Đón được “gió đông”, doanh nghiệp dầu khí có năm kinh doanh phát đạt
Ngành dầu khí đã cởi bỏ được áp lực giá dầu thấp đè nặng trong giai đoạn đầu năm 2020. Với đà tăng dần về cuối năm 2021 của giá dầu, nhiều doanh nghiệp đã trở mình mạnh mẽ, tổng lợi nhuận đạt gần gấp 3 lần năm trước.
Trong 36 doanh nghiệp ngành dầu khí (tính trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM), có 17 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng, 11 doanh nghiệp báo lãi giảm, 5 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi và 3 doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2021. Các doanh nghiệp đã tạo ra hơn 496 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28.6% so với 2020; tổng lãi ròng đạt 20.8 tỷ đồng, gấp 2.8 lần.
GAS dẫn đầu về lợi nhuận, PLX thu trăm tỷ mỗi ngày
PV GAS (GAS) cho biết sản lượng khí tiêu thụ quý 4/2021 giảm 31% và sản lượng LPG giảm 8% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá dầu Brent bình quân trong quý tăng 81%, tương ứng 35.6 USD/thùng cộng với sản lượng condensate tiêu thụ tăng 28% so với cùng kỳ nên đã giúp lợi nhuận tăng.
Tính chung cả năm, ông lớn ngành khí đạt doanh thu gần 79 ngàn tỷ đồng, tăng 23%; chi phí tài chính trong năm đạt 403 tỷ đồng, gấp 2.4 lần; chủ yếu do tăng lãi tiền vay và phát sinh chi phí thu xếp vốn. GAS báo lãi ròng 8,673 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. So với kế hoạch năm 2021, Công ty đã vượt 26% về lãi sau thuế.
GAS lãi ròng 8,673 tỷ đồng trong năm 2021, tăng trưởng 10%
|
Ở hoạt động kinh doanh xăng dầu, Petrolimex (PLX) có doanh thu hợp nhất trên 169 ngàn tỷ đồng, tăng 36%, nằm trong top đầu các doanh nghiệp trên sàn. Bình quân mỗi ngày, Công ty thu về hơn 463 tỷ đồng từ bán hàng và dịch vụ. Lãi ròng đạt 2,830 tỷ đồng, tăng gấp gần 3.
6 doanh nghiệp tăng trưởng bằng lần
Bên cạnh PLX, có 5 đơn vị báo lãi bằng lần trong năm gồm: APP, POV, TDG, PVG và PSH.
Những doanh nghiệp dầu khí tăng trưởng lãi trong năm 2021
(Đvt: Tỷ đồng)
|
Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu Mỏ (HNX: APP) là doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng nhất ngành, gấp 234 lần. Doanh thu tăng 5% và lãi gộp tăng 25% giúp APP đem về 3.6 tỷ đồng lãi ròng, vượt bậc so với nền thấp trong năm 2020 (lãi chưa đến 16 triệu đồng).
NSH Petro (PSH) tiếp tục kinh doanh khả quan trong quý 4/2021, đem về 71 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4.5 lần cùng kỳ. Cả năm 2021, PSH có 318 tỷ đồng lãi ròng, gấp 11 lần. Đáng chú ý là biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh mẽ, từ 8.6% lên 14.4%. Đây là động lực cho đà khởi sắc ấn tượng của “ông trùm” xăng dầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
PSH đã sớm vượt chỉ tiêu từ quý 3/2021. Cộng thêm quý cuối năm, Công ty đã thực hiện gấp đôi kế hoạch lợi nhuận đề ra.
NSH Petro thực hiện gấp đôi kế hoạch lợi nhuận 2021
|
Nhiều doanh nghiệp chuyển lỗ sang lãi
Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, trong năm 2021, nhất là các tháng cuối năm, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm chính tốt hơn so với năm trước, qua đó làm tăng hiệu quả kinh doanh của Công ty. Kết thúc năm, BSR ghi nhận doanh thu thuần gần 102 ngàn tỷ đồng, tăng 74% so năm trước và vượt 42% kế hoạch. Lãi gộp đạt 7.7 ngàn tỷ đồng (năm 2020 kinh doanh dưới giá vốn). Nguồn thu tài chính của Công ty cũng tăng khá đáng kể, đạt trên 1 ngàn tỷ đồng, gấp rưỡi năm trước nhờ tăng lãi tiền gửi ngân hàng và tăng lãi chênh lệch tỷ giá.
Kết quả, Công ty chuyển lỗ năm 2020 sang lãi ròng 6.7 ngàn tỷ đồng trong năm 2021. So với kế hoạch lợi nhuận đề ra, BSR đã thực hiện gấp 7.7 lần.
