Thứ Hai, 28/02/2022 11:15

Đồng Rúp của Nga lao dốc 28% sau động thái cứng rắn từ Mỹ và đồng minh

Đồng nội tệ của Nga lao dốc hơn 28% xuống mức thấp kỷ lục trong ngày 28/02 khi các biện pháp trừng phạt mới từ phía phương Tây gây áp lực lên hệ thống tài chính của nước này.

Đồng Rúp giảm xuống mức gần 118 Rúp đổi 1 USD, theo dữ liệu từ Bloomberg. Cú lao dốc diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có các đơn vị vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu tung ra các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất để ngăn Nga tiếp cận tới hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang gia tăng, Na Uy ngày 27/02 cho biết quỹ quản lý tài sản quốc gia của họ - trị giá 1,300 tỷ USD - sẽ đóng băng khoản đầu tư vào các tài sản của Nga và bắt đầu thoái vốn khỏi quốc gia này. BP, tập đoàn năng lượng của Anh, cũng cho biết sẽ thoái 20% vốn cổ phần tại công ty dầu khí quốc doanh Rosneft của Nga. Đây là khoản đầu tư mà BP đã nắm giữ từ năm 2013.

Đồng Rúp đã bị tác động cực mạnh trong tuần trước, giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine, Mỹ và châu Âu tung biện pháp trừng phạt.

SWIFT được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.

Mỹ và đồng minh vừa tung ra biện pháp trừng phạt mới trong ngày 26/02, nhằm ngăn cản NHTW Nga tiếp tục sử dụng dự trữ quốc tế. Các đồng minh phương Tây cũng nhất trí trừng phạt một số ngân hàng của Nga, ngăn họ tiếp cận tới hệ thống SWIFT – một hệ thống quan trọng cho việc thanh toán toàn cầu.

Sau những thông tin trên, người dân Nga đã xếp hàng dài để rút tiền ra khỏi các máy ATM. Một số ngân hàng thậm chí chỉ chấp nhận đổi USD với tỷ giá cao hơn 1/3 so với mức đóng cửa hôm 25/02. Các chuyên gia kinh tế cho biết NHTW Nga sẽ sớm tăng lãi suất nếu đồng Rúp trượt giá lên 100 đổi 1 USD.

Trong khi đó, NHTW Nga đến nay chưa có cơ chế rõ ràng để ổn định kinh tế lẫn tiền tệ.

Trong tuần trước, NHTW Nga ra tay can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy đồng Rúp. Tuy nhiên, việc phương Tây đưa ra các biện pháp trực tiếp nhắm tới NHTW Nga đã làm giảm quy mô của phương án hỗ trợ này.

“Nói đơn giản, khả năng Nga thực hiện giao dịch với bất kỳ định chế tài chính nào trên toàn cầu đều đã bị ảnh hưởng nặng, vì hầu hết ngân hàng quốc tế đều sử dụng SWIFT”, George Saravelos, Chuyên viên phân tích tại Deutsche Bank, viết trong báo cáo gửi khách hàng.

Saravelos kỳ vọng thị trường tài chính sẽ phản ánh những rủi ro liên quan tới nguồn cung năng lượng, đồng thời làm giảm tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư và có khả năng kéo giảm đồng Euro.

“Thị trường tiền tệ có thể trải qua giai đoạn căng thẳng trong tuần này vì tác động khó lường của các đợt phong tỏa tài sản tới thanh khoản toàn cầu. Theo dự báo, NHTW châu Âu, Fed và các NHTW khác sẽ can thiệp để tạo chốt chặn nếu cần thiết và chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng các NHTW sẽ họp chung và đưa ra tuyên bố chung”, ông nói.

Trong ngày 25/02, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global giảm bậc xếp hạng phát hành nợ của Nga xuống “junk” (rủi ro cao).

Trong ngày 27/02, NHTW Nga ra sức xoa dịu tâm lý thị trường, cho biết họ sẽ cung cấp lượng thanh khoản không giới hạn cho các ngân hàng. “Hệ thống ngân hàng Nga vẫn ổn định và có đủ lượng vốn và thanh khoản để hoạt động trong bất kỳ tình huống nào”, NHTW Nga cho biết.

* Mỹ áp lệnh trừng phạt Tổng thống Putin

* Các lệnh trừng phạt của Mỹ có tác động gì tới Nga?

* Các nhà lãnh đạo EU thông qua gói trừng phạt đối với Nga

* Mỹ, 27 nước EU và G7 cùng trừng phạt Nga

Vũ Hạo (Theo Financial Times)

FILI

Các tin tức khác

>   Đồng USD trở thành “vịnh tránh bão” giữa xung đột Nga-Ukraine (28/02/2022)

>   Người dân Nga đổ xô đi rút tiền, đổi USD (28/02/2022)

>   Tác động khủng khiếp đối với Nga nếu nước này bị loại khỏi SWIFT (27/02/2022)

>   Các nước phương Tây nhất trí đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT (27/02/2022)

>   Phương Tây cân nhắc loại Nga khỏi SWIFT (26/02/2022)

>   Nga có đủ ngoại tệ để làm rối loạn thị trường (26/02/2022)

>   Nga có thể dùng tiền mã hóa để chống lệnh trừng phạt (25/02/2022)

>   Dầu Brent không giữ được mốc 100 USD (25/02/2022)

>   Chứng khoán Đức giảm 5%, Dow Jones tương lai sụt 800 điểm vì xung đột Nga-Ukraine (24/02/2022)

>   Đồng Rúp của Nga giảm 10% so với USD vì xung đột Nga-Ukraine (24/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật