Thứ Sáu, 04/03/2022 15:00

Chuyên gia: 'Trừng phạt của phương Tây hạ gục hệ thống tài chính Nga'

Một tuần xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao. Đồng RUB lao dốc, giá dầu tăng vọt, các tập đoàn lớn trong mọi lĩnh vực ồ ạt rời khỏi Nga.

Theo CNN, các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây nhanh chóng cô lập Nga, khiến đồng tiền nước này sụp đổ và đẩy giá năng lượng, lương thực tăng vọt.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế trị giá 1.500 tỷ USD của Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Chỉ một tuần trước, Nga xuất khẩu hàng triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Các thương hiệu phương Tây hoạt động sôi nổi ở Nga, giới đầu tư cũng đổ tiền vào những doanh nghiệp nước này.

Nhưng giờ, một loạt lệnh trừng phạt đã khiến các ngân hàng lớn nhất đất nước chao đảo. Các lệnh trừng phạt được công bố trong tuần qua khiến hai ngân hàng lớn nhất của Nga - Sberbank và VTB - không được giao dịch bằng đồng USD.

Những nhà băng chủ chốt của Nga bị cấm tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mỹ cũng công bố những biện pháp trừng phạt đối với Quỹ Tài sản Quốc gia của Liên bang Nga và Bộ Tài chính Liên bang Nga.

Xung đột Nga Ukraine ảnh 1

Một loạt lệnh trừng phạt đã khiến hệ thống tài chính của Nga chao đảo.

Phong tỏa gần 1.000 tỷ USD tài sản

Phương Tây cũng ngăn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng lượng lớn dự trữ ngoại hối để bảo vệ nền kinh tế. Tổng các lệnh trừng phạt đã phong tỏa gần 1.000 tỷ USD tài sản của Nga - quy mô được đánh giá là "chưa từng có".

"Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạ gục hệ thống tài chính của Nga chỉ trong một ngày", nhà kinh tế Thụy Điển Anders Aslund nhận định. Theo ông, tất cả thị trường vốn của Nga "gần như bị xóa sổ và không có khả năng phục hồi".

Nền kinh tế Nga vẫn quan trọng đối với phần còn lại của thế giới bởi nguồn năng lượng khổng lồ. Các chính phủ phương Tây chưa giáng đòn trực tiếp vào xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Nhưng giá dầu và khí đốt vẫn tăng vọt trong những ngày qua. Trong khi đó, dầu thô của Nga được giao dịch ở mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 30 năm. Người mua hàng dè chừng với dầu thô của Nga bởi lo ngại về sức ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.

Xung đột Nga Ukraine ảnh 2

Nền kinh tế Nga quan trọng đối với phần còn lại của thế giới vì có nguồn năng lượng khổng lồ. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, đà tăng giá phi mã khiến nhiên liệu trên khắp thế giới trở nên đắt đỏ hơn, chi phí đi lại và di chuyển tăng cao. Điều này cũng có thể làm gia tăng lạm phát và cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Chi phí leo thang làm dấy lên lo ngại về tình trạng lạm phát đình trệ, tức tăng trưởng lao dốc trong khi lạm phát tăng cao. Điều đó gây khó cho các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng cũng đang đè nặng lên các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã lao đao. Ukraine và Nga cung cấp khoảng 14% sản lượng lúa mì toàn cầu và 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu. Giá lúa mì tương lai đã tăng vọt.

Theo ông Jim Sutter, Giám đốc điều hành của Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ, giá đậu nành cũng tăng vọt do các thương nhân lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt dầu hướng dương Ukraine có thể thúc đẩy nhu cầu đối với những loại dầu thực vật khác.

Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Theo Oxford Economics, nếu giao tranh ở Ukraine kéo dài đến năm 2023, Nga cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên của châu Âu trong 6 tháng nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt bổ sung, lạm phát của khu vực đồng EUR sẽ đạt đỉnh hơn 7% trong quý III/2022. Trong khi đó, lạm phát ở Anh sẽ vượt quá 10%.

