Thứ Năm, 27/01/2022 06:46

Nguy cơ dừng hoạt động Lọc dầu Nghi Sơn: Sẽ tái cấu trúc tổng thể

Là đơn vị góp 25,1% vốn vào Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, nguy cơ dừng hoạt động nhà máy do khó khăn tài chính xuất phát từ yếu kém của ban điều hành công ty. Trước thực trạng này, PVN đang đàm phán phương án tái cấu trúc tổng thể công ty với các đối tác nước ngoài

Do yếu kém trong quản lý

Ngày 26/1, đại diện PVN cho biết, việc Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP) hủy nhập 2 tàu dầu thô và đối mặt nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Khó khăn này bắt nguồn từ việc PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận hỗ trợ tài chính thanh toán tiền dầu thô (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn và các phụ lục (FPOA).

“Theo điều lệ công ty, Ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, có công tác nhập dầu thô và công suất vận hành nhà máy. Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP. Các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP. Quá trình tái cấu trúc đang được đàm phán”, đại diện PVN cho biết.

Cũng theo PVN, tập đoàn này đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên nước ngoài góp vốn về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP, nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả công ty cũng như đảm bảo quyền lợi của PVN và phía Việt Nam.

Đại diện PVN đánh giá, thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh và tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án. Bên cạnh đó, công tác quản trị của NSRP do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập cũng đã góp phần vào các khó khăn về tài chính hiện nay của NSRP. Do đó, việc tái cấu trúc tổng thể NSRP là nhu cầu cần thiết và cấp bách. PVN đang trong giai đoạn đàm phán với các bên nước ngoài góp vốn về nội dung tái cấu trúc tổng thể NSRP.

Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn Ảnh: PVN

Trước đó, ngày 19/1/2022, NSRP đã có công văn gửi Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thông báo NSRP phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 1/2022, phải giảm công suất xuống 80% và sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn vào ngày 13/2/2022 nếu tình hình tài chính không được cải thiện. Theo nội dung công văn này, NSRP đang phải đối mặt khó khăn nghiêm trọng về tài chính.

Bài học cho DN khi tham gia dự án liên doanh

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã được nhận nhiều ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước về mặt cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế bù giá bán khi giá xăng dầu xuống thấp.

“Năng lực sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lớn bất ổn hoặc khi gặp trục trặc sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu Việt Nam, do thị phần của lọc dầu Nghi Sơn chiếm tỷ lệ lớn. Nguy cơ đóng cửa nhà máy là vấn đề quan trọng với lĩnh vực xăng dầu nói riêng và nền kinh tế nói chung rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Thịnh đánh giá.

Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), câu chuyện khó khăn tài chính của Lọc dầu Nghi Sơn là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp. “Đây là doanh nghiệp liên doanh được hưởng nhiều ưu đãi, nhận nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và có vốn góp của Nhà nước. Đến nay, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, nguy cơ dừng hoạt động là bài học cho các doanh nghiệp nhà nước khi tham gia các dự án liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Long đánh giá.

Về việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có nguy cơ dừng hoạt động, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì lượng xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, tránh ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, việc doanh nghiệp gặp khó khăn là do vấn đề thu xếp tài chính. Tuy nhiên, đây là công việc nội bộ của doanh nghiệp và có một phần trách nhiệm của PVN khi tham gia liên danh. “Lúc khó khăn trong tiêu thụ, Chính phủ, Bộ Công Thương đã hỗ trợ bằng cách kêu gọi các đầu mối nội địa tiêu thụ sản phẩm của 2 nhà máy trong nước. Cùng với đó là ưu tiên về quyền nhập khẩu, dự trữ dầu thô, Vì vậy, khi giá lên doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với vấn đề an ninh năng lượng, đảm bảo mặt hàng thiết yếu”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Quỳnh Nga- Phạm Tuyên

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam dự kiến dừng hoạt động vì thiếu tiền (26/01/2022)

>   Công ty Thái Lan mua thêm 2 nhà máy điện Mặt Trời tại Việt Nam (26/01/2022)

>   Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD (26/01/2022)

>   Kỷ luật Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Petimex (26/01/2022)

>   Tin vui cho doanh nghiệp thủy sản (26/01/2022)

>   Chủ đầu tư "ngâm tiền," dự án giao thông chậm tiến độ giải ngân (25/01/2022)

>   World Bank: Việt Nam cần 14 tỷ USD mỗi năm cho quá trình chuyển đổi năng lượng (25/01/2022)

>   Doanh nghiệp Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng cao (25/01/2022)

>   Xuất khẩu gặp lực cản nào trong năm 2022? (25/01/2022)

>   Hàng nội địa 'hút' khách (25/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật