Thứ Ba, 04/01/2022 15:32

Đại biểu lo gói phục hồi kinh tế chưa tung ra, bất động sản đã sốt

Đại biểu Quốc hội lo ngại chương trình phục hồi kinh tế có thể khiến đầu cơ bất động sản và chứng khoán ngày càng gia tăng.

Mở đầu phiên thảo luận tổ chiều 4/1 về một số chính sách tài khóa - tiền tệ phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Trần Văn Lâm (Bắc Giang) dùng từ “yên tâm” khi nói về tờ trình của Chính phủ lần này.

Ông nhấn mạnh chương trình phục hồi kinh tế cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi đặt ra cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Tuy nhiên, ông lại không "yên tâm" khi nhắc đến 5 yếu tố quan ngại mà các chính sách tài khóa - tiền tệ có thể gây ra. Một trong những vấn đề đó là tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản và chứng khoán.

“Chương trình phục hồi kinh tế chưa tung ra mà chứng khoán và bất động sản đã sốt nóng. Giá tăng không chỉ làm tạo ra bong bóng trong ngắn hạn mà còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong tương lai”, ông Lâm cảnh báo.

Lo ngại đầu cơ

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ quan ngại về 5 yếu tố trong chương trình phục hồi kinh tế. Thứ nhất là việc đảm bảo cân đối các nền tảng vĩ mô, đặc biệt là nợ công, nợ Chính phủ và lạm phát. Thứ hai là vấn đề nợ xấu, nếu không thận trọng sẽ làm tăng nợ xấu, kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Thứ ba, ông Lâm quan ngại đến vấn đề đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản. Ông Lâm lo ngại chứng khoán và bất động sản "sốt nóng" có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong tương lai.

chương trình phục hồi kinh tế ảnh 1

Chương trình phục hồi kinh tế sẽ gồm chính sách tài khóa và tiến tệ, trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Vị đại biểu Bắc Giang cũng nhấn mạnh khi giá đất tăng quá cao, doanh nghiệp cần mặt bằng kinh doanh thì phải chi trả chi phí rất cao, làm ảnh hưởng đến tính hấp dẫn đầu tư.

Ông cũng dẫn kết quả một cuộc giám sát về đất đai năm 2020 cho thấy tỷ lệ các lô đất và căn hộ đang triển khai mới tung ra sản phẩm chỉ là 16%. Trong khi đó, mức đưa vào sử dụng mới 3%, gây ra một sự lãng phí lớn cho xã hội.

Thứ tư, ông Lâm lo ngại yếu tố lãng phí, thất thoát khi tung ra các gói đầu tư công. Ông lý giải nhiều dự án đầu tư công luôn tiềm ẩn thất thoát, tham nhũng. Khi đó nền kinh tế lại chịu hậu quả, hệ số ICOR sẽ tăng lên rất cao.

Thứ năm, ông Lâm quan ngại khi tung ra các gói đầu tư công thì hình thức đối tác công - tư (PPP) bị bỏ rơi, hay nói cách khác, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư đang bị bỏ rơi.

Đại biểu đề xuất cần tăng thu, giảm chi, tăng sự an toàn của các chỉ số như nợ công, nợ Chính phủ. Ngoài ra cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, tránh thất thoát, lãng phí, ngăn ngừa biểu hiện nợ xấu, đầu cơ, bong bóng chứng khoán, bất động sản.

Đại biểu cũng đề xuất chính phủ cần có sự quan tâm tới PPP, không bỏ rơi hình thức đầu tư này.

Đầu tư quá nhiều vào hạ tầng?

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng tờ trình của Chính phủ mới tập trung quá nhiều vào chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa nêu chi tiết trong tờ trình.

“Cần đánh giá thêm vai trò của chính sách tiền tệ, nếu thêm thì cần thêm bao nhiêu. Ngoài việc hỗ trợ 2% lãi suất thì cần chính sách gì nữa”, ông nói.

Trong chính sách tài khóa, ông An tập trung phân tích đến việc sử dụng 103.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông và 14.000 tỷ đồng cho hạ tầng y tế.

“Tổng số đầu tư 240.000 tỷ đồng từ ngân sách, chủ yếu lại sử dụng cho hạ tầng là chính. Tôi cho rằng quy mô dành cho hạ tầng là quá lớn”, ông An nhận định.

Theo đại biểu, Chính phủ đề xuất dành 72.000 tỷ hoàn thiện các tuyến còn lại của đường cao tốc Bắc - Nam, còn lại dành cho một số sự án khác.

Ông đặt câu hỏi khi mục đích của chương trình phục hồi kinh tế là tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và giải ngân được ngay, chính sách sớm đi vào cuộc sống được ngay trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, nếu đầu tư quá nhiều vào làm đường cao tốc thì phải đến 2025 mới hoàn thành, đồng nghĩa khi đó tiền mới giải ngân hết.

chương trình phục hồi kinh tế ảnh 2

Đại biểu Trịnh Xuân An ở buổi thảo luận tổ. Ảnh: Hiếu Công.

“Cần phải hài hòa lại nguồn vốn đầu tư công 2021-2025, vì có thể không thể đạt được mục đích”, ông An dẫn lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đại biểu Đồng Nai cũng băn khoăn vấn đề đầu tư cho y tế. Ông cho rằng thách thức giải ngân 14.000 tỷ cho y tế trong 2 năm khi thủ tục đầu tư mới bắt đầu làm là rất khó khăn.

Ngoài ra, đầu tư cho y tế không chỉ là làm cái nhà hay mua sắm trang thiết bị mà còn là đầu tư vào con người. Trong khi đó, nếu không chuẩn bị kỹ thì có thể xảy ra sai phạm trong mua sắm. Đại biểu đề nghị cần xem xét tính khả thi.

Với số tiền còn lại 63.000 tỷ để làm các dự án giao thông mới, ông An cũng cho rằng phải rà soát lại tiêu chí hình thành các dự án lớn. Ông cho rằng không phải dự án nào cũng đúng mục đích đề án.

Cuối cùng, đại biểu cho rằng cần làm rõ yếu tố an ninh tài chính, đảm bảo các yếu tố vĩ mô khi thực hiện chương trình phục hồi kinh tế.

Hiếu Công

ZING

Các tin tức khác

>   Kịch bản chuyển động thị trường bất động sản trong năm 2022 (04/01/2022)

>   Sốt ảo, sốt cục bộ từ đâu? (04/01/2022)

>   Dự báo 2022: Thị trường bất động sản tiếp tục 'nóng' (03/01/2022)

>   Đất nền ở miền Tây rao bán rầm rộ nhưng ít người mua (02/01/2022)

>   'Choáng' với giá trúng đấu giá đất Thủ Thiêm: Nguy cơ 'đánh vống' giá trị đất để vay thêm? (31/12/2021)

>   Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam: Thủ phạm đẩy giá bất động sản (31/12/2021)

>   Choáng với giá đấu giá đất Thủ Thiêm : Tân binh loại "ông lớn" bằng bước giá 700 tỉ đồng (30/12/2021)

>   Thị trường đầu tư cuối năm: Giới đầu tư điều chỉnh chiến lược cho năm mới 2022 (31/12/2021)

>   Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam: Giá ảo, giao dịch 'chết' thật (30/12/2021)

>   Năm 2021, lượng giao dịch và nguồn cung bất động sản đạt 84% so với năm 2020 (29/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật