Chủ tịch Hoàng Trọng Dũng (DPM): Khi giá cả hạ nhiệt, nhu cầu thị trường phân bón sẽ phục hồi
Ông Hoàng Trọng Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) nhận định: đối với thị trường Việt Nam, giá urea tăng mạnh trong suốt năm 2021 có thể sẽ tác động tới thói quen sử dụng phân bón của nông dân theo hướng tiết kiệm hơn hoặc gia tăng sử dụng các sản phẩm phân bón đa lượng để thay thế phân đơn. Tuy nhiên, khi giá cả hạ nhiệt thì nhu cầu thị trường sẽ phục hồi vì thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng một số sản phẩm phân đơn như urea đối với cây trồng, đặc biệt là cây lúa, là khó có thể thay thế.
Đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất phân bón ở nhiều nước; giá nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển đều tăng kỷ lục khiến giá phân bón trên toàn cầu liên tục nóng trong những tháng cuối năm 2021.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trọng Dũng - Chủ tịch HĐQT DPM để hiểu rõ hơn những yếu tố tác động đến thị trường phân bón và triển vọng ngành trong năm 2022.
Phóng viên: Ngành phân bón Việt Nam đã có một năm 2021 kinh doanh khả quan, bất chấp tình hình dịch bệnh trên toàn cầu. Theo ông, đâu là những yếu tố thúc đẩy cho diễn biến tích cực này?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Trong năm 2021, giá phân bón trên thị trường, đặc biệt là các loại phân đơn như urea đã liên tiếp tăng cao từ cuối quý I và lập đỉnh lịch sử trong tháng cuối năm khi chạm ngưỡng 1,000 USD/tấn (tính theo giá FOB). Xu thế này chủ yếu xuất phát từ các yếu tố liên quan tới nguồn cung gián đoạn và chi phí giá thành tăng cao.
Về nguồn cung, thị trường chịu ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế xuất khẩu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ và EU. Trong năm 2021, Trung Quốc đã ra chính sách cấm xuất khẩu phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón; Nga hạn chế xuất khẩu các loại sản phẩm phân bón chứa nitơ, phosphate. Mỹ và các nước thuộc EU cũng áp dụng lệnh cấm vận với Belaruskali dẫn tới nguồn cung kali suy giảm.
Trong khi đó, giá khí tại châu Âu đã tăng cao bất thường khiến sản xuất bị gián đoạn, nhiều nhà máy sản xuất urea, NH3 phải dừng sản xuất cũng dẫn tới gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, được biết, Đức sẽ tiếp tục đóng băng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức trong trường hợp Nga có sự leo thang căng thẳng với Ukraine. Nếu điều này xảy ra sẽ càng làm thiếu hụt khí đốt cho sản xuất NH3 và urea tại châu Âu. Đồng thời, các chi phí liên quan như vận chuyển, bốc xếp lưu kho cũng tăng mạnh do ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa, giãn cách kéo dài.
Nguồn cung thắt chặt, chi phí giá thành tăng cao trong bối cảnh nhu cầu sản xuất nông nghiệp hồi phục nhằm đảm bảo an ninh lương thực là yếu tố chính đẩy giá các loại phân đơn và NH3 không ngừng tăng cao trong thời gian qua. Đặc biệt, giá urea thế giới tăng vượt mức đỉnh của nhiều năm, tới cuối tháng 10/2021 giá đã chạm mức đỉnh của năm 2008, kéo giá nội địa tăng mạnh dù nhu cầu nội địa không tăng. Giá urea thế giới tăng mạnh cũng kéo theo đà tăng giá xuất khẩu urea của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sản lượng xuất khẩu tăng mạnh do nhu cầu tăng trên thị trường quốc tế trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
Trong nước, nguồn cung urea năm 2021 cũng bị ảnh hưởng do các nhà máy tiến hành bảo dưỡng hoặc gặp sự cố phải dừng máy trong khi lượng hàng nhập khẩu rất thấp do giá thế giới tăng cao.
Nhà máy của DPM
|
* Giá phân bón đang trong xu hướng tăng giá kéo dài từ giữa năm 2020 đến nay. Ông đánh giá gì và dự báo thế nào đối với câu chuyện giá cả ngành phân bón?
- Như đã phân tích ở trên, diễn biến giá phân bón sẽ phụ thuộc vào yếu tố cung cầu, chi phí và ảnh hưởng từ các chính sách liên quan. Và giá cả thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường phân bón Việt Nam. Với những diễn biến tới thời điểm tháng 12/2021, có thể dự báo rằng giá sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 do nhu cầu từ các thị trường lớn như Ấn Độ và Brazil được dự báo vẫn duy trì ở mức cao trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tại các thị trường này, dù phải chấp nhận mua với giá cao, Chính phủ không muốn việc thiếu thụt gây tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành nông nghiệp lẫn an ninh lương thực. Nếu sức mua của Ấn Độ và Brazil giảm, việc giảm giá trong những tháng tiếp theo là điều có thể xảy ra.
