Chủ Nhật, 06/02/2022 09:12

Doanh nghiệp TP.HCM lo giải bài toán thiếu lao động sau Tết

Sau Tết Nguyên Đán, doanh nghiệp TP.HCM đau đầu với bài toán thiếu công nhân. Nhiều đơn vị tăng lương, thưởng và đãi ngộ để giữ chân người lao động.

Chị Nguyễn Thanh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) - công nhân của một công ty sản xuất giày dép ở quận Bình Tân, TP.HCM - cho biết năm nay vì dịch bệnh phức tạp, chị quyết định nghỉ việc về quê nghỉ Tết sớm từ tháng 10.

“Tôi dự tính sẽ ở lại thêm đến hết tháng Giêng rồi sẽ quay lại thành phố tìm kiếm việc mới. Ở chỗ làm cũ mức lương không cao, phải tăng ca mới có dư gửi về quê cho bố mẹ”, chị Thanh nói.

Tình trạng thiếu lao động đầu năm trong các ngành sản xuất luôn là nỗi lo lắng của nhiều doanh nghiệp TP.HCM sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Nếu không có các chính sách hỗ trợ để giữ chân công nhân, lực lượng lao động sẽ tiếp tục hao hụt trong khi việc tuyển mới cũng không dễ.

doanh nghiệp thiếu lao động ảnh 1

Khó khăn khi tuyển dụng lao động sau Tết là thực tế nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhiều chính sách giữ chân người lao động

Để chuẩn bị quay trở lại sản xuất sau Tết và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì các giải pháp như tăng tiền lương, thưởng, tặng vé xe, tổ chức chuyến xe đưa đón người lao động quay lại, thưởng tiền cho người quay lại làm việc đúng lịch…

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam - cho biết Tết năm nay, công ty có khoảng 2.500 công nhân (chiếm khoảng 50% công nhân) ở lại đăng ký làm việc xuyên Tết. Do cần đẩy nhanh tiến độ giao hàng, công ty quyết định tổ chức sản xuất xuyên Tết.

Ngoài trả lương 300%, năm nay doanh nghiệp có thêm tiền thưởng 200.000 đồng để khuyến khích công nhân. "Số công nhân đăng ký làm việc cao hơn nhiều so với những Tết trước. Mức thưởng Tết năm nay của công ty vẫn duy trì ở mức 1,1 tháng lương như mọi năm", ông nói.

Về nguồn lao động sau Tết, ông Hồng cho biết doanh nghiệp không lo thiếu lao động chính mà chỉ lo thiếu hụt lao động thời vụ. "Ngày 7/2, doanh nghiệp sẽ chính thức hoạt động trở lại", ông thông tin thêm.

doanh nghiệp thiếu lao động ảnh 2

Hiện, các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất với 90-100% công suất. Ảnh: Chí Hùng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 - cũng cho biết theo kế hoạch ngày 8/2 (mùng 8), đơn vị sẽ quay lại sản xuất.

Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang lo lắng về nguồn lao động sau Tết trong khi đơn hàng xuất khẩu đa số đều có đủ đến giữa năm.

"Hiện tại nguồn lao động cho ngành may tại TP.HCM vẫn thiếu gần 10% sau khi một số lao động về quê sau đại dịch vẫn chưa trở lại. Dịp Tết cũng thường xảy ra tình trạng tương tự nên từ lúc này, các doanh nghiệp lo sau tết tình trạng này sẽ trầm trọng hơn", ông nói.

TP.HCM cần khoảng 45.000 lao động sau Tết

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hồng, để thu hút lao động quay trở lại sau Tết, doanh nghiệp phải có chính sách lương, thưởng, đãi ngộ hợp lý. "Năm nay, do lợi nhuận giảm, tình hình kinh doanh chịu tổn thất lớn nên chúng tôi cũng cố gắng chi mức thưởng 1,7 tháng lương cho người lao động", ông nói.

"Ngoài ra, công ty còn chăm sóc cho người lao động bằng những phần quà thiết yếu, gia tăng tiền thưởng, quà cho gia đình con cái trước và sau Tết để mong muốn giữ chân họ", ông cho biết thêm.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết sau Tết, TP.HCM cần khoảng 45.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh thương mại, da giày, điện tử cơ khí, điện lạnh...

Ngay sau Tết, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại TP.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM

Do đó để chủ động về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán, Sở đã và đang chỉ đạo các trung tâm việc làm, cơ quan chuyên ngành nắm lại danh sách người lao động ở các doanh nghiệp về quê ăn Tết; tiếp tục triển khai tiếp sức người lao động trở lại TP.

"Ngay sau Tết âm lịch thì Trung tâm dịch vụ việc làm TP và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại TP và lực lượng lao động tại chỗ giới thiệu với các doanh nghiệp để có nguồn lao động ổn định", ông Lâm nói.

Về công tác chăm lo cho người dân trong Tết Nguyên đán 2022, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết sẽ có 23 diện đối tượng được TP tập trung, quan tâm chăm lo với tổng kinh phí hơn 901 tỷ đồng, tăng hơn 108 tỷ đồng so với năm trước.

TP.HCM cũng chỉ đạo các sở, ngành quan tâm tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình phòng chống dịch như đề nghị doanh nghiệp xây dựng phương án trả lương, nắm lại danh sách doanh nghiệp khó khăn để bàn phương án giải quyết cụ thể để chăm lo cho người lao động; thăm và tặng 15.000 phần quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn...

Thanh Thương

Zing

Các tin tức khác

>   Nhiều dự án FDI rót vốn "khủng" ngay từ đầu năm 2022 (05/02/2022)

>   Khách du lịch đến Tây Nguyên tăng đột biến dịp Tết (04/02/2022)

>   'Mở hàng' năm mới ở cửa khẩu Lạng Sơn (03/02/2022)

>   Thay đổi tư duy để định vị lại cho tương lai (03/02/2022)

>   Du lịch Bình Thuận kín phòng dịp Tết (03/02/2022)

>   Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều cơ hội phục hồi kinh tế năm 2022 (03/02/2022)

>   Nhiều dự án FDI 'xông đất' năm Nhâm Dần 2022 (02/02/2022)

>   Nhiều đoàn khách xuất hành mùng 1 Tết, du lịch kỳ vọng khởi sắc (02/02/2022)

>   Tin vui đầu năm: Giảm 30% tiền thuê đất, công nhân được hỗ trợ 3 tháng tiền nhà (01/02/2022)

>   Trò chuyện với 'kiến trúc sư trưởng' chương trình phục hồi kinh tế (01/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật