Ứng xử thế nào với lãnh đạo doanh nghiệp 'đánh úp' nhà đầu tư?
Các chuyên gia cho rằng chế tài xử phạt vi phạm lĩnh vực chứng khoán trong nước hiện đã tiệm cận thông lệ quốc tế, nhưng mức xử phạt với hành vi bán chui cổ phiếu vẫn còn quá thấp.
* HOSE hủy bỏ giao dịch bán gần 75 triệu cp FLC của ông Trịnh Văn Quyết
* Thực hư văn bản ông Trịnh Văn Quyết giải trình bán chui cổ phiếu do sơ suất của Bộ phận Thư ký
* Tài khoản mua cổ phiếu FLC đối ứng của ông Trịnh Văn Quyết được trả lại tiền
Sau vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) xác định bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng cần có chế tài xử phạt đủ nặng để không phát sinh những hành vi tương tự về sau.
Thực tế, đây cũng không phải lần đầu ông chủ Tập đoàn FLC bán chui cổ phiếu. Hồi tháng 11/2017, Ủy ban Chứng khoán cũng đã xử phạt ông Trịnh Văn Quyết vì hành vi bán 57 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin.
Theo thống kê, thời điểm doanh nhân này bán chui cổ phiếu hồi năm 2017, thị giá FLC giao dịch quanh mức 7.100-7.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy ông Quyết có thể đã thu về trên dưới 400 tỷ đồng từ các giao dịch chui này.
Tuy nhiên, mức xử phạt khi đó ông Quyết phải chịu chỉ vỏn vẹn 130 triệu đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa toàn bộ tài khoản giao dịch chứng khoán và hủy giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu thực hiện trong ngày 10/1. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Tăng mức xử phạt, cho phép nhà đầu tư khởi kiện
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh), cho biết với các trường hợp vi phạm công bố thông tin đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ như vụ ông Trịnh Văn Quyết, cơ quan quản lý chứng khoán các nước cũng xử phạt theo cách tương tự Ủy ban Chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, mức tiền phạt cho những vi phạm này ở thị trường nước ngoài cao hơn rất nhiều, có thể lên đến hàng chục triệu USD.
Hồi tháng 11/2021, CEO Tesla Elon Musk cũng từng bán một lượng cổ phiếu lớn và phải gửi văn bản cho Sở Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để đăng ký trước.
Ông Tuấn cho rằng thiết kế chính sách đăng ký giao dịch hiện vẫn còn nhiều lỗ hổng với cả thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó, các lãnh đạo doanh nghiệp có thể dùng nó để che giấu một số thông tin nội bộ, dự kiến nhận được trong tương lai.
Việt Nam nên cho phép các nhà đầu tư cùng nhau kiện cổ đông nội bộ, lãnh đạo doanh nghiệp nếu có vi phạm gây thiệt hại đủ lớn.
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh)
|
Hiện, SEC đang tính sửa luật. Nhưng theo các chuyên gia, luật được sửa xong vẫn không đủ mạnh tay với các giao dịch của cổ đông nội bộ.
“Quy định pháp luật hiện tại của Việt Nam cũng đã tiệm cận những gì nước ngoài có thể làm. Khác biệt lớn nhất là về chuyện tiền phạt và nếu cổ đông vẫn chưa hài lòng thì có thể đi kiện mà thôi”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, Việt Nam nên cho phép các nhà đầu tư cùng nhau kiện cổ đông nội bộ, lãnh đạo doanh nghiệp nếu có vi phạm gây thiệt hại đủ lớn. Khi đó, hàng trăm nghìn nhà đầu tư có thể kiện, đòi bồi thường và phán quyết chỉ trong 1 vụ kiện. Điều đó mới đủ tính răn đe với các lãnh đạo và cổ đông nội bộ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cũng cho rằng Ủy ban Chứng khoán cần có chế tài đủ mạnh để lấy lại niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như ngăn chặn các sự việc tương tự về sau.
Ông cho rằng nếu ông Trịnh Văn Quyết chỉ bị xử phạt hành chính từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng trong sự kiện này, sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng tới hình ảnh của thị trường chứng khoán.
Tránh xa những doanh nghiệp không minh bạch
Ông Hải cũng nhấn mạnh Luật kinh doanh chứng khoán, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có đủ chế tài đủ mạnh để xử phạt các hành vi cố tình bán chui cổ phiếu giá trị hàng nghìn tỷ đồng này.
Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với các cá nhân cố tình trục lợi từ các giao dịch không minh bạch, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự nếu số thiệt hại cho nhà đầu tư đủ lớn.
Để không có những sự kiện tương tự xảy ra, ông Hải đề xuất Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch có biện pháp giới hạn giao dịch với chứng khoán thuộc sở hữu của lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn, người có liên quan…
Như vậy, dù vô tình hay cố ý, các cá nhân, tổ chức cũng không thể bán chui chứng khoán khi chưa công bố thông tin.
Các nhà đầu tư cần tự bảo vệ mình trước những cổ phiếu, công ty, lãnh đạo doanh nghiệp thiếu minh bạch. Ảnh: Việt Linh.
|
Ngoài ra, ông Hải cho rằng các nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mới, nên tự bảo vệ mình trước những cổ phiếu, doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp không minh bạch thông tin.
“Có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin về các lãnh đạo doanh nghiệp như ông Trịnh Văn Quyết. Và với những công ty, lãnh đạo doanh nghiệp như vậy, nhà đầu tư nên tránh xa để bảo vệ tiền của mình”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo thông báo mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán, sau khi xác định giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết chưa được báo cáo, chưa công bố thông tin theo quy định, cơ quan này đã yêu cầu HoSE hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng yêu cầu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) phong tỏa toàn bộ tài khoản chứng khoán đứng tên ông Quyết từ 11/1. Ủy ban yêu cầu VSD thông báo cho các công ty chứng khoán nơi ông Quyết mở tài khoản thực hiện phong tỏa các tài khoản giao dịch này.
Quang Thắng
ZING
|