Thứ Tư, 23/03/2022 21:30

Cuộc khủng hoảng của China Evergrande vẫn chưa dừng lại

China Evergrande rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt khi Trung Quốc trấn áp ngành địa ốc. Ngay cả khi Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát, tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn vẫn gặp rắc rối.

Theo CNN, hôm 22/3, các ngân hàng đã thu giữ 2 tỷ USD từ China Evergrande - nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới - sau khi tập đoàn thông báo hoãn công bố thu nhập hàng năm.

Trong hồ sơ gửi lên sàn giao dịch Hong Kong hôm 22/3, China Evergrande dẫn lý do "những thay đổi lớn" trong môi trường hoạt động kể từ nửa cuối năm ngoái. Công ty kiểm toán của tập đoàn đã bổ sung "số lượng lớn thủ tục kiểm toán bổ sung" vào năm nay.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn ảnh 1

Việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với ngành công nghiệp bất động sản đẩy tập đoàn China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt. Ảnh: Reuters.

Thiếu tiền mặt

Cùng với “những ảnh hưởng do các đợt bùng phát Covid-19”, China Evergrande sẽ không thể công bố kết quả tài chính năm 2021 đúng hạn. Tập đoàn bất động sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn khẳng định sẽ công bố kết quả kiểm toán "càng sớm càng tốt" sau khi hoàn thành kiểm toán.

Evergrande Property Services - một trong những đơn vị của China Evergrande - cho biết một số bên cho vay đã bất ngờ đòi khoảng 13,4 tỷ NDT (tương đương 2,1 tỷ USD) tiền gửi ngân hàng được cầm cố làm tài sản thế chấp cho "bảo lãnh của bên thứ ba".

Công ty không nói rõ bên cho vay, chỉ tiết lộ các ngân hàng đã kiểm soát tiền mặt. Đơn vị dịch vụ bất động sản của China Evergrande cho biết sẽ thành lập ủy ban độc lập để điều tra.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn ảnh 2

Khi Bắc Kinh giáng đòn vào ngành bất động sản, gần 800 dự án của China Evergrande vẫn chưa được hoàn thành, rải rác trên khắp 200 thành phố của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Hồi đầu tháng 12/2021, Fitch hạ xếp hạng của China Evergrande xuống "vỡ nợ giới hạn" sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.

Mùa hè năm 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố "ba lằn ranh đỏ" - những quy tắc thay đổi số phận của China Evergrande và nhà sáng lập Hứa Gia Ấn. Các nhà băng được yêu cầu hạn chế cho vay đối với bất cứ tập đoàn địa ốc nào vượt qua một trong những "lằn ranh đỏ".

Tính đến thời điểm hiện tại, khoản tiền phải trả của China Evergrande đã lên đến hơn 300 tỷ USD. Các khách mua nhà, trái chủ, nhà đầu tư, nhà thầu và ngân hàng làm ăn với China Evergrande đều lao đao.

Quá trình tái cơ cấu "mập mờ"

China Evergrande niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào năm 2009. Từ quý I đến quý III/2010, tập đoàn là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc (tính theo diện tích). Năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã cảnh báo về ảnh hưởng của thị trường bất động sản đối với việc làm và nền kinh tế Trung Quốc. Theo một số ước tính, những hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm gần 1/3 nền kinh tế Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ China Evergrande tái cơ cấu khoản nợ và hoạt động kinh doanh. Nhưng một số chủ nợ nước ngoài đã mất kiên nhẫn.

Hồi tháng 1, một nhóm trái chủ nước ngoài đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với quá trình tái cơ cấu nợ "mập mờ" của China Evergrande. Tập đoàn của ông Hứa cần trả một khoản lãi trái phiếu đến hạn hôm 23/3.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc thay đổi công ty kiểm soát ngay trước mùa báo cáo tài chính. Điều đó làm dấy lên lo ngại về những vấn đề kiểm toán tiềm ẩn

Ngân hàng đầu tư Nomura

Đầu năm, China Evergrande cho biết đang lên kế hoạch để đưa ra các đề xuất tái cơ cấu sơ bộ trong vòng 6 tháng tới.

Các nhà đầu tư cho rằng tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn sẽ phải bán thêm nhiều tài sản khi đối mặt với áp lực từ phía những chủ nợ nước ngoài.

Hôm 20/3, truyền thông địa phương đưa tin China Evergrande chuẩn bị bán 30% cổ phần tại công ty bất động sản ở Nam Kinh cho Avic Trust Co. Giá trị của thương vụ không được tiết lộ.

Tuần này, một loạt nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khác cũng cho biết không thể công bố báo cáo tài chính hoặc tổ chức các cuộc họp hội đồng quản trị đúng hạn.

Hôm 21/3, nhà phát triển Ronshine cho biết công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) đã dừng hoạt động kiểm toán vì thời gian eo hẹp và làn sóng Covid-19 mới ở Trung Quốc.

Trong 2 tháng qua, các tập đoàn bất động sản như Aoyuan, Shanghai Shimao và Hopson cũng đã thông báo thay đổi công ty kiểm toán.

"Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc thay đổi công ty kiểm soát ngay trước mùa báo cáo tài chính. Điều đó làm dấy lên lo ngại về những vấn đề kiểm toán tiềm ẩn. Thị trường sẽ đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của các con số tài chính của họ", ngân hàng đầu tư Nomura bình luận.

Theo dữ liệu của Nomura, doanh số bán bất động sản của các tập đoàn địa ốc hàng đầu Trung Quốc tiếp tục lao dốc trong năm nay.

Hai tháng đầu năm, doanh thu của China Evergrande đã giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm của Shimao và Sunac lần lượt là 60% và 26%.

Thảo Phương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Phố Wall phục hồi, Dow Jones tăng 250 điểm (23/03/2022)

>   Dow Jones đứt mạch 5 phiên tăng liên tiếp khi ông Powell cảnh báo lạm phát quá cao (22/03/2022)

>   Warren Buffett muốn thâu tóm công ty bảo hiểm Alleghany với giá 11.6 tỷ USD (21/03/2022)

>   Cổ phiếu China Evergrande bị tạm ngừng giao dịch trên sàn Hong Kong (21/03/2022)

>   Phố Wall có tuần tăng mạnh nhất từ năm 2020 (19/03/2022)

>   Phố Wall tăng 3 phiên liên tiếp (18/03/2022)

>   Từ dịch bệnh tới chiến tranh, 4 mối lo đè nặng thị trường chứng khoán Mỹ (17/03/2022)

>   Chứng khoán Hồng Kông tiếp đà tăng bùng nổ, Hang Seng tăng 15% trong 2 ngày (17/03/2022)

>   Dow Jones tăng hơn 500 điểm trong phiên đầy biến động (17/03/2022)

>   Dow Jones vọt 500 điểm nhờ hy vọng Nga-Ukraine đình chiến (16/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật