Doanh nghiệp lời to nhờ “đánh chứng”
Một số doanh nghiệp niêm yết có lãi gộp sụt giảm hoặc lỗ gộp trong quý 4/2021 song vẫn báo lãi lớn nhờ kinh doanh cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán bùng nổ trong năm 2021 trở thành cơ hội cho không ít cá nhân, doanh nghiệp. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân kiếm bộn trong hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp niêm yết - những tay chơi có tiềm lực tài chính lớn hơn nhiều - cũng rủng rỉnh nhờ chứng khoán.
Một điển hình kinh doanh chứng khoán thành công là SAM Holdings (HOSE: SAM) với doanh thu hoạt động tài chính quý 4 đạt hơn 184 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh doanh quý 4/2021 của SAM
Đơn vị tính: Tỷ đồng
|
Tại thời điểm cuối tháng 12, chứng khoán kinh doanh của SAM ghi nhận giá trị gần 279 tỷ đồng, gấp 4 lần hồi đầu năm. Trong đó, SAM đầu tư hơn 110 tỷ đồng mua cổ phiếu HPG (đầu năm không ghi nhận khoản này). Ngoài ra, SAM còn đang sở hữu loạt cổ phiếu lớn như FPT, MWG, SSI, HCM, TCB, DNP…
Các cổ phiếu có giá trị đầu tư lớn trong danh mục của SAM
Đơn vị tính: Tỷ đồng
* Số liệu tại thời điểm 31/12/2021 theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021
|
SAM ghi nhận khoản vay gần 45 tỷ đồng với Chứng khoán Thành Công và 3.1 tỷ đồng đối với Chứng khoán Quốc Gia. Nhiều khả năng đây là khoản vay margin.
CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) cũng là một “tay chơi” tài năng mới trên sàn chứng khoán khi lãi gần 25 tỷ đồng từ kinh doanh chứng khoán trong quý 4. Tới cuối kỳ, công ty này chỉ còn giữ 4 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh (không thuyết minh) trong khi khoản mục này cuối quý 3 lên tới gần 53 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu tài chính gấp 4.2 lần cùng kỳ mà trong quý 4/2021, AFX báo lãi ròng tăng 56%, với 17 tỷ đồng, dù lãi gộp cả kỳ giảm đến 81%.
Tình hình kinh doanh quý 4/2021 của AFX
Đơn vị tính: Tỷ đồng
|
CTCP Công viên nước Đầm Sen (HOSE: DSN) cũng ghi nhận khoản lãi lớn nhờ bán cổ phiếu trong năm 2021. Cả năm, công ty ghi lãi gần 31 tỷ đồng, riêng quý 4 lãi 7.6 tỷ đồng, từ thương vụ bán cổ phiếu VAB. Thêm 10 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng, hoạt động tài chính giúp CTCP Công viên nước Đầm Sen báo lãi ròng hơn 24.6 tỷ đồng cả năm 2021 dù chịu lỗ gộp 1.6 tỷ đồng.
Cũng trong quý 4, CTCP Licogi 14 (HNX: L14) thu lợi nhuận lớn bất ngờ: 376.2 tỷ đồng từ đầu tư cổ phiếu. Theo thuyết minh, đây là kết quả từ "nắm bắt thời cơ, quyết định đầu tư một số mã cổ phiếu đạt hiệu quả ấn tượng" của HĐQT L14 và Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 (L14 F1).
Tình hình kinh doanh quý 4/2021 của DSN
Đơn vị tính: Tỷ đồng
|
Tình hình kinh doanh quý 4/2021 của L14
Đơn vị tính: Tỷ đồng
|
Có thể thấy, điểm chung của các công ty này là hoạt động kinh doanh chính không mấy hiệu quả trong kỳ. Hầu hết đều ghi nhận lợi nhuận gộp suy giảm. Nếu không có phần thu từ hoạt động tài chính bù vào, hẳn các công ty này sẽ phải báo cáo kết quả tiêu cực trong quý 4.
Biểu đồ lãi gộp của SAM, L14, DSN, AFX
Đơn vị tính: Tỷ đồng
|
Nhìn vào tình hình thực tế, khi điều kiện kinh doanh năm 2020 - 2021 bị bóp nghẹt vì COVID-19, việc tìm kiếm cơ hội từ thị trường chứng khoán với những doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào và tạm thời chưa có kế hoạch đầu tư kinh doanh là hoàn toàn hợp lý. Đối với thương nhân, mọi hoạt động miễn là có lời đều là đúng.
Tuy vậy, nhìn trong dài hạn, hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp vẫn nên là hoạt động cốt lõi, cần được ưu tiên vì thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng dễ kiếm lời. Nhà đầu tư cũng nên cân nhắc các trường hợp lãi lớn nhờ hoạt động đầu tư tài chính khi đánh giá doanh nghiệp.
Trường hợp của L14, trong 3 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, thị trường kỳ vọng lớn đẩy giá cổ phiếu L14 tăng mạnh và có lúc trở thành cổ phiếu đắt giá nhất trên sàn chứng khoán (440,000 đồng/cp, phiên 12/01/2022). Nhưng kết quả lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng lại không đến từ hoạt động kinh doanh chính, giá trị cốt lõi thật sự của doanh nghiệp. Nếu như thế, mức giá đắt nhất sàn chứng khoán mà người mua chi cho cổ phiếu như L14 là thực chất hay chỉ là kỳ vọng ảo được người ta vẽ ra dựa vào một thị trường chứng khoán đang hưng phấn và rất dễ kiếm lời?
Chí Kiên
FILI
|