Xử phạt nhiều doanh nghiệp xăng dầu đóng cửa không phép
Ngày 16/2, Sở Công Thương Hậu Giang có báo cáo gửi Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hậu Giang về công tác quản lý nhà nước đối với các cửa hàng xăng dầu (CHXD) và tình hình cung cấp xăng dầu vào địa bàn tỉnh của các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu.
Theo Sở Công Thương Hậu Giang, thời gian qua, số lượng CHXD trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm. Đến nay đã có tổng số 233 CHXD và 32 thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu đang cung cấp xăng dầu vào địa bàn tỉnh.
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành theo quyết định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tổng kiểm tra 43 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu (KDXD).
Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 5 DN, tổng số tiền thu, phạt là hơn 281 triệu đồng. Lực lượng chức năng cũng lấy 16 mẫu xăng để kiểm tra chất lượng hàng hóa, kết quả có 15 mẫu đạt chất lượng, 1 mẫu không đạt chất lượng...
Từ ngày 1/2 đến ngày 4/2 (nhằm mùng 1 đến mùng 4 Tết Nguyên đán) và các ngày 9, 10 và 11/2, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục QLTT, Công an tỉnh… tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về KDXD.
Theo đó, đã khảo sát 233 lượt cửa hàng, kiểm tra đối với 67 cửa hàng KDXD trên địa bàn tỉnh. Đa số các DN thực hiện tốt quy định của pháp luật về KDXD; cửa hàng có niêm yết giá và bán đúng giá quy định; thực hiện đúng quy định về thời gian bán hàng; không phát hiện buôn bán hàng giả, kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Tuy nhiên, qua kiểm tra có 6 cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh, trong đó có 1 cửa hàng có văn bản gửi và được Sở Công Thương chấp thuận; 5 cửa hàng hết xăng dầu, hoặc hết xăng còn dầu do sức mua tăng đột biến và nguồn cung xăng dầu chưa về kịp.
Đoàn kiểm tra đã lập 5 biên bản, trong đó 4 cửa hàng đóng cửa ngừng kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương và không có lý do chính đáng, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ DN mở cửa bán xăng dầu phục vụ nhân dân theo đúng thời gian đã đăng ký.
Có 1 cửa hàng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ xăng dầu đang kinh doanh. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản niêm phong 6 bồn chứa gồm 3.700 lít xăng, 3.700 lít dầu, đang hoàn chỉnh hồ sơ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay hầu hết các cửa hàng xăng dầu đã mở cửa bán trở lại, tuy nhiên nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân phân phối còn hạn chế.
Một cửa hàng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ xăng dầu đang kinh doanh tại Hậu Giang.
|
Theo Sở Công Thương Hậu Giang, thời gian gần đây, nguồn cung xăng dầu đối với các cửa hàng bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại cũng như tình hình hoạt động của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp.
Nguồn cung xăng dầu có thời điểm khan hiếm, thiếu hụt, dẫn đến gián đoạn nguồn cung trong hệ thống KDXD, một phần là do các DN đầu mối xăng dầu không chủ động được nguồn cung để bán cho thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ.
Ngoài ra, chiết khấu xăng dầu khi cung cấp đến các cửa hàng bán lẻ hiện tại quá thấp (đang âm, lỗ), do phải chi trả các chi phí về vận chuyển từ kho về CHXD, thuế, công lao động, máy móc thiết bị....
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, hạn chế tình trạng gián đoạn nguồn cung…, Sở Công Thương Hậu Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu. Đồng thời, chỉ đạo thương nhân đầu mối KDXD, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu để đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng...
Đối với 3 thương nhân phân phối (Công ty CP Thương mại hóa dầu Ressol; Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng; Công ty TNHH Phúc Lâm Petro Tây Đô) đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống, đã đề nghị tạm đóng cửa một số CHXD trực thuộc và tạm ngưng cung cấp hàng cho các CHXD, Sở Công Thương Hậu Giang không chấp nhận và đã có văn bản phúc đáp.
Sở Công Thương Hậu Giang đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu khác hỗ trợ, chia sẻ nguồn xăng dầu để các DN này vượt qua khó khăn, nhằm ổn định tình hình thị trường và ổn định tâm lý tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh…
|
Cảnh Kỳ
Tiền phong
|