Trường hợp của PV OIL (OIL), biên lãi gộp cải thiện tích cực, tăng 63% đạt xấp xỉ 3.2 ngàn tỷ đồng dù doanh thu chỉ tăng 16%. Sau năm 2020 bất ngờ kinh doanh thua lỗ, OIL quay lại báo lãi ròng hơn 606 tỷ đồng, cao nhất kể từ 2016 đến nay.
Cũng chuyển lỗ sang có lãi trong năm 2021 còn có PDT, PEG và PND.
Các doanh nghiệp chuyển lỗ sang lãi năm 2021
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Còn đó những khó khăn
Dù giá dầu tăng mạnh trong năm 2021, đây không phải là năm bận rộn của hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) tại Việt Nam. Về sản lượng tiêu thụ khí, đợt bùng phát COVID-19 và giãn cách xã hội khiến nhu cầu từ nhà máy điện khí cũng như khu công nghiệp giảm. Do đó, sản lượng khí chỉ ở mức 7.1 tỷ mét khối trong năm 2021, giảm 20% so với năm trước.
Doanh thu năm của PV Drilling (PVD) giảm 24%; lãi ròng giảm 90% so với 2020, chỉ thu được 19 tỷ đồng. Lợi nhuận đi lùi phần nhiều do tăng chi phí quản lý.
Theo SSI Research, thị trường khí trong nước chuyển từ thiếu sang thừa cung trong năm 2020-2021 do đại dịch. Năm 2021, sản lượng khai thác dầu thô đạt 10.97 triệu tấn, giảm 5% khi các mỏ trữ lượng cao hiện tại dần cạn kiệt. Về hoạt động khai thác, không có hoạt động thăm dò lớn trong năm 2021 (năm 2020, Việt Nam đã thăm dò thành công mỏ Kèn Bầu 2x - đây là kết quả tìm kiếm có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á trong hai thập niên qua, theo Wood Mackenzie).
Do không có dự án dầu khí lớn trong 2021, PV Coating (PVB) vẫn chỉ đang hoạt động “cầm chừng”. Doanh thu quý 4 chưa tới 1.5 tỷ đồng, thấp nhất trong 2021 và giảm 92% so cùng kỳ năm trước; Công ty báo lãi ròng đạt 21 tỷ đồng.
Kết quả này vừa đủ “san lấp” các khoản lỗ 9 tháng đầu năm, giúp PVB thoát cảnh trắng tay khi có lãi ròng 335 triệu đồng trong 2021. Kết quả này suy yếu đến 99% so với 2020.
Những doanh nghiệp dầu khí giảm lãi trong năm 2021
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Kết quả yếu kém nhất năm 2021 thuộc về PMG, PIT và PTV.
Petro Miền Trung (HOSE: PMG) và Xuất nhập khẩu Petrolimex (PIT) vẫn duy trì các khoản chi phí mức cao so với lãi gộp khiến hai doanh nghiệp lỗ ròng lần lượt 29 tỷ đồng và 6 tỷ đồng dù doanh thu tăng trưởng.
3 doanh nghiệp dầu khí thua lỗ năm 2021
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
SSI Research: Giá dầu năm 2022 dự báo ở mức 80 USD/thùng
Theo báo cáo ngành dầu khí cập nhật tháng 2/2022, SSI Research dự báo giá dầu Brent năm nay ở mức 80 USD/thùng.
Biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GAS (tăng/giảm doanh thu và biên lợi nhuận, nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao), PLX và OIL (tăng/giảm doanh thu và lãi/lỗ hàng tồn kho) và BSR (tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho).
Trong khi đó, đối với các công ty dầu khí thượng nguồn (PVD và PVS), giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào các dự án, mang tính chất dài hạn hơn. Dù vậy, ước tính mảng khoan của PVD hồi phục từ quý 2/2021 và ghi nhận lợi nhuận từ 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn.
Đối với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Dù vậy, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Đối với điện khí, giá khí tăng có thể chuyển ngang 1 phần vào sản lượng hợp đồng PPA với tỷ lệ sản lượng hợp đồng năm 2022 là 80% theo kế hoạch của EVN/A0.
Tuy nhiên giá khí cao sẽ làm các nhà máy điện khí kém cạnh tranh hơn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần sản lượng chào bán trên thị trường điện cạnh tranh. Các chuyên gia phân tích nhận định, dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu hay nói cách khác là độ “nhạy” của giá cổ phiếu với giá dầu là rất cao. Giá dầu tăng có thể đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn.
|
Duy Na
FILI
|