Bất chấp đại dịch, doanh nghiệp thủy sản vẫn ăn nên làm ra
Những tưởng 2021 tiếp tục là năm buồn của nhóm doanh nghiệp thủy sản khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến Chính phủ phải thắt chặt giãn cách xã hội trong quý 3. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan trong quý cuối năm đã như “cầu vồng sau mưa” giúp các đơn vị cán đích thành công, thậm chí vượt kế hoạch.
Bất chấp đại dịch, doanh nghiệp thủy sản vẫn ăn nên làm ra. Thiết kế: Tuấn Trần
|
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã trải qua đủ cung bậc thăng trầm vì dịch Covid-19. Giai đoạn quý 3, cả khâu sản xuất và xuất khẩu đều tụt dốc vì các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách theo Nghị quyết 128, xuất khẩu thủy sản đã nhanh chóng hồi phục và tăng mạnh vào quý cuối năm, đưa kết quả xuất khẩu cả năm lên con số 8.9 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2020. Trong đó, tôm mang về gần 3.9 tỷ USD, tăng 4%, cá tra tăng tốc mạnh ở 2 tháng cuối năm, cán đích với trên 1.6 tỷ USD, tăng 8.4%.
Nguồn: VASEP
|
Quả ngọt của ngành thủy sản được phản ánh rõ trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Trong 11 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh cả năm 2021, có 8 đơn vị báo lãi ròng tăng trưởng, 1 doanh nghiệp báo lãi giảm, 1 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi và 1 doanh nghiệp thua lỗ. Đáng chú ý, có 6 doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra trong cả năm 2021.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của nhóm doanh nghiệp thủy sản niêm yết. Đơn vị tính: Tỷ đồng
|
Kiên Hùng (HNX: KHS) là đơn vị có lãi ròng năm 2021 tăng mạnh nhất toàn ngành, đạt hơn 57 tỷ đồng, gần gấp 3 lần năm 2020, bất chấp doanh thu sụt giảm 14%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 4,251 đồng, gấp 3 lần.
“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng báo cáo doanh thu và lãi ròng đồng loạt tăng so với cùng kỳ, lần lượt đạt hơn 9 ngàn tỷ và 1 ngàn tỷ đồng. Trong năm 2021, VHC tiếp tục đầu tư chứng khoán. Chứng khoán kinh doanh của đơn vị này tại thời điểm cuối năm 2021 tăng lên gần 80 tỷ đồng trong khi đầu năm con số này chỉ ở mức 9 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2021, hai cổ phiếu lớn mà VHC đang nắm giữ là NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) và DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (đầu năm không thấy khoản này).
Camimex Group (HOSE: CMX) và Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) - hai đại diện ngành tôm - cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu thuần của CMX tăng trưởng 54%, lên hơn 2,190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 82.9 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên CMX báo doanh thu vượt hơn 2,000 tỷ đồng sau 10 năm tái cấu trúc toàn diện tập đoàn. Với con số ấn tượng nhất kể từ khi hoạt động, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm này đã vượt 34% mục tiêu doanh thu đề ra trong năm 2021.
Tình hình kinh doanh của CMX qua các năm gần đây |
|
Tương tự, FMC đã gặt hái kết quả cao nhất trong lịch sử 26 năm hình thành với doanh thu thuần tăng 18% so với cùng kỳ, đạt hơn 5,199 tỷ đồng và lãi ròng 2021 đạt gần 267 tỷ đồng, cũng tăng 18% so cùng kỳ. Theo FMC, chi phí thuê container rỗng giao hàng thị trường xa tăng quá mạnh, gây cho họ không ít khó khăn. Nếu các năm trước, ba mảng hoạt động chính của công ty này là chế biến tôm, chế biến nông sản, nuôi tôm cùng tạo ra lợi nhuận thì năm 2021 mảng nuôi tôm lại dẫn đầu và bù đắp cho mảng chế biến.
Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành đua nhau báo lãi tăng thì Nam Việt (HOSE: ANV) lại khá “ngậm ngùi” với khoản lãi ròng giảm 38%, xuống còn 53.5 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do loạt chi phí tăng mạnh.
Thê thảm hơn, CTCP Thủy sản Bạc Liêu (HNX: BLF) báo lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng. Đây cũng là con số tệ nhất của công ty này sau gần 14 năm niêm yết trên sàn.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2.1 triệu tấn, trị giá 9.2 tỷ USD, tăng 3.9% về lượng và tăng 3.5% về trị giá so với năm 2021.
Theo VASEP, năm nay, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt. Những thị trường chính về xuất khẩu tôm của nước ta vẫn là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu (EU).
Ngoài tôm, xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là khu vực tiềm năng.
|
* Doanh nghiệp thủy sản sẽ không có nhiều “đất diễn” trong năm 2022
Tiên Tiên
FILI
|