Thứ Năm, 24/02/2022 19:40

Vì sao giá vàng miếng dễ dàng vượt mốc 67 triệu đồng/lượng?

Trong khi giá vàng thế giới vượt mốc 1.970 USD/ounce, giá vàng miếng tại một số doanh nghiệp trong nước đã lên trên 67 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.

Thị trường tài chính thế giới đang phản ứng rất mạnh trước những cẳng thẳng địa chính trị khu vực Đông Âu giữa Nga và Ukraine. Trong đó, giá vàng đã ghi nhận xu hướng tăng dựng đứng sau khi Tổng thống Vladimir Putin thực hiện các hành động quân sự tại 2 khu vực ly khai thuộc miền Đông Ukraine.

Trên thị trường, giá vàng thế giới hiện phổ biến giao dịch ở mức 1.970 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 8/2020. Hiện tại, giá mặt hàng này chỉ còn cách đỉnh lịch sử 2.063 USD hồi tháng 8/2020 chưa tới 100 USD.

Với diễn biến hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng sẽ không bất ngờ nếu giá vàng phá đỉnh lịch sử này trong ngắn hạn.

Vượt mốc 67 triệu đồng/lượng

Trước diễn biến tăng mạnh của thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng dựng đứng trong hôm nay, hiện một số doanh nghiệp đã niêm yết giá bán ra vàng miếng vượt mốc 67 triệu/lượng.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cuối giờ chiều nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 64,95 - 65,65 triệu/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối ngày hôm qua, giá tại đây đã tăng lần lượt 1,65 triệu (mua) và 1,75 triệu đồng (bán).

Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng khác đã đồng loạt đưa giá bán vàng miếng lên mốc 67 triệu đồng.

Đến 18h, giá giao dịch vàng miếng tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận ở mức 65 triệu/lượng (mua), tăng 1,5 triệu so với buổi sáng và cao hơn 1,9 triệu đồng so với hôm qua. Trong khi đó, giá bán đã được doanh nghiệp này tăng lên mức 66,9 triệu/lượng, cao hơn 2,8 triệu đồng so với buổi sáng và 3,2 triệu đồng so với ngày 23/2.

Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng miếng sáng nay được mua vào ở 63,15 triệu/lượng, nhưng hiện tại đã đạt mức 65,2 triệu đồng, tăng tương ứng 2,05 triệu chỉ trong một ngày. Giá bán ra hiện được doanh nghiệp niêm yết ở mức 67,5 triệu/lượng, cao hơn 3,5 triệu đồng so với buổi sáng. Tính riêng tuần này, giá vàng miếng tại DOJI đã tăng tới 4,1 triệu đồng.

Tương tự, giá vàng miếng bán ra tại cả Bảo Tín Minh Châu; Tập đoàn Phú Quý; Vàng Mi Hồng… hiện đều đạt trên mức 67 triệu/lượng.

Đại diện một số doanh nghiệp vàng cho biết doanh số vàng miếng đã ghi nhận xu hướng tăng từ đầu năm, nhưng chưa ghi nhận giao dịch cao đột biến.

Hiện tại, giá vàng miếng trong nước có diễn biến tăng mạnh ngoài yếu tố tác động từ vàng thế giới còn đến từ việc nguồn cung hạn chế của loại vàng này. Đại diện một doanh nghiệp vàng tại TP.HCM cho biết dù giá vàng đã tăng cao kỷ lục nhưng số lượng người bán ra rất hạn chế.

Giá vàng sẽ còn tăng cao

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng SJC Phú Thọ, cho biết diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới gần đây đến hoàn toàn từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Với diễn biến hiện nay, ông cũng cho rằng vàng thế giới sẽ còn tăng mạnh và duy trì ở mức cao, ít nhất trong tuần này, khi căng thẳng giữa các bên chưa được giải quyết.

Trong ngắn hạn, ông Hải nhận định giá vàng sẽ phụ thuộc vào hành động của Mỹ và các nước phương Tây.

“Nếu Mỹ có các biện pháp can dự mạnh tay hơn, bao gồm cả quân sự, vào khu vực này, giá vàng chắc chắn còn tăng cao hơn. Việc giá kim quý phá vỡ đỉnh 2.063 USD/ounce ghi nhận hồi tháng 8/2020 cũng có thể xảy ra”, ông Hải nhấn mạnh.

Giá vàng trong nước hôm nay. ảnh 1

Giá vàng miếng đã vượt mốc 67 triệu đồng/lượng tại nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Chí Hùng.

Tại thị trường trong nước, hồi tháng 8/2020, khi giá vàng thế giới chạm mốc 2.063 USD, giá vàng miếng mới đạt trên 62 triệu/lượng. Tuy nhiên, lần này, khi vàng thế giới chưa chạm mốc 2.000 USD, giá trong nước đã tăng dựng đứng.

Ông Hải cho rằng có 2 yếu tố gây ra tình trạng này là tỷ giá USD/VNĐ hiện tại cao hơn tháng 8/2020 và chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới bị nới rộng.

Từ cuối năm 2021, giá vàng miếng trong nước luôn cao hơn thế giới trên 10 triệu/lượng. Vị chuyên gia cho rằng đây là con số chênh lệch quá lớn, xuất phát từ việc giá vàng miếng SJC đã thoát ly khỏi diễn biến thế giới sau đợt tăng năm 2020.

“Vàng miếng là sản phẩm thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, Nhà nước độc quyền sản xuất khiến các doanh nghiệp không tự chủ được nguồn cung. Các đơn vị kinh doanh vàng buộc phải mua được thì mới bán được, từ đó tạo ra hiệu ứng khan hiếm với vàng miếng”, ông Hải nhấn định.

Theo vị này, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao như hiện nay, giá vàng trong nước sẽ còn vượt các mốc giá cao hơn.

Trong xu hướng này, ông Hải cho rằng những nhà đầu tư không chuyên không nên tham gia thị trường vì sẽ chịu rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế, có thể lướt sóng ngắn hạn với giá vàng thời điểm này.

Quang Thắng

ZING

Các tin tức khác

>   Website công ty vàng SJC quá tải, vàng ‘bung nóc’ lên 65 triệu đồng/lượng (24/02/2022)

>   Vàng thế giới tăng vọt 35 USD khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang (24/02/2022)

>   Giá vàng ngày 24.2.2022: Nhảy vọt sau một đêm, lập kỷ lục 64,25 triệu đồng/lượng (24/02/2022)

>   Vàng thế giới vững vàng trên mốc 1,900 USD/oz (24/02/2022)

>   Ngân hàng Thụy Sỹ bi quan về triển vọng giá vàng năm nay (23/02/2022)

>   Giá vàng ngày 23/2: Vàng SJC tiếp tục tăng, tiến sát đến mức 64 triệu đồng/lượng (23/02/2022)

>   Vàng thế giới dao động gần mốc 1,900 USD/oz (23/02/2022)

>   Nếu Nga bị trừng phạt, nguồn cung hàng hóa nào sẽ bị tác động? (22/02/2022)

>   Các quy luật về thị trường vàng bị lung lay bởi khủng hoảng COVID-19 (22/02/2022)

>   Giá vàng ngày 22/2: SJC tăng mạnh lên mốc 63.53 triệu đồng/lượng (22/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật