Đề xuất bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng khi chuyển nhượng bất động sản
Tổng cục Thuế đề xuất bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế nhằm tránh thất thu thuế.
Thông tin này được bà Lý Thị Hoài Hương – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế – chia sẻ với báo chí mới đây.
Hạ tầng phát triển nhanh khiến giá trị chuyển nhượng bất động sản ngày càng tăng. Ảnh minh hoạ: H. Thắng.
|
Bà Thương cho biết Tổng cục Thuế đang tích cực nghiên cứu, tham mưu với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí trước bạ (LPTB) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Đồng thời, bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 nhằm đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, tránh thất thu thuế với hoạt động kinh doanh BĐS.
Tương tự, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) từng có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với đề xuất người mua BĐS phải thanh toán qua ngân hàng nhằm thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền 2012 và Nghị định 116 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền.
Đề xuất của hai cơ quan này được đưa ra trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền với các giao dịch chuyển nhượng BĐS, qua đó tạo khoảng trống pháp lý để các tổ chức cá nhân, kê khai nộp thuế thấp hơn giá trị giao dịch thực tế.
Bà Lý Thị Hoài Hương cho biết thực tế phát sinh nhiều trường hợp chuyển nhượng BĐS với giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch. Cụ thể, một số hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai có giá trị hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư. Thậm chí, người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư khi đã được cấp sổ nhằm trốn tránh thuế.
Ngoài ra, một số trường hợp hai bên mua và bán BĐS không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền, trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối bất động sản nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng BĐS.
Thực tế, Chi cục Thuế quận 10 thuộc Cục Thuế TPCM đã phát hiện nhiều vụ mua bán căn hộ có giá trị chuyển nhượng khoảng 4-5 tỉ đồng nhưng lại kê khai nộp thuế với giá trị chỉ khoảng 1 tỉ đồng. Cơ quan này đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an và kiến nghị điều tra, làm rõ.
Tại Hà Nội, Cục Thuế thành phố cũng từng nêu tình trạng khai sai giá bất động sản để trốn thuế và cảnh báo rằng người mua có khả năng mất số “tiền chênh” nếu có tranh chấp xảy ra. Đồng thời, sẽ bị pháp luật xử lý khi hành vi này bị phát giác.
“Tiền chênh”, theo lý giải của giới đầu tư BĐS, là khoản tiền chênh lệch giữa giá trị chuyển nhượng BĐS thực tế và giá trị kê khai nộp thuế. Số tiền này nằm ngoài hợp đồng và không có giấy tờ chứng minh.
Bên cạnh đề xuất trên, bà Thương cho biết Tổng cục Thuế đã kiến nghị bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.
Lý giải điều này, bà cho biết ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao. Ngoài ra, cơ quan quản lý thuế cũng đang gặp nhiều khó khăn do không có chức năng điều tra, thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế.
Bên cạnh đó, quy định về thời hạn liên thông giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS đối với cơ quan thuế là năm ngày làm việc. Trong khi hồ sơ đến cơ quan thuế thường sát ngày hẹn trả kết quả hoặc chậm dẫn đến áp lực rất lớn về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất.
Vân Phong
TBKTSG
|