Hành trình giá xăng dầu trong năm 2021
Trong năm 2021 mặc dù thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải căng mình chống lại đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động sản xuất và đi lại bị gián đoạn tuy nhiên giá xăng dầu vẫn không vì thế mà giảm đi. Năm 2021, giá xăng tại Việt Nam đã có tới 16 lần tăng giá cao gấp hơn 3 lần so với số lần giảm. Vì vậy kết năm 2021, giá bán lẻ xăng đã tăng hơn 41% so với cuối năm 2020.
Nếu như kết thúc năm 2020 giá xăng E5RON92 đang ở mức là 15,518 đồng/lít, xăng RON95 là 16,479 đồng/lít, dầu diesel là 12,376 đồng/lít, dầu hoả là 11,188 đồng/lít, dầu madut là 12,272 đồng/1kg thì sau điều chỉnh ngày 25/12, giá xăng dầu bán lẻ trong nước kết năm 2021 đã tăng mạnh so với năm 2020. Với xăng E5RON92 lên mức 22,550 đồng một/lít, xăng RON95 là 23,295 đồng/lít, dầu hoả là 16,518 đồng/lít, dầu diesel là 17,579 đồng/lít, dầu madut là 15,745 đồng/kg.
Kết năm 2021, giá xăng có 24 đợt điều chỉnh giá. Với xăng, có 16 lần tăng giá, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá bán lẻ. Mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 6,816 đồng trong năm 2021; xăng E5RON92 cũng tăng 7,032 đồng so với 2020.
Dầu diesel và dầu hoả có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần được nhà điều hành giữ nguyên giá bán. Tổng cộng mỗi lít dầu diesel đắt thêm 5,203 đồng; dầu hoả là 5,330 đồng. Còn mặt hàng dầu madut có 12 lần tăng, 8 giảm và 4 giữ nguyên giá bán, tổng cộng đắt thêm 3,473 đồng một kg trong năm qua.
Trong năm 2021 giá xăng RON95 có giai đoạn lên sát 25,000 đồng một lít, cao nhất 7 năm và chỉ còn cách 80 đồng so với đỉnh lịch sử tháng 7/2013.
Chi quỹ bình ổn giá xăng dầu: Xăng E5RON92 có 22 lần chi và 2 lần không chi, tổng tiền đã chi là 30,268 đồng/lít; xăng RON95 có 17 lần chi, 7 lần không chi, tổng tiền chi là 11,223 đồng/lít. Dầu diesel 15 lần chi, 9 lần không chi và tổng tiền là 5,444 đồng/lít; dầu hỏa có 14 lần chi và 10 lần không chi, tổng tiền chi là 5,362 đồng/lít; dầu mazut có 10 lần chi và 14 lần không chi, tổng tiền chi là 4,571 đồng/1kg.
Những loại thuế phí mà mỗi lít xăng dầu đang 'gánh'
Hiện nay, một lít xăng chịu nhiều loại thuế. Cụ thể, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, còn có một số khoản không phải là thuế, nhưng cũng được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá (trong đó mức trích Quỹ bình ổn giá là linh hoạt hơn).
Cơ cấu giá xăng gồm: Giá CIF tính thuế (giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế GTGT (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (lần lượt 10% và 8% với xăng RON95 và E5), thuế bảo vệ môi trường (3,800 đồng/lít với xăng E5 và 4,000 đồng/lít với RON95). Chưa hết, mỗi lít xăng còn gánh chi phí định mức kinh doanh 1,050-1,250 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng và trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) theo điều hành thực tế của cơ quan quản lý.
"Mức thuế mà mỗi lít xăng dầu đang gánh hiện nay là quá cao" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Theo bà Lan, các loại thuế, phí có thời điểm chiếm đến hơn 60% cơ cấu giá xăng, riêng thuế bảo vệ môi trường có lúc bằng 40% giá xăng, là rất bất hợp lý. Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất - kinh doanh thì việc phải tốn chi phí cho các loại thuế, phí trong giá xăng dầu là chưa hợp tình hợp lý.
|
Có thể thấy, trong 4 loại thuế đánh vào xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường là chiếm tỷ lệ cao nhất, “gắn” với số tiền tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Do đó, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh, chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.
Những chính sách mới về điều hành giá xăng dầu trong năm 2022
Ngày 1/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều nội dung thay đổi về cơ chế điều hành xăng dầu và công thức tính giá.
Theo đó, kể từ ngày 2/1/2022, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Việc này sẽ giúp giá xăng dầu trong nước bám sát hơn diễn biến của giá thế giới, tránh tăng sốc và giảm chậm so với biến động của giá thế giới.
Trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh. Còn nếu giá cơ sở tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành dựa trên báo cáo của Bộ Công Thương.
Năm 2022 cách xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu cũng được tính theo Thông tư mới mà Bộ Tài chính mới ban hành.
Cụ thể, Thông tư mới quy định chi phí thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được dùng để tính giá cơ sở theo Nghị định 95/2021. Trong đó, chi phí này được xác định bằng giá xăng dầu thế giới nhân với tỷ lệ ngoại tệ rồi cộng với chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam. Sau đó, lấy số liệu kể trên nhân với thuế suất nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền.
Trong đó, thuế suất nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền sẽ được Bộ Tài chính thông báo định kỳ hàng quý vào ngày 30 của tháng cuối quý.
Tương tự, chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được dùng để tính giá cơ sở xăng dầu theo Nghị định 95/2021. Trong đó, chi phí này được xác định bằng giá tính thuế nhân với thuế suất.
Căn cứ báo cáo về chi phí kinh doanh xăng dầu của các đầu mối trong nước, trước ngày 1/7 hàng năm, Bộ Tài chính sẽ thông báo tỷ lệ phần trăm của chi phí kinh doanh định mức cộng lợi nhuận định mức để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, Nghị định mới bổ sung công thức tính giá cơ sở xăng dầu từ ngày 2/1/2022 được xác định từ cơ cấu tỷ trọng gồm cả 2 nguồn xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ dựa trên giá nhập khẩu như trước đây.
Nhật Quang
FILI
|