài chính để giữ mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ" - PGS-TS Trần Hoàng Ngân góp ý.
Trong văn bản trả lời cử tri TP HCM, Bạc Liêu, Yên Bái về chính sách giảm lãi suất cho DN và người dân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh mới đây, NHNN cho biết thời gian qua đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ DN và người dân chịu thiệt hại bởi dịch thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có chính sách giảm lãi suất.
NHNN đang triển khai xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm % trong năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Theo dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang được lấy ý kiến, NHNN đã quy định rõ các đối tượng cụ thể sẽ được hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay giải ngân từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2023. NH thương mại sẽ dừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản giải ngân sau thời điểm 31-12-2023 hoặc khi NHNN và Bộ Tài chính có thông báo tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỉ đồng.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá nếu việc triển khai hỗ trợ lãi suất này hiệu quả sẽ góp phần giảm bớt chi phí vay vốn NH của DN, tạo động lực cho DN phục hồi nhanh hơn. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục các giải pháp đã và đang triển khai có hiệu quả; chỉ đạo tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất; tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn, hỗ trợ DN được vay vốn thuận lợi…
Đẩy mạnh kết nối
Liên quan chương trình kết nối NH và DN như một giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đang đăng ký một gói tín dụng khoảng 400.000 tỉ đồng cho chương trình năm 2022. Chương trình này cũng gắn liền với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ nhằm cơ cấu lại nợ cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đối với những lĩnh vực ngành nghề chịu thiệt hại nặng trong dịch bệnh và có khả năng trả nợ, phục hồi nhanh.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, sau khi có nghị định hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ lãi suất 2% cho DN và hộ kinh doanh, các NH thương mại sẽ lấy đó làm căn cứ để triển khai các hoạt động kết nối, tạo hiệu ứng lan tỏa chính sách, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN.
|
THÁI PHƯƠNG
Người lao động
|