Thứ Năm, 20/01/2022 15:32

Tạo môi trường thông thoáng, nhưng không buông lỏng quản lý xây dựng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trao đổi về việc hoàn thiện pháp luật xây dựng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Ảnh minh họa.

Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế; trong đó, tập trung vào vấn đề mới phát sinh chưa có quy định, cũng như những vấn đề đã có quy định nhưng qua thực tiễn có vướng mắc phát sinh cần bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về việc hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến xây dựng nhằm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

- Xây dựng thể chế là một trong những trọng tâm của ngành xây dựng và được thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Xin Bộ trưởng cho biết, những “điểm nhấn” mà Bộ Xây dựng tập trung lãnh đạo, điều hành trong năm 2022?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Trong năm 2022, ngành xây dựng chú trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng…; trong đó, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá.

Trước tiên là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường quản lý nhà nước; đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.

Điển hình như việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Ngay trong quý 1/2022, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi các Nghị định để tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm phù hợp thực tiễn và phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương trong quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, hoạt động xây dựng, thẩm định thiết kế, dự toán…. Đồng thời, quy định nội dung, tiêu chí, quy trình… để kiểm tra, kiểm soát, tăng cường quản lý nhà nước.

Đây sẽ là một trong những đổi mới về thể chế để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngành xây dựng; hỗ trợ các doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Tiếp đó, Bộ Xây dựng sẽ tập trung cho quy hoạch, quản lý phát triển đô thị bao gồm các nội dung: nâng cao chất lượng lập quy hoạch đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; kiểm soát chặt chẽ thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về quy hoạch; tập trung rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Xây dựng (nội dung liên quan đến quy hoạch) và Luật Quy hoạch đô thị để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khả thi.

Mặt khác, Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đảm bảo đồng bộ. Từ đó, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn; nâng cao sức cạnh tranh khu vực đô thị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai, từ phát triển không gian đô thị…

Đột phá thứ 3 của ngành là đẩy mạnh quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình; tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Bộ sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật kinh doanh Bất động sản; xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cung-cầu và cơ cấu sản phẩm nhà ở.

Bộ Xây dựng sẽ theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, từ đó đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung nguồn lực nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án Luật như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Quản lý và phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý không gian ngầm... để tiếp tục tạo lập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành đồng bộ, toàn diện hơn nữa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và điều tiết các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

- Để tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào những giải pháp cụ thể nào để vừa đáp ứng yêu cầu đơn giản hoá thủ tục hành chính, vừa tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được lãnh đạo Bộ Xây dựng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực thích đáng để triển khai với những nguyên tắc nhất định.

Cụ thể là việc kiểm soát chặt chẽ mọi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đảm bảo các thủ tục hành chính được ban hành phải đơn giản, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, không phát sinh thủ tục hành chính.

Việc cải cách, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được Bộ thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời cập nhật, công khai các thủ tục hành chính mới.

Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở bám sát yêu cầu thực tiễn, tăng cường đối thoại, lấy ý kiến tổ chức, doanh nghiệp và người dân để kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập về thực hiện thủ tục hành chính trong thực tiễn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Kết quả thực hiện những năm qua cho thấy cải cách thủ tục hành chính là một kết quả tích cực trong hoạt động của Bộ Xây dựng. Riêng trong năm 2021, thông qua việc tham mưu, sửa đổi các pháp luật chuyên ngành và phối hợp với các bộ, ngành khác xây dựng thể chế, ngành xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…

Ngành xây dựng cũng giảm 50% số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính gửi về Bộ Xây dựng xử lý đi đôi với triển khai thực hiện 41 thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Bộ phận một cửa.

Đến thời điểm hiện tại, ngành xây dựng đã đạt tỷ lệ phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho địa phương ở mức cao với 67/108 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương, đạt 62%.

Bộ Xây dựng cũng là 1 trong 5 Bộ đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.

Thực hiện thành công phương án này là tiến một bước mới trong cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu phân cấp, phân quyền nhưng vẫn giữ được sự kiểm soát hiệu quả của quản lý nhà nước, tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngành xây dựng trong thời gian tới.

Năm 2022 và giai đoạn tới, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp cho địa phương thông qua rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật của ngành, đi đôi với tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính tại các địa phương để đảm giữ vững hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

- Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng - một trong các chỉ số được Ngân hàng Thế giới đo lường, đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế. Để tiếp tục nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số xếp hạng này, ngành xây dựng sẽ chú trọng những nội dung gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Chỉ số cấp phép xây dựng là một trong 10 chỉ số được Ngân hàng Thế giới dùng để đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Cấp phép xây dựng tại Việt Nam bao gồm 10 bước thủ tục thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, địa phương. Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới không thực hiện việc đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh; trong đó, có chỉ số Cấp phép xây dựng.

Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng như tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường quản lý nhà nước; đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho các bộ ngành, địa phương.

Hiện đã tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng; tích hợp, thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, thủ tục về môi trường, thẩm định về công nghệ…; giảm đối tượng phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.

Bộ thực hiện tăng cường phân cấp thẩm quyền thẩm định cho địa phương; mở rộng đối tượng miễn giấy phép xây dựng; phân cấp toàn diện thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho địa phương; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày… Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải cách chỉ số cấp phép xây dựng.

Việc lồng ghép, thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng và nhiều thủ tục liên quan đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, không cần nộp hồ sơ ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước và rút ngắn khoảng 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; trong đó, đã quy định nguyên tắc thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Cùng đó, Bộ Xây dựng ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp với Bộ Công an để thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra việc nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng với kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Thực tế cho thấy bước đầu thực hiện thủ tục này đã mang lại hiệu quả tích cực, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở cách tiếp cận, đánh giá của Ngân hàng Thế giới về thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp để cải thiện chỉ số này.

Trước mắt, Bộ sẽ tập trung xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng nhằm quản lý thống nhất thông tin, dữ liệu về hoạt động xây dựng từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, bảo đảm hành lang pháp lý trong triển khai thực hiện trên thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng.

Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên thực tế; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hiệu quả của việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng nhằm tăng cường sử dụng dịch vụ này trong thực hiện thủ tục hành chính.

Bộ cũng tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật và thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng làm cơ sở cho việc đánh giá, tổng kết thực tiễn trong quá trình xây dựng pháp luật.

-Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Thu Hằng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Mang cái nhìn bất thường thì sẽ thành bất thường (20/01/2022)

>   Siết tín dụng BĐS có làm thị trường hết 'sốt nóng'? (18/01/2022)

>   Qua thời 'gà đẻ trứng vàng', shophouse rơi vào cảnh ế ẩm, nhếch nhác (17/01/2022)

>   Tây Nguyên sốt đất bất thường (17/01/2022)

>   Những bài toán cần giải cho nhà giá rẻ (16/01/2022)

>   Giá nhà đất 'neo cao' và... bất động (15/01/2022)

>   Bức tranh bất động sản năm 2022 thế nào sau cơn ‘địa chấn’ Thủ Thiêm? (14/01/2022)

>   Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam: Giá nhà đất tăng 3-4 lần là bất hợp lý (14/01/2022)

>   TP.HCM: Người trẻ ít vốn mua nhà bằng cách nào? (13/01/2022)

>   Nghịch cảnh giá nhà đất tại khu Đông Thành phố Hồ Chí Minh (12/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật