Thứ Bảy, 29/01/2022 09:15

Chuyến bay đưa người Việt Nam về nước thời gian qua đã được thực hiện thế nào?

Ngày 27-1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 4 bị can để điều tra cùng về tội "Nhận hối lộ": Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng; Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh; Phó Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) Lưu Tuấn Dũng.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Chuyến bay đưa người Việt Nam về nước thời gian qua đã được thực hiện thế nào? - Ảnh 1.

Một chuyến bay đưa người Việt về nước do hàng không Việt Nam thực hiện

Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, có hoàn cảnh khó khăn về nước là một chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong suốt 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng các hãng hàng không trong nước và nước ngoài thực hiện 800 chuyến bay đưa gần 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.

Năm 2021, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức gần 600 chuyến bay đưa hơn 130.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước, cách ly tại các cơ sở quân đội hoặc tại cơ sở dân sự của các địa phương.

Để tránh tình trạng công dân bị lừa đảo, lợi dụng, chiếm đoạt tài sản… Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khuyến cáo công dân không liên hệ với các cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống; không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới, trung gian nào.

Chuyến bay đưa người Việt Nam về nước thời gian qua đã được thực hiện thế nào? - Ảnh 2.

Một chuyến bay đưa người Việt về nước do hàng không Việt Nam thực hiện

Thời gian gần đây, nhiều người phản ánh rằng các chuyến bay về nước có chi phí rất cao và thủ tục giấy tờ phức tạp, đặt vấn đề có hay không sự trục lợi trên các chuyến bay giải cứu.

Bộ Ngoại giao khẳng định quan điểm tất cả các hành vi trục lợi, tiêu cực, làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết từ cuối tháng 3-2020 đến cuối năm 2021, do tác động của dịch Covid-19 và nhằm kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam đảm bảo an toàn phòng chống dịch, toàn bộ các chuyến bay quốc tế đi/đến Việt Nam đều được cấp phép bay theo hình thức chiều từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng và việc chở khách phải được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

Hành khách là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế đều phải có văn bản đồng ý của các cấp có thẩm quyền và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Chuyến bay đưa người Việt Nam về nước thời gian qua đã được thực hiện thế nào? - Ảnh 3.

Trong giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 9-2021, đã có hơn 274.200 người nhập cảnh qua đường hàng không. Các hãng hàng không Việt Nam đã tổ chức hơn 400 chuyến bay "giải cứu" vận chuyển hơn 110.000 công dân về nước cách ly tại các cơ sở quân đội và gần 150 chuyến bay theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly (combo) tại khách sạn, xe đón, xét nghiệm... với hơn 30.000 công dân.

Theo Bộ GTVT, các điều kiện như trên không đủ để các hãng hàng không Việt Nam khôi phục lại hoạt động chở khách quốc tế thường lệ và không đủ cạnh tranh với chính sách của các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Tuy nhiên, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam bắt đầu từ tháng 7-2020 cho đến cuối 2021 vẫn chưa thành hiện thực.

Tại tọa đàm "Mở cửa du lịch phục hồi kinh tế" tổ chức tháng 12-2021, các chuyên gia cho rằng cần sớm mở lại các đường bay thương mại thường lệ quốc tế, càng sớm càng tốt. TS Lương Hoài Nam, chuyên gia về du lịch và hàng không, nêu vấn đề có đơn vị nhân danh chống dịch mà trục lợi trên nỗi khốn khó của đồng bào. Ông Nam dẫn chứng trường hợp người bạn vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3, 4-2020, chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD; từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội.

Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, bà con Việt Kiều chia sẻ kinh nghiệm về nước bằng cách "lách" sang Campuchia. Hành khách bay từ châu Âu về Phnom Penh chỉ với giá 630 Euro, đi ôtô mất 100 Euro lên cửa khẩu Mộc Bài, trình hộ chiếu Việt Nam ra chắc chắn sẽ được vào Việt Nam và sau đó, cách ly 1 tuần ở Tây Ninh.

Diệp Châu

Người lao động

Các tin tức khác

>   Bắt Cục trưởng, Cục phó Lãnh sự Bộ Ngoại giao vì ‘nhận hối lộ’ (28/01/2022)

>   Không bắn pháo hoa Tết Nhâm Dần 2022 trên cả nước (28/01/2022)

>   10 vụ án trọng điểm trong năm 2022, điển hình vụ Việt Á (28/01/2022)

>   Doanh nghiệp 'sáng đèn' xuyên Tết (28/01/2022)

>   Hàng Tết dồi dào, giá dễ chịu (28/01/2022)

>   Siết quản lý, thu thuế thương mại điện tử (28/01/2022)

>   Chi 1,45 tỷ USD nhập khẩu phân bón trong năm 2021, 42% là từ Trung Quốc (27/01/2022)

>   Để thành phố Thủ Đức thức giấc, phát triển (27/01/2022)

>   Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam (27/01/2022)

>   Ngành mía đường đang bị dồn vào “chân tường” (27/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật