Bỏ cọc!
Trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, những mảnh đất hàng ngàn mét vuông phơi trần dưới nắng Thủ Thiêm (TPHCM) bị doanh nghiệp… quay lưng “bỏ cọc”. Những khoản “bỏ cọc” lên đến hàng trăm tỉ đồng khiến cho mọi góc quán cà phê ở Sài Gòn đều phải xuýt xoa.
“Tiền đâu mà doanh nghiệp dám đấu giá đến hàng chục ngàn tỉ đồng vậy?”; “Mỗi mét vuông đất khai phá truyền đời của dân Thủ Thiêm sao bây giờ vống lên đến gần 2 tỉ rưỡi, ghê vậy?”… Rồi khi nghe tin doanh nghiệp đua nhau bỏ cọc thì đàm tiếu “đã nói rồi, cũng “màu mè” ra dáng vậy thôi…”.
Những lời bàn tán ấy, từ giật mình đến hoài nghi, đến hoang mang rồi dè bỉu… Dư luận với đủ thứ cung bậc cảm xúc kể từ cái ngày thông tin đấu giá đất ở Thủ Thiêm được bung ra trên các mặt báo. Nhiều người ngơ ngác tự hỏi: họ làm vậy để làm gì?
Nhận định từ một văn bản báo cáo của Bộ Xây dựng: “Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi “bỏ cọc” tạo mặt bằng “giá ảo” để thao túng thị trường, mua đi bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức… Cụ thể với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm cho thấy kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản ở Thủ Thiêm”. Không phải của ai khác mà đây là nhận định chính thức từ cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý, cân chỉnh thị trường bất động sản khỏi những biến động bất thường.
Mùng 7 Tết gặp gỡ một ông anh – chủ nhân của một “câu chuyện nhà nghèo”. Hơn bảy năm trước, sau bao bận mùa màng thất bát, nuôi con ăn học khó khăn, vợ chồng anh bàn nhau bán hết nhà và rẫy ở Đồng Nai, lên vùng ven Sài Gòn mua ngôi nhà nhỏ giá 400 triệu đồng ở huyện Bình Chánh. Diện tích đất nhà khoảng 45 mét vuông, và vài năm trước, khi xây dựng, người chủ cũ đã được cấp giấy phép. Nhưng dù ngược xuôi bao bận, ông anh quen vẫn không làm được sổ hồng vì vướng cái quyết định về hạn mức tách thửa. Với lộ giới con đường và vị trí ngôi nhà tọa lạc, diện tích đất phải 80 mét vuông mới được tách thửa. Thành ra, dù nhà xây dựng có giấy phép hẳn hoi, nhưng đất còn chung sổ đỏ với nhà khác, không tách ra được, từ bao năm qua chẳng thể chuyển nhượng hay đem thế chấp. “Đành phải ở vậy, không biết đến bao giờ?”, anh nói.
Ở thành phố này, trường hợp như chuyện của ông anh thì vô thiên lủng và phải chờ cho tới khi nào cái quyết định hạn mức đất ở cho tách thửa kia được chỉnh sửa. Vừa rồi, TPHCM có đề án chuyển các huyện lên thành quận, tôi chỉ còn biết an ủi anh ráng chờ đến lúc ấy, may ra quy định đất quận được tách thửa có thể sẽ giảm xuống 40 mét vuông (bằng một nửa so với bây giờ). Nói vậy thôi chứ trong lòng tôi cũng không khỏi lăn tăn: chờ đến bao giờ?
Ngày mua căn nhà vùng ven thành phố ấy, nghe bàn tán chuyện sẽ khó tách thửa, ông anh cũng suýt “bỏ cọc”. Biết là nếu so sánh thì khập khiễng, nhưng đặt chuyện nhà nghèo kiếm một mảnh đất dựng nhà tá túc để mưu sinh ở xứ Sài thành trong sự liên tưởng tới câu chuyện các đại gia bỏ cọc đất Thủ Thiêm hàng trăm tỉ đồng, ngẫm sự đời mà nghe dâng lên vị chua chát.
Một sự nghĩ ngợi chẳng-đặng-đừng!
Trần Thanh Bình
TBKTSG
|