Công ty vận hành metro hết tiền
Dù phải khẩn trương chuẩn bị để thử nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, nhưng Cty chịu trách nhiệm vận hành lại rơi vào tình trạng thiếu kinh phí cho các hoạt động quản lý và chuyên môn.
Đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) vừa cho biết, hai đoàn tàu metro tiếp theo của tuyến metro số 1 đã rời cảng Nhật Bản vào tối 28/2 và đang trên đường về TPHCM để phục vụ cho việc vận hành thử nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Theo đại diện MAUR, hai đoàn tàu nói trên lần lượt có số thứ tự là 12 và 13 dự kiến sẽ cập cảng Khánh Hội (TPHCM) vào ngày 9/3 tới. Cũng giống như 11 đoàn tàu đã nhập về TPHCM trước đó, sau khi cập cảng, đoàn tàu số 12 và 13 sẽ được vận chuyển về Depot Long Bình (TP Thủ Đức) và được kết nối với hệ thống tín hiệu tại khu vực này. Sau khi công việc kiểm tra được hoàn tất, các đoàn tàu trên sẽ được chạy thử.
Đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên được đưa lên đường ray tại Depot Long Bình chuẩn bị cho vận hành thử nghiệm
|
“Theo thiết kế, mỗi đoàn tàu gồm 3 toa, có sức chở 930 hành khách, trong đó có 147 ghế ngồi. Tốc độ di chuyển của tàu đoạn trên cao là 110km/giờ và đoạn đi ngầm là 80km/giờ. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu toàn bộ 17 đoàn tàu của tuyến để tiến hành vận hành chạy thử nghiệm theo kế hoạch” - đại diện MAUR nói và cho biết khối lượng thực hiện của dự án hiện nay đã đạt gần 89 % tổng khối lượng.
Mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ xin bố trí ngân sách đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Cty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1, đơn vị được giao vận hành khai thác các tuyến metro ở TPHCM (viết tắt là Cty vận hành metro).
Tại lễ ra quân đầu năm Nhâm Dần 2022, Phó trưởng ban MAUR Nguyễn Quốc Hiển cho biết, dự kiến MAUR sẽ tổ chức chạy thử nghiệm đoạn đi trên cao từ Quý 2/2022 và trên toàn tuyến trước ngày 31/12 để đưa dự án metro đầu tiên của TPHCM vào khai thác thương mại vào năm 2023.
|
Không có tiền vận hành công tác văn phòng
Cty vận hành metro được thành lập năm 2015 với tổng số kinh phí (vốn điều lệ) được cấp là 14 tỷ đồng. Số tiền này Cty sử dụng để mua sắm trang thiết bị văn phòng. Còn chi phí hoạt động của Cty vẫn chưa được ngân sách cấp theo đề án thành lập Cty đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo UBND TPHCM, do tiến độ xây dựng và đưa vào khai thác tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chậm so với dự kiến ban đầu nên bốn năm sau khi thành lập, tháng 4/2019, nhân sự giám đốc Cty vận hành metro mới được bổ nhiệm để đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.
Tiến độ thực hiện của dự án chậm so với dự kiến nên đến nay Cty vận hành metro chưa có nguồn thu. Hiện Cty không còn đủ nguồn tạm ứng từ vốn điều lệ ban đầu để duy trì hoạt động, không có tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp... cho người lao động. Thậm chí, Cty không còn đủ khả năng để trả các chi phí điện, nước, viễn thông... phục vụ công tác điều hành của văn phòng. Hiện nay, Cty vận hành metro chỉ còn khoảng 15 người (bao gồm cả nhân viên và lãnh đạo). Riêng 58 học viên lái tàu đang bị tạm ngưng đào tạo để chờ ký kết phụ lục hợp đồng số 19 với Tư vấn chung của dự án.
Vì vậy, để đáp ứng đủ nguồn lực cho Cty vận hành metro số 1 duy trì hoạt động, đáp ứng yêu cầu theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho địa phương được sử dụng ngân sách để bố trí kinh phí, đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Cty vận hành metro trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại tuyến metro số 1. Bên cạnh đó, TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn bố trí ngân sách, phương thức chi nếu được Thủ tướng cho phép.
Trong thời gian chờ Chính phủ xem xét, đại diện MAUR cho biết lãnh đạo đơn vị đã kiến nghị Sở Tài chính và UBND TPHCM xem xét, bố trí tạm thời kinh phí để giải quyết nhu cầu cấp bách của Cty vận hành metro.
Huy Thịnh
Tiền phong
|