Rào cản nào đang kìm chân thị trường?
Tăng đến 19 điểm, tương đương 1,3% ngay phiên mở màn ngày 7-2-2022 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, rồi tiếp tục duy trì đà đi lên hai phiên sau đó đưa chỉ số VN-Index sớm lấy lại mốc 1.500 điểm. Những tưởng thị trường đã chính thức thiết lập sóng tăng mới sau Tết với tâm lý lạc quan lan tỏa, nhưng rồi những tin tức tiêu cực các ngày sau đó đã đẩy thị trường điều chỉnh trở lại, mà phiên giảm gần 30 điểm, tương đương gần 2% đầu tuần này (14-2) đã nói lên tất cả.
Nhóm cổ phiếu Vingroup lao dốc bất ngờ đà kìm hãm mức tăng của thị trường. Ảnh: H.P
|
Đà tăng ngắn ngủi
Như kỳ vọng của nhiều người, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bật tăng mạnh mẽ ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, với dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh tốt như thép, ngân hàng, chứng khoán, cũng như nhóm dầu vốn được hưởng lợi từ diễn biến giá dầu thế giới bật tăng mạnh trong giai đoạn Việt Nam nghỉ Tết.
Sự phục hồi của nhóm cổ phiếu cơ bản vốn hóa lớn cũng đã giúp chỉ số VN-Index nhanh chóng lấy lại mốc 1.500 điểm và có lúc đạt mức cao nhất ở 1.512 điểm, cũng là vùng cao nhất kể từ ngày 13-1-2022. Tuy nhiên, điểm trừ là khối lượng giao dịch vẫn ở mức trung bình thấp, cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng quan sát, cộng thêm đà lao dốc bất ngờ của nhóm cổ phiếu họ Vingroup đã kìm hãm mức tăng của thị trường.
Thống kê cho thấy tính từ phiên ngày 7-2 đến ngày 14-2, liên quan nhóm cổ phiếu họ Vingroup, riêng cổ phiếu VIC đã góp đến 14 điểm ở chiều đi xuống của VN-Index, còn VHM góp 2,3 điểm. Trong khi đó, điểm số tăng nhưng đi kèm với khối lượng giao dịch thấp ít khi nào là một tín hiệu tích cực trong giai đoạn phục hồi của thị trường.
Nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến bật tăng lãi suất trong nước cũng như tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine và các nước phương Tây, bên cạnh chờ xem liệu cuộc họp của Fed vào tháng 3 tới có gây bất ngờ cho nhà đầu tư.
|
Hệ quả là sau khi tăng ba phiên liên tiếp với đà tăng ngày càng yếu dần, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh giảm trở lại trong hai phiên cuối tuần trước, trong bối cảnh các nhà đầu tư dường như vẫn đang ưa chuộng chiến thuật lướt sóng ngắn hạn trước những lo ngại về tình hình quốc tế đang khó lường như hiện nay.
Sự lo lắng của nhà đầu tư đã thể hiện rõ hơn ngay trong phiên mở đầu tuần này, với VN-Index lao dốc gần 30 điểm, khi có đến 18 trong số 25 nhóm ngành đóng cửa trong sắc đỏ. Đáng kể nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với mức giảm hơn 5%, kế đến là chứng khoán giảm gần 4%. Trong 10 cổ phiếu đóng góp vào mức giảm nhiều nhất của VN-Index cũng có đến chín cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu còn lại là VHM.
Lo ngại vì đâu?
Tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine và các nước phương Tây ngày càng ảnh hưởng xấu lên tâm lý nhà đầu tư khắp nơi và kéo thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục lao dốc. Trước những cảnh báo từ phía Mỹ rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, cộng thêm việc các nước liên tục rút các nhân viên ngoại giao và kêu gọi công dân nước mình rời khỏi Ukraine sớm nhất có thể, viễn cảnh xung đột quân sự cận kề đã và đang khiến các thị trường tài chính thêm hoảng loạn.
Ngoài căng thẳng địa chính trị gia tăng, giới đầu tư còn đứng trước nỗi lo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất nhanh hơn so với dự báo, trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng ảnh hưởng xấu lên thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã tăng đến 7,5% trong tháng 1-2022, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Đà tăng của giá diễn ra trên diện rộng, không còn chỉ ở nhóm thực phẩm và năng lượng mà bao gồm cả nội thất và bảo hiểm sức khỏe. Đáng lưu ý là theo giới phân tích, trong trường hợp chiến sự giữa Nga và Ukraine xảy ra, sẽ khiến lạm phát trên toàn cầu đã nóng càng thêm nóng.