Đối với thị trường trong nước, giá urea đã tăng liên tục từ 2020 đến nay. Tuy nhiên, do Việt Nam đã hoàn toàn chủ động được nguồn cung từ sản xuất trong nước nên giá urea được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp hơn giá quốc tế và dự báo sẽ tiếp tục ổn định đến hết quý 2/2022. Dự báo, nếu vấn đề giá khí tại châu Âu được giải quyết và Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu phân bón thì giá có thể sẽ được điều chỉnh về mức cân bằng mới.
* Đâu là cơ hội và thách thức đối với ngành phân bón trong năm 2022? Ông dự báo triển vọng tăng trưởng của ngành phân bón như thế nào trong những năm tới?
- Đối với thị trường thế giới, cơ hội là nhu cầu sử dụng phân bón, đặc biệt là phân đơn dự báo sẽ tăng không chỉ cho ngành nông nghiệp mà còn phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Hiệp hội phân bón thế giới IFA dự báo trong năm 2022 nhu cầu phân nitơ tăng 1.5%, kali tăng 0.9%, phosphate tăng 0.5% so với năm 2021. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng urea cho sản xuất công nghiệp như keo, melamin, MDF, dung dịch xử lý khí thải xe hơi sử dụng diesel, xử lý khói thải các nhà máy điện… cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi các quốc gia thực hiện cam kết COP26 và “Thỏa thuận Glasgow”.
Châu Á cho tới nay là khu vực sản xuất phân bón lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 57% sản lượng toàn cầu, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 54% tổng sản lượng. Trong bối cảnh Trung Quốc đang áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu (từ tháng 11/2021), thì thị trường Việt Nam sẽ là thị trường mới thay thế trong khu vực. Do vậy, việc giá cả giữ ổn định ở mức cao sẽ tạo ra cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Về thách thức, chi phí tiếp tục tăng cao sẽ tiếp tục tác động dẫn tới nguồn cung thiếu hụt. Dự báo lạm phát trong năm 2022 sẽ tăng so với năm 2021 trong khi tăng trưởng kinh tế có thể vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch COVID-19. Chi phí logistics, chi phí nguyên liệu tại châu Âu vẫn duy trì ở mức cao khiến nguồn cung phân bón có thể tiếp tục bị thiếu hụt.
Đối với thị trường Việt Nam, giá urea tăng mạnh trong suốt năm 2021 có thể sẽ tác động tới thói quen sử dụng phân bón của nông dân theo hướng tiết kiệm hơn hoặc gia tăng sử dụng các sản phẩm phân bón đa lượng để thay thế phân đơn. Tuy nhiên, khi giá cả hạ nhiệt thì nhu cầu thị trường sẽ phục hồi vì thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng một số sản phẩm phân đơn như urea đối với cây trồng, đặc biệt là cây lúa, là khó có thể thay thế.
Bên trong nhà máy của DPM
|
* Nhiều người kỳ vọng chính sách thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ hỗ trợ tăng trưởng của các doanh nghiệp phân bón. Theo đó, nội dung sửa đổi thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng phân bón, dự kiến 5%, đã được tổng hợp trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng. Ông nhận định gì về vấn đề này?
- Tác động tiêu cực của việc không chịu thuế GTGT đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã quá rõ ràng. Nếu luật thuế GTGT được sửa đổi sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ có cơ hội mở rộng đầu tư, tăng công suất, giảm giá thành sản phẩm khi được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tạo điều kiện giảm giá bán cho nông dân, qua đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nội địa.
* Về phần DPM, Công ty đã gặt hái những thành quả gì trong năm 2021? Ông dự báo thế nào về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 2022 và các năm tiếp theo?
- Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát nghiệm trọng trong năm 2021, DPM đã sớm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nguồn lực và các kịch bản kiểm soát rủi ro để triển khai tốt các nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất kinh doanh như bảo dưỡng tổng thể nhà máy Đạm Phú Mỹ, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào và tiếp tục cải thiện chất lượng, gia tăng công suất nhà máy NPK. Về kinh doanh thì công ty cũng đã tận dụng rất tốt những diễn biến thuận lợi của thị trường để tối ưu sản lượng ở cả 2 mảng phân bón và hóa chất trong giai đoạn giá bán tăng cao.
Như kết quả hoạt động quý 4/2021 đã công bố trong BCTC trước kiểm toán thì các chỉ tiêu tài chính cơ bản đều vượt xa kế hoạch năm đề ra ban đầu và vượt cả chỉ tiêu kế hoạch điều chỉnh, đạt mức đỉnh cao trong nhiều năm gần đây. Tổng doanh thu vượt mức 13 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 3,800 tỷ đồng.
Chúng tôi tin tưởng với vị thế, tiềm lực và kinh nghiệm tích lũy tới nay, DPM sẽ tiếp tục có một năm hoạt động ấn tượng trong năm 2022, là tiền đề để công ty hoàn thiện và triển khai chiến lược phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo, giữ vững vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu ngành phân bón, hóa chất và từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.
* Xin cảm ơn ông.
Xuân Nghĩa
FILI
|