Nga hứng chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Theo kịch bản mà Oxford Economics đưa ra, sản lượng kinh tế của Nga vào năm 2023 sẽ thấp hơn 7% so với mức mà nền kinh tế có thể đạt được nếu không có xung đột.

Theo công ty nghiên cứu, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm 1,1 điểm phần trăm.

Nguy cơ đình lạm

Goldman Sachs đã nâng dự báo lạm phát cuối năm 2022 của Nga từ 5% lên 17%. Đồng tiền Nga có thể bị bán tháo hơn nữa hoặc Ngân hàng Trung ương Nga buộc phải tăng lãi suất mạnh tay để duy trì sự ổn định.

Ngân hàng Phố Wall cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 2% xuống còn âm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Sự gia tăng của những lệnh trừng phạt từ phía phương Tây, các điều kiện tài chính bị thắt chặt và viễn cảnh khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng sẽ khiến nền kinh tế Nga lao dốc mạnh trong năm nay”, ông Liam Peach - nhà kinh tế tại Capital Economics - cảnh báo.

Capital Economics dự báo GDP của Nga sẽ giảm 5% vào năm 2022, còn lạm phát đạt 15% vào mùa hè này.

Ngành công nghiệp năng lượng của Nga không bị giáng đòn trừng phạt. Nhưng nhiều tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới đang rời khỏi đất nước hoặc ngừng đầu tư mới.

Sự gia tăng của những lệnh trừng phạt từ phía phương Tây, các điều kiện tài chính bị thắt chặt và viễn cảnh khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng sẽ khiến nền kinh tế Nga lao dốc mạnh trong năm nay.

Ông Liam Peach, nhà kinh tế tại Capital Economics

Hôm 1/3, ExxonMobil cam kết từ bỏ dự án dầu khí trị giá hơn 4 tỷ USD ở Nga và sẽ không đầu tư vào dự án nào mới ở quốc gia giàu trữ lượng dầu mỏ này nữa.

Trong tuần này, BP, Shell và Equinor của Na Uy đều tuyên bố dừng hoạt động tại Nga. Shell cũng sẽ ngừng tham gia vào hoạt động của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 chạy ngầm dưới biển Baltic nối giữa Nga với Đức.

Trước đó, Shell đã cam kết cung cấp tài chính lên đến 10% cho chi phí của Nord Stream 2.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực của nền kinh tế tuyên bố dừng hoạt động tại Nga, bao gồm các gã khổng lồ công nghệ, nhà sản xuất ôtô, nhà bán lẻ và hãng hàng không.

Các hãng tàu container đã cắt giảm dịch vụ ở Nga. Những ngân hàng phương Tây cố gắng đo lường khả năng chịu ảnh hưởng bởi hệ thống tài chính đang chao đảo của Nga.

Visa và Mastercard không còn hoạt động ở Nga. Boeing và Airbus cũng sẽ không phục vụ đội bay của Nga.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Reuters: Các công ty Nga tranh nhau mở tài khoản ngân hàng Trung Quốc (04/03/2022)

>   Giới giàu Nga cất giữ 100-300 tỷ USD tại Thụy Sỹ (04/03/2022)

>   Palladi lên cao nhất trong hơn 7 tháng, vàng tiếp tục tăng (04/03/2022)

>   Dầu lên cao nhất kể từ năm 2008 trước khi đảo chiều giảm (04/03/2022)

>   Vàng thế giới lùi bước khi lợi suất trái phiếu tăng (03/03/2022)

>   Liên minh châu Âu công bố 7 ngân hàng của Nga bị loại khỏi SWIFT (03/03/2022)

>   WB và IMF cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine (02/03/2022)

>   Ukraine xin xoá nợ 57 tỷ USD do xung đột với Nga (02/03/2022)

>   Vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, palladi vọt lên cao nhất trong 7 tháng (02/03/2022)

>   Dầu WTI có lúc vọt hơn 11% lên 106 USD/thùng (02/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật