Một năm đầy “kỷ lục” của doanh nghiệp logistics
Bức tranh kinh doanh chung của nhóm doanh nghiệp ngành logistics trong năm qua là hai gam màu tương phản khi đại dịch gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Theo thống kê của VietstockFinance, trong 27 doanh nghiệp logistics niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021, có 16 doanh nghiệp báo lãi tăng, 7 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ và 2 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi.
Các doanh nghiệp logistics được chia thành 3 nhóm chính là nhóm khai thác cảng, nhóm vận tải và kho bãi và nhóm vận tải đường thủy. Doanh thu thuần của 3 nhóm này đạt gần 47,597 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Lãi ròng tăng 67%, đạt hơn 4,615 tỷ đồng.
Doanh nghiệp hỗ trợ vận tải báo lãi cao kỷ lục
Kết quả kinh doanh của nhóm hỗ trợ vận tải kho bãi trong năm 2021
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Dẫn đầu đà tăng là Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) với lãi ròng gần 446 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2020. Doanh thu thuần của HAH cũng tăng 64%, lên hơn 1,955 tỷ đồng. Đây là những con số doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này chào sàn vào ngày 11/03/2015. EPS (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu) năm 2021 của đơn vị cũng đạt 8,750 đồng, gấp 3 lần năm trước.
Kết quả kinh doanh quý 4 tăng phi mã đã giúp lãi ròng cả năm của Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI) đạt mức cao nhất từ trước đến nay, lên gần 173 tỷ đồng. Theo SFI, nhờ đóng góp của doanh thu tài chính tăng gần 60 tỷ đồng như cổ tức từ công ty liên kết đã nhận, giảm sở hữu VSC trong tình hình thị trường cổ phiếu tăng và các dịch vụ kinh doanh chính cũng tăng góp phần làm cho lợi nhuận quý 4 bứt phá. Kết quả này giúp SFI vượt 11% mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.
Tương tự, Transimex (HOSE: TMS) cũng lập kỷ lục sau hơn 20 năm niêm yết. Theo đó, doanh thu thuần tăng 88% và lãi ròng tăng gấp đôi, lần lượt đạt 6,429 tỷ đồng và 632 tỷ đồng.
Doanh nghiệp vận tải đường thủy ôm kỷ lục buồn
Kết quả kinh doanh của nhóm vận tải đường thủy trong năm 2021
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 khiến Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) phải tạm ngưng nhiều chuyến tàu, giảm số lượng hàng khách. Kết quả là SKG đã phải lần đầu tiên báo lỗ gần 39 tỷ đồng.
Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) ghi nhận lãi ròng năm 2021 giảm 83% so với năm trước, xuống còn hơn 11 tỷ đồng. Đây cũng là con số lợi nhuận thấp nhất từ trước đến nay của VIP.
Một loạt doanh nghiệp khác cùng nhóm cũng báo lãi ròng giảm so với năm 2020 là HTV, PJT, GSP, PVT.
Sự phân hóa ở nhóm khai thác cảng
Kết quả kinh doanh của nhóm khai thác cảng trong năm 2021
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Kết thúc năm 2021, Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) ghi nhận lãi ròng hơn 548 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020. Kết quả này cũng đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết vào 12/08/2015.
Ngược lại, Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (HNX: MAC) là doanh nghiệp báo lỗ trong nhóm khai thác cảng với con số lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng - mức lỗ nặng nhất từ trước đến nay.
Giá cổ phiếu đua nhau lập kỷ lục
Một loạt doanh nghiệp ghi nhận giá cổ phiếu tăng bằng lần trong năm 2021 như VOS, HAH, SFI, TMS và DS3. Đáng chú ý, giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này trong giai đoạn cuối năm 2021 đều giao dịch ở vùng cao nhất so với các năm trước.
Diễn biến giá cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp có mức tăng bằng lần trong 2 năm gần đây
Nguồn: VietstockFinance
|
Đứng đầu danh sách là Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS). Từ mức giá ngang “ly trà đá” hồi đầu năm 2021, giá cổ phiếu VOS đã chuyển biến tích cực và chốt phiên cuối năm tại mốc 19,000 đồng/cp (gấp 8 lần hồi đầu năm). Thanh khoản cũng cải thiện rõ nét so với các năm trước, bình quân gần 2.7 triệu cp/phiên.
Biến động giá cổ phiếu nhóm doanh nghiệp logistics trong năm 2021
Nguồn: VietstockFinance
|
* Điểm tựa nào cho doanh nghiệp logistics trong năm 2022?
Tiên Tiên
FILI
|