Xung đột Nga-Ukraine “tiếp lửa” cho giá dầu
Căng thẳng địa chính trị ở biên giới giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu vốn dĩ đã cao lên mức cao hơn trong thời gian gần đây, khiến áp lực lạm phát càng thêm nóng...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
|
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York cùng đạt mức cao nhất 7 năm trong phiên đầu tuần trước, vượt mốc 95 USD/thùng, rồi giảm trở lại và giằng co trong những phiên còn lại của tuần. Kết thúc phiên ngày 18/2, giá dầu Brent đạt 93,54 USD/thùng, tăng 0,9% trong tuần, hoàn tất tuần tăng thứ 9 liên tiếp; giá dầu WTI dừng ở 91,97 USD/thùng, giảm 1,7% cả tuần, gián đoạn chuỗi 8 tuần tăng trước đó.
NGUY CƠ GIÁN ĐOẠN DÒNG CHẢY NĂNG LƯỢNG TỪ NGA
Nga là một mắt xích đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, nên xung đột giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine đặt ra mối lo lớn về nguy cơ gián đoạn dòng chảy năng lượng từ nước này. Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Ngoài ra, Nga còn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của các nước trong khối này.
Mỹ và các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt giáng lên Nga trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Thị trường năng lượng lo sợ rằng sự trừng phạt đó sẽ khiến Nga khó duy trì việc xuất khẩu dầu thô và khí đốt, dẫn tới một sự gián đoạn nguồn cung lớn. Một rủi ro khác là Nga có thể sử dụng năng lượng làm “vũ khí” trả đũa phương Tây, dù Moscow đến nay vẫn phủ nhận một toan tính như vậy.
Yêu cầu lớn nhất của Nga là Ukraine không gia nhập NATO và phương Tây phải đảm bảo rằng Kiev sẽ không bao giờ trở thành một thành viên NATO. Tuy nhiên, yêu cầu đó của Nga đến nay chưa được đáp ứng. Trong bối cảnh như vậy, cuộc đối đầu có những dấu hiệu leo thang mới trong ngày thứ Sáu vừa rồi. Tờ Wall Street Journal đưa tin giới chức Mỹ nói Nga hiện đang tập trung khoảng 150.000 quân gần Ukraine và dự báo Nga sẽ mở một cuộc tấn công nhằm vào nước láng giềng chỉ trong vài ngày tới đây. Cùng với đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ đưa thêm lực lượng của Mỹ tới gần Ukraine.
Nhiều nhà phân tích đã dự báo giá dầu sẽ ngay lập tức vượt 100 USD/thùng, thậm chí lên 120 USD/thùng nếu lực lượng Nga tấn công Ukraine.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia kỳ cựu David Roche cho rằng “chắc chắn” sẽ đạt mức 120 USD/thùng và nền kinh tế toàn cầu sẽ “thay đổi một cách căn bản” nếu quân Nga tiến vào Ukraine. “Tôi cho rằng nếu Nga tấn công Ukraine và tiếp đó là các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt áp lên Nga, khiến nước này không thể xuất khẩu được hàng hoá cơ bản, gồm cả dầu khí và than. Khi đó, tôi tin chắc giá dầu sẽ lên 120 USD/thùng”, ông Roche nói.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London 3 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
|
Chiến lược gia Natasha Kaneva của JPMorgan Chase cũng cho rằng một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine sẽ đẩy giá dầu vọt lên 120 USD/thùng. “Bất kỳ sự gián đoạn nào của dòng dầu từ Nga trong bối cảnh công suất dự trữ của các nước sản xuất dầu lớn đang ở mức thấp như hiện nay cũng có thể dễ dàng đưa giá dầu lên 120 USD/thùng”, bà Kaneva nhận định trong một báo cáo.
Theo bà Kaneva, nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm một nửa, giá dầu Brent có thể lên 150 USD/thùng. Kỷ lục mọi thời đại của giá dầu được thiết lập vào tháng 7/2008, khi giá dầu Brent đạt 147,5 USD/thùng.
NHIỀU YẾU TỐ KHÁC TÁC ĐỘNG TĂNG GIÁ DẦU
Trò chuyện với kênh Fox Business, CEO Dan Eberhart Công ty dịch vụ khoan dầu khí Canary, cho rằng chưa cần đến một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine thì giá dầu cũng có thể vượt 100 USD/thùng trước mùa hè năm nay xét đến tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay. “Tôi sẽ sốc nếu giá dầu không vượt mốc 100 USD/thùng trước khi bắt đầu mùa lái xe cao điểm trong mùa hè”, ông Eberhart nói và cho rằng “các yếu tố nền tảng hiện nay cho thấy mức giá dầu 85 USD/thùng hoặc 90 USD/thùng chỉ là ngưỡng sàn thay vì ngưỡng trần”.
Những yếu tố nền tảng mà ông Eberhart nói đến là nguồn cung dầu hiện nay không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong lúc nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi từ đại dịch Covid-19. Khi đại dịch mới xảy ra, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, thường gọi là nhóm OPEC+, đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Khi kinh tế thế giới phục hồi nhanh trong năm 2021, OPEC+ bắt đầu nới sản lượng, nhưng việc nâng sản lượng trở lại hoá ra không dễ như việc cắt giảm. Dù OPEC+ đang theo đuổi kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng, nhưng mức khai thác trên thực tế không đạt mục tiêu đề ra.
Báo cáo hàng tháng công bố hôm 8/2 của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt bình quân 100,6 triệu thùng/ngày trong năm 2022, tăng 3,5 triệu thùng/ngày so với năm 2021, và cao hơn mức 100,3 triệu thùng/ngày của năm 2019 – năm trước đại dịch. Tổng sản lượng dầu của thế giới được EIA dự báo đạt 101,4 triệu thùng/ngày, tăng 5,9 triệu thùng/ngày so với năm 2021. Như vậy, dự báo sản lượng dầu 2022 mà EIA đưa ra chỉ cao hơn 0,8 triệu thùng/ngày so với nhu cầu. Rủi ro thiếu cung dầu là rất lớn nếu OPEC+ không đạt được mục tiêu sản lượng hoặc xảy ra một sự gián đoạn nguồn cung ở đâu đó, đặc biệt là ở Nga.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, giá dầu Brent đã tăng 48% và giá dầu WTI tăng 53%. Giá nhiên liệu leo thang đang khiến áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia, nhất là Mỹ. Tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 7,5%, mức tăng mạnh nhất 40 năm.
Chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM nhận định rằng nếu giá dầu tăng thêm khoảng 20% từ mức hiện nay, lên khoảng 110 USD/thùng, thì CPI của Mỹ sẽ tăng thêm 2,8 điểm phần trăm trong 12 tháng tới, đưa lạm phát vượt ngưỡng 10%.
An Huy
VnEconomy
|