Nhìn xa hơn 'sự cố' Nghi Sơn
Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP), nơi đảm bảo 30-35% nguồn cung xăng dầu trong nước, chỉ cắt giảm sản lượng 20% thì thị trường xăng dầu trong nước, nhất là khu vực miền Nam, đã lao đao từ tháng 1 đến nay. Tuy nhiên, hệ lụy của việc này không dừng ở việc thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương.
Hệ lụy đầu tiên mà ai cũng nhìn thấy là NSRP đã gây sức ép thành công để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Chính phủ phải thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính cho dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, hay nói khác đi là bù lỗ cho dự án.
Đến ngày 28-1, PVN – một trong bốn bên liên doanh tại NSRP, đồng thời cũng là nơi thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết bao tiêu (2017-2027), bù lỗ (nếu có) cho dự án này, đã thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn cho NSRP thông qua gia hạn cơ chế RPA và thanh toán sớm (Early Payment) hợp đồng FPOA để giúp NSRP cải thiện dòng tiền, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc dự án.
Việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho dự án được ký kết từ nhiều năm nay, không tính đến quy luật của thị trường và khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước, đã gây ra những hệ lụy không ít trên thị trường xăng dầu trong vòng 3 năm kể từ khi NSRP đi vào vận hành đến nay.
Trong những văn bản mà PVN báo cáo lên Chính phủ và Bộ Công Thương từ năm 2018 thì việc bao tiêu sản phẩm đối với NSRP luôn có tính rủi ro cao nhưng PVN vẫn phải thực hiện theo cam kết Chính phủ đã ký (ước tính bù lỗ theo tính toán của PVN là từ 1,5 tỉ đến 2 tỉ đô la Mỹ trong thời gian bao tiêu).
Hệ lụy thứ hai là từ việc cắt giảm công suất tại NSRP, nhiều địa phương ở miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, nhất là tại các vùng mà các kênh phân phối lớn như Petrolimex hay PV Oil chưa vươn tới. Tại các cây xăng tư nhân, bất chấp các đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), quản lý thị trường các địa phương, nguồn cung xăng dầu vẫn “đứt” tạm thời, bán ra nhỏ giọt hoặc thậm chí đóng cửa. Khi giá xăng dầu nhập vào tại các đại lý lên cao, nguồn cung hụt mà giá bán lẻ bị khống chế thì bán được càng nhiều, cây xăng càng lỗ, do đó các cây xăng hạn chế bán ra.
Như vậy, hệ lụy của việc giảm nguồn cung tại Nghi Sơn kéo theo hệ lụy tâm lý dè chừng trên thị trường xăng dầu để nghe ngóng tình hình, cho dù tại các địa phương miền Bắc và miền Trung, việc thiếu xăng dầu không xảy ra.
Nguồn tin tại Petrolimex, đơn vị đảm nhiệm nguồn cung xăng dầu 40-45% thị phần bán lẻ trong nước, cho biết Petrolimex đảm bảo nguồn hàng cho các đại lý lớn, đầu mối ổn định, các đơn vị nhượng quyền… Nếu còn, mới phân phối cho các đơn vị “vãng lai”. Tuy nhiên, Petrolimex – doanh nghiệp “công cụ bình ổn” của Nhà nước – không thể vươn dài được đến Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang thiếu nguồn cung bán lẻ.
Hệ lụy thứ ba là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải “chạy” theo Nghi Sơn để bù đắp phần thiếu hụt, ảnh hưởng đến phương án sản xuất kinh doanh, tài chính. Như Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn phải tăng nhập khẩu, vận hành hơn 100% công suất để “cứu” phần thiếu của Nghi Sơn.
Còn các bên nhập khẩu cũng phải chạy hết công suất. Vẫn tin từ Petrolimex cho biết, từ ngày 31-1 đến 6-2-2022, Cảng dầu B12 (Quảng Ninh) đã tổ chức tiếp nhận 6 chuyến tàu cập cầu cảng. Các loại mặt hàng xăng dầu gồm 13.500 m3 xăng Ron 92-II; 13.300 m3 xăng Ron 95-III; 42.700 m3 dầu diesel 0,05S-II; 19.900 m3 dầu diesel 0,001S-V và 16.900 m3 dầu mazut đã được nhập về để bổ sung nguồn cung, cũng là “cứu” cho phần thiếu hụt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận: “Chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của NSRP thì chắc chắn có tác động đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân và doanh nghiệp”.
Chưa hết, trong lĩnh vực tài chính, số thu thuế của NSRP chiếm 76% nguồn thu ngân sách từ thuế cho tỉnh Thanh Hóa, nơi doanh nghiệp đặt dự án. Nên NSRP gặp vấn đề, cả tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng của năm 2021, Cục Hải quan Thanh Hóa có số thu đạt 5.556 tỉ đồng, trong đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm hơn 76%. Nguồn thu tại Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chiếm tới 76,63%.
Đại diện của Cục Hải quan Thanh Hóa cho biết hồi đầu năm 2021 hoạt động của đơn vị gặp nhiều khó khăn khách quan do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Chỉ tiêu thu ngân sách phụ thuộc phần lớn vào lượng dầu thô nhập khẩu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Nhìn từ những hệ lụy do thiếu hụt một phần nguồn cung tại NSRP, có ý kiến cho rằng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các địa phương cần tính kỹ hơn phương án cùng tái cấu trúc NSRP để giảm dần hệ lụy dây chuyền, giảm dần sự phụ thuộc vào/ra của NSRP đối với ngân sách trung ương và địa phương.
NSRP là Công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4 năm 2008, gồm các chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Cô-oét châu Âu (KPE), Công ty Idemitsu (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui (MCI), để phát triển, xây dựng và vận hành Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Với tổng giá trị đầu tư lên tới hơn 9 tỉ đô la Mỹ và công suất chế biến là 200 nghìn thùng dầu thô được nhập khẩu từ Cô-oét một ngày (tương đương 10 triệu tấn dầu thô một năm), Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là một trong những dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí tại Việt Nam.
Lan Nhi
TBKTSG
|