Mỹ, Trung Quốc vẫn là thị trường chính hàng Việt
Khép lại năm 2021 nhiều biến động, xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam vẫn mang về kết quả đáng ghi nhận. Mỹ và Trung Quốc hiện là 2 thị trường XK lớn nhất của hàng Việt. Tuy nhiên, một số phân tích đang chỉ ra những yếu tố đáng lo ngại với 2 thị trường này. Liệu Mỹ và Trung Quốc có giữ vững vị thế số 1 và 2 với hàng hóa XK Việt Nam?
Mỹ: cầu thị trường rất lớn
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021 XK của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với 2020. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch cả nước.
Năm 2021 có tới 13 nhóm hàng XK sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD. Tiêu biểu như gỗ và các sản phẩm gỗ, năm 2021 ngành này mang về gần 14,8 tỷ USD, riêng thị trường Mỹ chiếm gần 9 tỷ USD, tăng 24,6% so với 2020, chiếm 59,4% tổng trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Mỹ là thị trường lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam.
|
Việt Nam đang là đối tác cung ứng lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng giá trị nhập khẩu (NK) đồ gỗ nội thất của Mỹ. Cùng với đó, rất nhiều nhóm ngành XK chủ lực của Việt Nam có thị phần lớn ở thị trường Mỹ.
Như với ngành da giày Mỹ vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam. Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, bình quân 1 người Mỹ tiêu thụ khoảng 6 đôi giày dép/năm, trong đó 1,3 đôi giày dép xuất xứ từ Việt Nam.
Trong những năm qua, XK mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam sang Mỹ chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch XK toàn ngành. Hay như với thủy sản Mỹ cũng là thị trường lớn nhất. Năm 2021 ngành thủy sản về đích với kim ngạch 8,89 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 23,1% tổng kim ngạch XK thủy sản cả nước, đạt trên 2,05 tỷ USD tăng 26,2% so với 2020.
Bước qua tháng đầu tiên của năm 2022, Mỹ vẫn giữ vị thế là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 9 tỷ USD. Tuy nhiên, câu hỏi đang được quân tâm là năm 2022 có lực cản nào với hàng Việt khi vào Mỹ?
Trong báo cáo “Nhìn về phía trước - 2021”, VinaCapital đã thảo luận về nhu cầu đối với mặt hàng “dùng khi ở nhà” như tivi, laptop và đồ nội thất của người tiêu dùng Mỹ, động lực giúp hỗ trợ các ngành sản xuất ở Việt Nam năm 2021.
Theo quỹ này, rất ít khả năng Mỹ sẽ lần nữa áp đặt các lệnh phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt trong năm nay, và người tiêu dùng Mỹ đã mua sẵn lượng lớn các loại hàng hóa “dùng khi ở nhà” trong năm 2021. Vì vậy, không quá bất ngờ khi nhu cầu mua thêm các mặt hàng đắt tiền như tivi, máy tính… của họ gần đây đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Nhu cầu giảm liệu có ảnh hưởng đến các ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam? Chia sẻ với ĐTTC, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, cho rằng nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn rất lớn, các ngành hàng XK của Việt Nam mới chiếm thị phần rất khiêm tốn ở đây.
Hiện rất nhiều ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam đã có đơn hàng đến hết quý I, quý II, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn nhận đơn hàng tới quý III và phần nhiều đến từ thị trường Mỹ. Các ngành hầu hết đều đặt mục tiêu tăng trưởng XK vào Mỹ.
Đơn cử, gỗ và các sản phẩm gỗ năm nay hướng tới mục tiêu XK 10 tỷ USD vào thị trường Mỹ. “Nếu thị trường không có nhu cầu, người tiêu dùng đã không đặt hàng các nhà sản xuất Việt Nam” - ông Dũng nhận định.
Nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn rất lớn, trong khi thị trường Trung Quốc rất tiềm năng nhưng đầy thách thức. Doanh nghiệp Việt cần nắm rõ thực tế này để có chiến lược XK bền vững vào 2 thị trường này.
|
Trung Quốc: thách thức nhưng tiềm năng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với 2020. Trong đó, XK hàng hóa sang thị trường này đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% và NK xấp xỉ 110 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng tới 30,5% so với 2020.
Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Trung Quốc hiện là thị trường XK lớn của nhiều ngành hàng như điện thoại, linh kiện, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Dù vậy, năm 2021 nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng do chính sách “zero Covid” và nhiều quy định mới của quốc gia này. Liệu trong năm 2022 các ngành hàng XK của Việt Nam sang Trung Quốc có bị lung lay đang là câu hỏi được nhiều sự quan tâm.
Thủy sản là một trong những ngành hàng bị tác động rõ nét khi xuất sang thị trường Trung Quốc trong năm 2021. Hiệp hội XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá việc Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”, thắt chặt kiểm tra để truy vết virus SARS-CoV-2 trên hàng thủy sản NK, đã gây ách tắc giao thương và thông quan hàng vào thị trường này.
Theo thống kê, năm 2021 kim ngạch XK thủy sản sang Trung Quốc chỉ còn 1,1 tỷ USD, giảm 17% so với 2020. Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Đánh giá về những mặt hàng chính XK qua Trung Quốc trong năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhìn nhận Trung Quốc có thể vẫn giữ vị trí là thị trường NK cá tra lớn nhất. Hiện nhiều nhà NK Trung Quốc cho biết nguồn cá tra dự trữ tới mùa hè năm 2022 đã cạn kiệt, nên họ mong chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm tra hàng hóa để tăng cường mua hàng.
Việt Nam hiện vẫn là 1 trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Trung Quốc - Hồng Kông, đặc biệt là nhà cung cấp cá tra đông lạnh “độc quyền” tại Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lợi thế lớn của cá tra Việt Nam.
Một mặt hàng khác cũng bị ảnh hưởng khi XK vào Trung Quốc trong năm qua là rau củ quả. Nếu những năm trước thị phần XK rau quả sang Trung Quốc thường chiếm tới 70% nay chỉ còn hơn 50%, song đây vẫn là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam.
Năm 2021, XK rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020, trong đó XK sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng kim ngạch XK. Năm 2022 chắc chắn vị trí số 1 vẫn thuộc về Trung Quốc.
Đức Mạnh
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|