Các hãng xếp hạng tín dụng lo ngại về nợ quốc gia của Hàn Quốc
Theo ước tính, với khoản ngân sách bổ sung được đề xuất, nợ quốc gia Hàn Quốc được dự báo sẽ đạt 1,075 triệu tỷ won trong năm 2022 và tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 50,1%.
Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Busan, Hàn Quốc, ngày 1/1/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
|
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 8/2 cho hay các hãng xếp hạng tín dụng đã bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng nợ quốc gia của Hàn Quốc, mà có thể làm ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng nhà nước trong trung hạn.
Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3/2022, các chính đảng kêu gọi tăng mạnh quy mô gói ngân sách bổ sung lên 35.000-50.000 tỷ won nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các người kinh doanh nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Theo ước tính của chính phủ, với khoản ngân sách bổ sung được đề xuất, nợ quốc gia được dự báo sẽ đạt 1,075 triệu tỷ won trong năm 2022 và tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 50,1%.
Bộ trưởng Hong Nam-ki cho rằng việc tăng mạnh quy mô ngân sách sẽ gây tổn hại thêm đến “sức khỏe” nền kinh tế.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Hong Nam-ki cho biết tỷ lệ nợ trên GDP có thể tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm so với ước tính của Bộ nếu quy mô ngân sách tăng lên 35.000 tỷ won.
Ông cho biết các hãng xếp hạng tín dụng lo ngại rằng quy tắc tài khóa được đề xuất của chính phủ vẫn chưa được Quốc hội thông qua trong khi nợ quốc gia đã tăng với tốc độ nhanh hơn.
Trong tháng 1/2022, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho biết tỷ lệ nợ chính phủ tăng liên tục có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong trung hạn.
Fitch đã giữ xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc ở mức "AA-," mức cao thứ tư trên bảng đánh giá của cơ quan này, với triển vọng "ổn định."
Hồi tháng 10/2020, Bộ trên đã công bố một đề xuất về trần nợ chính phủ ở mức tương đương 60% GDP và hạ thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP bắt đầu từ năm 2025. Quy định mới này vẫn đang chờ Quốc hội Hàn Quốc thông qua./.
Minh Hằng
Vietnam+
|