Thứ Tư, 05/01/2022 11:44

TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đề nghị Chính phủ phân quyền hơn nữa

Tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 5/1, lãnh đạo nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Thái Nguyên chung đề nghị Chính phủ phân cấp, phân quyền nhiều hơn.

"Thực tiễn chúng tôi áp dụng phân cấp, phân quyền cho các quận huyện trong chống dịch, giải ngân đầu tư công thì hiệu quả hơn rất nhiều so với Thành phố làm", ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu thực tiễn và đề nghị Chính phủ tăng cường vấn đề này trong thời gian tới.

Ông Chu Ngọc Anh là lãnh đạo địa phương đầu tiên được mời phát biểu tham luận tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tổ chức sáng 5/1. Hội nghị được nối tới 63 điểm cầu trên cả nước, có sự tham gia của hầu hết lãnh đạo trung ương và địa phương.

Phân cấp đi kèm cá thể hóa trách nhiệm

Chủ tịch Hà Nội đề nghị Chính phủ phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; chuyển đổi đất lúa, đất rừng; cấp phép khu công nghiệp; tách dự án giải phóng mặt bằng khỏi các dự án khác... Đi kèm với đó là cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường, kiểm tra giám sát.

Đồng quan điểm, phát biểu ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cũng đề nghị trung ương cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

địa phương xin phân cấp phân quyền ảnh 1

Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 5/1. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Ông Quảng lấy ví dụ địa phương mong muốn được phân cấp, phân quyền trong việc cấp phép đầu tư xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, muốn vậy thì phải sửa một số nghị định có liên quan. Nhưng muốn sửa các nghị định hướng dẫn thì phải sửa Luật Đầu tư.

Trong khi đó, trong kỳ họp Quốc hội bất thường khai mạc ngày 4/1, Chính phủ có trình Quốc hội dự thảo một luật sửa 8 luật (trong đó có Luật Đầu tư), nhưng lại không có nội dung về sửa đổi phân cấp, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu công nghiệp.

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ bổ sung vấn đề này vào để sớm sửa quy định. Đi theo với sự phân cấp, phân quyền là tăng cường kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm", ông Quảng đề xuất.

Được mời phát biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nhắc đến một luật sửa 8 luật đang được Chính phủ trình Quốc hội. Ông đề nghị sau khi Quốc hội thông qua thì Chính phủ sớm có hướng dẫn, phân cấp, phân quyền để luật đi vào cuộc sống.

Những vấn đề cần phân cấp, phân quyền được Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất là phê chuẩn, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án thông thường... Lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị, kiến nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai.

Là tham luận cuối cùng trong buổi sáng, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị quan tâm phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương. Bà Hải đặc biệt nhấn mạnh đến việc triển khai tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án thông thường, như vậy mới có thể tạo sự đột biến trong việc thu hút đầu tư.

TP.HCM sẽ bổ sung tiền vào chương trình phục hồi kinh tế

Trong phần tham luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất Chính phủ sớm cho phép TP triển khai sản xuất và lưu hành rộng rãi thuốc điều trị Covid-19 trên địa bàn. Hiện tại, TP.HCM đang triển khai chiến lược tổng thể phòng chống dịch phù hợp thực tiễn của thành phố.

địa phương xin phân cấp phân quyền ảnh 2

Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị TP.HCM được bổ sung ngân sách địa phương vào gói hỗ trợ của Chính phủ trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong đó tập trung giám sát và phòng chống biến chủng mới; triển khai chiến lược y tế khi bao phủ vaccine; cảnh báo, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân; nâng cao năng lực phòng chống dịch, năng lực phòng chống dịch…

Về kinh tế, TP.HCM đang triển khai phát triển và phục hồi kinh tế. TP lấy năm 2022 là năm phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục lại những gãy đổ, giúp doanh nghiệp tái khởi động.

Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị TP.HCM được bổ sung ngân sách địa phương vào gói hỗ trợ của Chính phủ trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Ông cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm có hướng dẫn các chính sách đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng đời sống người dân, hấp thụ các nguồn vốn đầu tư.

TP sẽ tiến hành tổng kết để có các chính sách đặc thu, trình đề án về phân cấp một số lĩnh vực cho thành phố.

Ngoài ra, ông đề nghị đẩy nhanh xây dựng đường Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 3. “Cần đẩy nhanh chọn hình thức đầu tư và bố trí vốn cho đường vành đai 3. Đây là công trình rất quan trọng trong khu động lực kinh tế phía Nam”, ông Mãi nói.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đề nghị ngoài hỗ trợ về vật chất sau dịch bệnh thì rất cần hỗ trợ về tinh thần và văn hóa. Bà cho biết năm 2021, dù dịch bệnh xảy ra, Thái Nguyên vẫn đạt mức tăng trưởng GRDP khoảng 6,5%, thu ngân sách đạt kỷ lục với 18.000 tỷ đồng (tăng 146%).

Đặc biệt, giá trị xuất nhập khẩu của Thái Nguyên đã đạt gần 900.000 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 143% kế hoạch mà Thủ tướng giao. Tỉnh cũng thu hút FDI tốt trong năm qua với dự án 1 tỷ USD của Samsung.

Thuận Hiếu

ZING

Các tin tức khác

>   Chính phủ báo cáo gì với Quốc hội vụ thổi giá kit xét nghiệm của Việt Á? (04/01/2022)

>   Bộ Công an làm việc 6 cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Phước (04/01/2022)

>   Dự báo 2022: Hàng không, du lịch khó phục hồi (04/01/2022)

>   Thanh tra việc mua kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM (04/01/2022)

>   Xét xử sai phạm tại Sadeco: Đề nghị ông Tất Thành Cang từ 12 - 14 năm tù (04/01/2022)

>   Xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 có thể dễ dàng tăng 16-20%? (04/01/2022)

>   Cơ hội từ siêu hiệp định lớn nhất thế giới (04/01/2022)

>   Cơ hội từ siêu hiệp định lớn nhất thế giới: Thách thức tại thị trường nội địa (04/01/2022)

>   'Giải cứu' thanh long, mít, cam, bưởi... đến bao giờ? (04/01/2022)

>   Nhân vụ kít xét nghiệm nghĩ về hình thức tham nhũng 'cao cấp' (03/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật