Bài cập nhật
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết có thể bị phạt bao nhiêu vì bán chui cổ phiếu FLC?
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn FLC, giao dịch bán 74.8 triệu cp FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin. Vậy theo quy định, cá nhân này có thể bị xử phạt như thế nào?
17h45 chiều ngày 10/01/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận được Báo cáo đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết giao dịch bán 74.8 triệu cp FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. UBCKNN hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Ước tính theo giá đóng cửa phiên 10/01 (21,150 đồng/cp), giao dịch của ông Quyết có giá trị hơn 1,580 tỷ đồng.
Theo bản đăng ký giao dịch, ông Quyết muốn bán 175 triệu cp FLC từ ngày 10 - 17/01. Nếu giao dịch diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của ông tại FLC sẽ giảm từ 30.34% (hơn 215 triệu cp) xuống còn 5.7% (hơn 40 triệu cp).
Trong văn bản đăng ký gửi UBCKNN và HOSE, ông Quyết đề ngày lập văn bản là ngày 05/01/2022, đồng thời thông tin này cũng được đăng tải trên website FLC vào 8h30 ngày 05/01 (theo hiển thị trên website FLC được truy cập vào lúc 22h ngày 10/01). Tuy nhiên tính đến 10/01, trên website HOSE vẫn chưa đăng tải thông tin về việc ông Trịnh Văn Quyết đăng ký giao dịch.
Theo quy định tại Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính, người nội bộ của doanh nghiệp phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch tại website của Sở giao dịch chứng khoán trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc.
Đến sáng 11/01, UBCKNN cho biết hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Ông Trịnh Văn Quyết có thể bị phạt tối đa 1.5 tỷ đồng
Theo Nghị định số 128 của Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi công bố thông tin không đúng về thời hạn về việc dự kiến giao dịch sẽ bị phạt 3% - 5% giá trị đăng ký giao dịch nhưng không quá 1.5 tỷ đồng (đối với cá nhân) nếu giao dịch có giá từ 10 tỷ đồng trở lên.
Với lượng đăng ký bán 175 triệu cp FLC của ông Quyết, giá trị giao dịch tính theo mệnh giá là 1,750 tỷ đồng, còn theo giá thị trường là hơn 3,700 tỷ đồng (tính giá chốt phiên 10/01). Như vậy, nếu bị UBCKNN xử phạt, khoản tiền tối đa ông Quyết bị phạt trong hành vi này là 1.5 tỷ đồng.
Theo Điều h, Khoản 5 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP của Chính quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thì hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoản giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau: Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.
Về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền, quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 05 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản này để xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1.5 tỷ đồng đối với cá nhân.
|
Tiếp tục cập nhật...
Duy Na
FILI
|