Trước tình hình này, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs dự báo Fed sẽ nâng lãi suất bảy lần trong năm nay và mỗi lần sẽ nâng 25 điểm cơ bản. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tại Bank of America cũng dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất tổng cộng bảy lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Sang năm 2023, ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này sẽ nâng lãi suất thêm bốn lần nữa.
Theo đó, cuộc họp của Fed vào tháng 3 tới gần như chắc chắn sẽ chứng kiến cơ quan này lần đầu tiên tăng lãi suất trở lại trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên, trái với mức tăng 25 điểm cơ bản dự kiến trước đó, một số chuyên gia phân tích tin rằng Fed có thể tăng đến 50 điểm cơ bản ngay trong lần họp này vì lạm phát đang ở mức quá cao. Mới đây, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis James Bullard cũng cho biết ông ủng hộ Fed nâng lãi suất 1 điểm phần trăm trước tháng 7-2022 để đối phó với lạm phát.
Dự báo Fed tăng lãi suất quá nhanh và nhiều lần hơn rõ ràng đang gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư và đè nặng lên các thị trường chứng khoán, vốn trước đó đều tin rằng lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của cơ quan này sẽ diễn ra từ từ và đều đặn nên sẽ không tác động quá xấu đến thị trường. Tuy nhiên, tình hình hiện nay dường như không còn ủng hộ kịch bản này.
Trong khi đó, rủi ro lạm phát trong nước gia tăng càng khiến nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn với các kênh đầu tư vốn nhạy cảm với rủi ro như chứng khoán. Ngoài ảnh hưởng từ giá dầu quốc tế leo thang mà được dự báo sẽ sớm vượt mốc 100 đô la Mỹ/thùng trong thời gian tới đối với dầu WTI của Mỹ, thị trường trong nước những tuần gần đây còn đối mặt với nguy cơ thiếu hụt xăng dầu khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm công suất từ cuối năm 2021 và có nguy cơ tạm dừng hoạt động.
Với việc xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ hiện nay, nếu tình trạng thiếu hụt xăng dầu xảy ra và giá mặt hàng này leo cao, các sản phẩm, hàng hóa khác cũng sẽ chịu áp lực tăng giá, theo đó lạm phát cũng đứng trước thách thức tăng nhanh trở lại.
Mới đây nhất Ngân hàng HSBC đã tăng nhẹ mức dự báo lạm phát bình quân năm 2022 của Việt Nam từ 2,7% lên 3% dù vẫn khẳng định rủi ro không đáng kể. Ngân hàng này cũng cho biết, trên thực tế, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu lạm phát tháng 1 lên 1,94 % so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù vậy, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do nhu cầu còn chưa tăng.
Lạm phát tăng sẽ tác động lên xu hướng lãi suất và thị trường chứng khoán chưa bao giờ ưa thích viễn cảnh lãi suất đi lên trở lại. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thời gian gần đây liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi để giữ vững thị phần và đảm bảo nguồn vốn đáp ứng cho hoạt động tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ đầu năm.
Và có lẽ việc lãi suất bất ngờ tăng mạnh trở lại thời gian qua cũng đã ảnh hưởng xấu lên nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi các nhà đầu tư cho rằng ngành này khó có thể tiếp tục hưởng lợi như trong hai năm vừa qua khi nền kinh tế phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Với định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm nay, trong khi lãi suất tiền gửi đầu vào đang tăng trở lại, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng bất ngờ tăng vọt gần đây, càng tạo áp lực tăng chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng, do đó biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ càng đối mặt với thách thức tiếp tục thu hẹp.
Dù vậy, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi xem diễn biến bật tăng lãi suất trong nước sẽ chỉ mang tính nhất thời hay tiếp tục leo thang trong thời gian tới, cũng như tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine và các nước phương Tây có sớm tìm được giải pháp hay một thỏa thuận dung hòa lợi ích từ hai phía, bên cạnh chờ xem liệu cuộc họp của Fed vào tháng 3 tới có gây bất ngờ cho nhà đầu tư.
Triêu Dương
TBKTSG
|